MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi!

Con người là yếu tố được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Báo Trí Thức Trẻ trong câu chuyện làm chính phủ điện tử. Theo quan điểm của ông, những cải cách đầu tiên phải đến từ thay đổi tư tưởng của mỗi cán bộ, công chức nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 vừa diễn ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chính phủ điện tử, tiến đến nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam sẽ không đứng ngoài. Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra sự minh bạch, giám sát và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, ông Dũng lưu ý đến việc không ai bị bỏ lại phía sau. 

Chính phủ điện tử, theo ông, dựa trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa người dân sẽ là trung tâm phục vụ. "Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là sự hài lòng của Chính phủ". 

Bên lề Hội thảo, Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Mai Tiến Dũng để làm rõ hơn câu chuyện về việc thực hiện chính phủ điện tử trong thời gian vừa qua. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi! - Ảnh 1.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình tiến hành chính phủ điện tử trong thời gian vừa qua?

Việt Nam đã tiến hành triển khai chính phủ điện tử từ những năm 2000. Có thể nói chúng ta đã làm được nhiều việc, tuy nhiên, nếu nhìn về khía cạnh mang lại dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Sự hạn chế này đến từ nhiều lý do, từ thể chế, hạ tầng, ứng dụng dụng công nghệ đến khó khăn về kinh phí... khiến Việt Nam chưa làm được cơ sở dữ liệu quốc gia, cũng như nhiều vấn đề khác.

Với những tồn tại như vậy, từ tháng 8/2018 đến nay, Thủ tướng với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong việc tạo ra một lực đẩy nhằm thúc đẩy tiến trình này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi! - Ảnh 2.

Đơn cử như vể thể chế, chúng ta đã xây dựng Nghị quyết 17, Nghị định 19 hay Quyết định 28 của Thủ tướng về việc gửi nhận văn bản trên nền tảng điện tử, chữ ký số... Chính phủ cũng giao cho các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung kiến trúc điện tử phiên bản 2.0, xây dựng dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức, tạo ra sự thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu...

Như vậy, khi những thể chế này được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện căn cơ để người dân, doanh nghiệp, các tổ chức liên quan tham gia vào việc số hoá chính quyền. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm và tiếp tục hoàn thiện để tạo ra môi trường tốt nhất.

Vậy việc số hoá tại văn phòng Chính phủ đã và đang diễn ra như thế nào? Theo Bộ trưởng, đâu là sự thay đổi rõ rệt nhất?

Từ tháng 6/2018, văn phòng Chính phủ đã thực hiện phi giấy tờ. Toàn bộ hồ sơ đều được thực hiện trên các thiết bị điện tử, trừ văn bản mật. Trên mặt bàn của tôi cũng vắng bóng giấy tờ. Văn bản đưa đến đâu, ký đến đấy. Tôi cũng vừa mới kiểm tra và ký văn bản. Lúc nào bên người cũng có ipad để làm việc.

Tôi cũng thấy có sự thay đổi rõ về vấn đề tư duy, ý thức, trách nhiệm của cán bộ thực thi. Thời gian, tiến độ, chất lượng công việc cũng được cải thiện nhờ vào sự minh bạch, giám sát thông qua việc số hoá bộ máy.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi! - Ảnh 3.

Ông từng nói "không đồng tình với việc hạ tầng ảnh hưởng đến tiến độ làm Chính phủ điện tử, thay vào đó là câu chuyện con người". Vậy cơ chế nào đảm bảo con người có thể đi vào chuẩn mực? Tính riêng ở văn phòng Chính phủ, với cương vị Người đứng đầu, ông đã làm những gì để đảm bảo mọi thứ được đi đúng hướng?

Trước hết chúng ta phải làm công tác tư tưởng, giáo dục cán bộ. Cải cách chính là từ tư tưởng, phải dứt bỏ những quyền lợi, những thứ mà thường được cho là không ai giám sát, mỗi người phải có trách nhiệm minh bạch.

Mặt khác cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong việc làm chính phủ điện tử. Nếu trước đây người nào biết việc nấy thì nay, với việc điện tử hoá, các cá nhân trong tổ chức sẽ có sự công khai, tương tác, chia sẻ thông tin.

Tôi cũng cho rằng cần lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu, phải gương mẫu để có sự noi gương.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi! - Ảnh 4.

Vậy công tác giám sát, xử lý cán bộ vi phạm tại Văn phòng Chính phủ như thế nào?

Việc kiểm tra diễn ra thường xuyên, ví dụ như trong các cuộc họp giao ban, những vấn đề gì tồn đọng, hạn chế sẽ được xem xét. Khi kiểm tra trên hệ thống văn bản, tôi sẽ biết được có bao nhiêu người đã được nhận, mất bao nhiêu thời gian để xử lý một văn bản đó. Có trường hợp cán bộ 7 ngày không xử lý được một văn bản, như vậy là không được. Tất cả đã được lưu dấu vết, cán bộ, công chức dù muốn giấu cũng không giấu được.

Với những văn bản đã được ký rồi, chúng tôi cũng có thể truy cập trở lại để xem xét cách xử lý đã ổn thoả hay chưa.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một điểm rất đáng lưu ý chính là chiếc iPad trên tay các đại biểu, giúp đại biểu tiếp cận tài liệu, văn bản. Theo quan sát của ông, chất lượng của những ứng dụng này như thế nào?

Tốt chứ, rất thuận lợi. Các đại biểu Quốc hội có thể trao đổi thuận tiện hơn về các vấn đề ở từng phiên họp. Ý kiến cuả các đại biểu khác như thế nào, dư luận ra làm sao. Hệ thống cũng hỗ trợ đại biểu truy cập các văn bản pháp luật khi cần tìm kiếm thêm thông tin.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm chính phủ điện tử, điều quan trọng nhất là phải dám vứt bỏ quyền lợi! - Ảnh 5.

Vậy trong tương lai, Bộ trưởng hình dung chính phủ điện tử, những thành phố thông minh ở Việt Nam sẽ như thế nào?

Tôi cho rằng có triển vọng tốt cho Việt Nam trong những lĩnh vực này nếu chúng ta có một thái độ rất nghiêm túc. Nguồn nhân lực, công nghệ sẽ là không đủ nếu không có sự kết nối, chia sẻ, hợp tác. Việt Nam có nhiều cá nhân giỏi, nhiều nhân vật trong giới công nghệ xuất sắc nhưng nếu không có sự định hướng chuẩn, chúng ta sẽ không làm được.

Còn nếu bắt tay vào làm, tôi tin rằng Việt Nam không thua kém các nước. Nhưng tôi nhấn mạnh một lần nữa, điều kiện cần là phải làm việc nghiêm túc, từ nhận thức đến cách làm cụ thể. Bởi chúng ta đôi khi hay nói nhiều, trong khi thực tiễn lại khác.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Phương Ánh
7pm
Theo Trí Thức Trẻ02/08/2019

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên