Bộ trưởng muốn tinh giản cũng sợ bị cô lập
“Một số bộ trưởng dù muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản đúng định hướng cũng khó bề xoay xở vì không xử lý được quan hệ nội bộ. Những người thấy rõ sự bất hợp lý muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn thì dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ, ngành”, TS Lê Hồng Sơn ngày 22/2 nhấn mạnh tại Hội thảo cải cách, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
20/22 bộ, ngành đề nghị tăng biên chế
Tại hội thảo, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, ở các địa phương từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 sở du lịch, mà xuất phát đầu tiên từ TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh. Tính đến nay có đến 20/22 bộ, ngành đồng thời đề nghị tăng biên chế. Chỉ có hai bộ đề xuất giảm là Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ. Trong đó Bộ Công Thương đề nghị giảm mạnh nhất.
Được đề nghị phát biểu để chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nói rất ngắn gọn vì lý do “không phụ trách lĩnh vực này”. Bà Thoa cho hay, Bộ Công Thương đã rất quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế và đã giảm từ hơn 30 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.
“Mỗi nhiệm kỳ mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ ngành mình”.
TS Lê Hồng Sơn
Một ý tưởng khá táo bạo được PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Hành chính, Đại học Luật Hà Nội đưa ra là thực hiện sáp nhập thu gọn các đơn vị hành chính. Theo ông Đoan, để giảm chi tiêu của nhà nước nên giảm bớt đơn vị hành chính, như sáp nhập các xã, phường, rồi đến các huyện, thậm chí cả cấp tỉnh vào nhau để bộ máy đỡ cồng kềnh, giảm chi phí.
TS Đoan cho rằng, hiện nay điều kiện đã chín muồi, khi giao thông tốt hơn, thông tin liên lạc tốt hơn, năng lực quản lý, nhận thức của người dân cũng tốt hơn... “Hai phường, hai xã nhập làm một sẽ mạnh lên và chúng ta phân cấp, phân quyền cho họ. Như vậy đầu mối sẽ giảm bớt đi. Khi sáp nhập cần đưa ra tiêu chí giảm bớt bao nhiêu người, chứ không phải ghép một cách cơ học”, TS Đoan nói.
Dễ bị cô lập nếu muốn tinh giản bộ máy
Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, trong hệ thống thể chế của Chính phủ lâu nay có nghị định quy định chung về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại có vấn đề về tính “hợp pháp”. Chuyên gia này cho rằng, trong nhiều năm qua việc xác định cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các vụ là một sự dễ dãi, thậm chí tuỳ tiện theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu.
“Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng, bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ ngành mình”, ông Sơn nói.
Ngược lại, cũng có tình trạng một số bộ trưởng dù muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản đúng định hướng cũng khó bề xoay xở vì không xử lý được quan hệ nội bộ. “Những người thấy rõ sự bất hợp lý muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn thì dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ ngành”, ông Sơn nói.
TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, đưa ra ví dụ về khảo sát hàng năm của PAPI (chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) với gần 14 nghìn người dân được chọn ngẫu nhiên. Trước câu hỏi: Ông/bà thấy việc quen thân (chủ nghĩa vị thân) hoặc lo lót có quan trọng khi vào làm công chức, viên chức không? Kết quả có đến trên 80% người được hỏi trả lời là rất quan trọng hoặc quan trọng.
Ông Dinh nêu rõ, mặt tiêu cực trong tuyển chọn công chức, viên chức, ảnh hưởng của chủ nghĩa vị thân cũng được thể hiện rõ trên phạm vi toàn quốc. Khảo sát của PAPI cũng cho thấy, xã hội dường như đã quen với tập quán tham nhũng vặt, giá trị của trục nội dung “kiểm soát tham nhũng” có giá trị thấp so với lĩnh vực cải cách hành chính và giẫm chân tại chỗ 5 năm liền.
“Tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ giảm dần từ 9,15% của 2011 xuống 2,67% năm 2015. Sự chịu đựng đối với hành vi tham nhũng cũng tăng lên theo thời gian, sẵn sàng bỏ qua, đồng loã với tham nhũng, số tiền bị vòi vĩnh tăng nhiều qua các năm”, ông Dinh nói.
Tiền phong