Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam thì hãy nhận lấy một sứ mệnh Việt Nam, để cho đất nước này hoá rồng, hoá hổ!
Phát biểu tại buổi lễ khai trương trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam của Viettel IDC, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Một doanh nghiệp nhỏ thì ngày mai là quan trọng. Một doanh nghiệp lớn thì 3 năm, 5 năm, 10 năm tới mới là quan trọng. Viettel là một doanh nghiệp lớn, bởi vậy phải suy nghĩ, phải chuẩn bị, phải đầu tư cho 3 năm, 5 năm, 10 năm tới".
Sứ mệnh hạ tầng số
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Lĩnh vực viễn thông bước vào cuộc đổi mới lần 2. Từ hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Cuộc đổi mới lần 2 này mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn nhiều lần cho các nhà mạng trong khi không gian cũ đã hết dữ liệu và suy giảm. Đầu tư vào hạ tầng số là đòi hỏi mang tính tất yếu và sống còn đối với các nhà mạng. Đồng thời khoản đầu tư ấy cũng là sứ mệnh mới của các nhà mạng đối với sự phát triển của đất nước".
Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ mùng 1/7/2024 đã chính thức để cập đến khái niệm hạ tầng số. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lương siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng dữ liệu là một bộ phần quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông, thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu.
Đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế. Đầu tư trung tâm dữ liệu phải đi cùng với dịch vụ điện toán đám mây. Nếu không thì chỉ đơn thuần là cho thuê vị trí. Các nhà mạng Việt Nam phải chú ý phát triển dịch vụ cloud và cho thuê cloud. Cứ mỗi 3 năm là dữ liệu thế giới lại tăng cấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam chúng ta đang có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack, tổng công suất thiết kế là 145 MW. Viettel là nhà mạng lớn nhất về trung tâm dữ liệu Việt Nam, với tổng công suất là 87 MW.
Cách đây 16 năm, vào năm 2008, IDC đầu tiên ở Việt Nam cũng là thuộc về Viettel. Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc mà chúng ta khai trương hôm nay có công suất thiết kế 30 MW và trên 2.000 rack, là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trung tâm dữ liệu này không chỉ là một dự án mới của Viettel, mà còn là biểu tượng của sự tiên phong, phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ mới. Việc ra mắt Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc hôm nay là minh chứng cho cam kết của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng số Việt Nam tiêu chuẩn quốc tế và cũng là hiện thực hóa sứ mệnh hạ tầng số của Viettel.
"Một doanh nghiệp nhỏ thì ngày mai là quan trọng. Một doanh nghiệp lớn thì 3 năm, 5 năm, 10 năm tới mới là quan trọng. Viettel là một doanh nghiệp lớn, bởi vậy phải suy nghĩ, phải chuẩn bị, phải đầu tư cho 3 năm, 5 năm, 10 năm tới" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông cũng khẳng định, dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế số. Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Viettel cũng như các nhà mạng viễn thông khác của Việt Nam phải có một tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của một quốc gia để biến Việt Nam thành một Digital Hub của thế giới. Luật Viễn thông năm 2023 đã mở rộng pháp vi điều chỉnh bao gồm cả trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Việt Nam đã có luật, đã có quy hoạch hạ tầng ngành thông tin và truyền thông để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu, thể chế chính sách đã cơ bản đầy đủ, việc còn lại là nằm ở Viettel và các doanh nghiệp hạ tầng số.
Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số đặt ra vấn đề bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia, bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc có một hệ thống trung tâm dữ liệu an toàn, tin cậy và bảo mật cao nhất, công nghệ tiên tiến nhất như trung tâm dữ liệu của Viettel Hòa Lạc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Sử dụng hạ tầng số, dịch vụ số “Make in Việt Nam”
Nhân sự kiện này, một lần nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của Việt Nam, nhất là khi hạ tầng, dịch vụ của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và giá cả cạnh tranh.
Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành "Nghị định hướng dẫn luật viễn thông", trong đó quy định dữ liệu của cơ quan nhà nước phải lưu trữ tại Việt Nam. Sử dụng hạ tầng số, dịch vụ số “Make in Việt Nam” vừa đảm bảo hiệu quả hơn, về chi phí tối ưu hơn, về hiệu suất an toàn và linh hoạt hơn, đồng thời cũng chính là chung tay đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.
"Thưa các đồng chí, doanh nghiệp thì phải có lợi nhuận để tổn tại nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ lại là lợi nhuận? Một doanh nghiệp vĩ đại là một doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận để thực hiện sứ mệnh. Doanh nghiệp Việt Nam thì hãy nhận lấy một sứ mệnh Việt Nam. Để cho đất nước này hoá rồng, hoá hổ, để Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21. Để Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm" - Bộ trưởng nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel là một doanh nghiệp như vậy. Và các doanh nghiệp công nghệ số khác của ngành thông tin và truyền thông cũng củng cố khát vọng này thì ngành thông tin và truyền thông Việt Nam có thể sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2030.