MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thị phi, có thông tin không trung thực!

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm sự: "Cũng bị thị phi. Có thông tin có thể không trung thực, chính xác qua mạng, ngoài lề, nhưng cơ quan chức năng sẽ làm công minh, đúng người đúng tội, đúng việc, không oan sai để xây dựng nền y tế phục vụ dân tốt hơn".

Sáng nay 21-10, bên hành lang phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh việc Quốc hội dự kiến phê chuẩn miễn nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế trong kỳ họp này.

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có thị phi, có thông tin không trung thực!  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn báo chí

- Phóng viên: Chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới bà có nuối tiếc công việc gì mà còn dang dở không?

+ Bộ trưởng Y tế: Ngành Y tế là ngành vất vả, ngành phục vụ. Cả 8 năm tôi làm bộ trưởng, cả ngành cùng tâm huyết, đã có nhiều chính sách đổi mới toàn diện. Kết quả cả ngành hài lòng và toàn dân hài lòng hơn, đó là kết quả lớn nhất.

- Kết quả nào tâm đắc nhất trong 8 năm làm Bộ trưởng Y tế và kết quả nào khiến bà hài lòng nhất khi dồn tâm huyết?

+ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ chính sách rất nhiều, ngành quyết liệt và sáng tạo, các chính sách hội nhập quốc tế nhưng được vận dụng cụ thể, sáng tạo ở điều kiện Việt Nam.

Như tôi đã từg nói, đó là làm tăng sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ, bảo hiểm y tế (BHYT) lo cho cả người nghèo, người khó khăn. Chính sách mua 100% BHYT mệnh giá cho người nghèo và người cận nghèo 70%. Đánh giá độc lập của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và đánh giá của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam thì các tiêu chí đều trên 80%. Và đặc biệt đánh giá sự minh bạch y tế tuyến huyện của UNDP.

- Có lúc nào bà cảm thấy áp lực, chán nản và muốn buông bỏ không?

+ Tôi nghĩ đấy là quy luật cuộc sống. Mâu thuẫn luôn phát sinh và phát triển, giải quyết việc này lại phát sinh mâu thuẫn khác nên phải giải quyết để phát triển cao hơn. Kể cả ở nước có thu nhập trung bình hay cao. Nói chung ngành y tế thì luôn như vậy, vì người dân luôn mong muốn được phục vụ tốt hơn.

- Khi rời cương vị Bộ trưởng, bà có trăn trở điều gì khi mong muốn làm tốt hơn nhưng vì nhiều lý do chưa làm được?

+ Cái chúng tôi đang, lẽ ra có thể làm tốt hơn chính là y tế cơ sở và "chăm sóc cho người khỏe" (y tế cơ sở), giai đoạn này đang tập trung. Vừa rồi tập trung bệnh viện nhiều là để hạ hỏa bức xúc lớn về cơ sở y tế của người dân.

Số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại chúng ta cần chăm sóc, dự phòng, phát hiện bệnh sớm và lối sống phòng bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thu, cái đó phải gắn với y tế cơ sở, tiến tới y tế toàn dân – là mơ ước của Liên hiệp quốc và y tế thế giới. Quan điểm của Chính phủ là không để lại ai phía sau, người nghèo cũng được chữa bệnh. Hiện làm ở cả tuyến xã.

- Vừa qua, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, theo bà hoạt động của Bộ Y tế tới đây thế nào?

+ Cái này tân Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và Chính phủ, Ban Bí thư, Bộ Chính trị sẽ quyết. Mình thôi ban cán sự nên không phát biểu gì. Chưa biết người kế nhiệm nên chưa thể nói gì.

- Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận của ngành y tế thì vẫn có những việc khiến dân bất an. Việc cụ thể nào khiến bà đến nay còn tâm tư?

+ Những thứ phải lo cho dân thì rất nhiều thứ, mà trách nhiệm thì giải quyết mâu thuẫn này lại phát sinh mâu thuẫn khác. Ở cơ sở, nhiều công trình xây dựng chưa xong sớm để phục vụ dân tốt hơn, nếu có công trình đó sớm thì tốt. Hai là một số vấn đề về được đang giải quyết, mình cũng bị thị phi.

Có thông tin có thể không trung thực, chính xác qua mạng, ngoài lề, nhưng cơ quan chức năng sẽ làm công minh, đúng người đúng tội, đúng việc, không oan sai để xây dựng nền y tế phục vụ dân tốt hơn, cái đó ai cũng muốn.

- Nếu có thang điểm 10 chị tự chấm cho mình điểm mấy?

+ Tôi không tự chấm điểm cho mình được, có ai tự chấm điểm cho mình được đâu. Mình chỉ biết trong thời gian đó anh em toàn ngành, từ chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội nên từ các bệnh viện, sở y tế, trạm y tế thì áp lực công rất kinh khủng, nhiều lúc áy náy vì áp lực cho anh em nhiều quá, thay đổi nhiều quá. Nhưng đến lúc có kết quả thì giám đốc các sở y tế, giám đốc bệnh viện tỉnh, huyện rất hạnh phúc, cứ dẫn mình đi đến các bệnh viện cơ sở khoe đã làm được những gì, trên chỉ đạo thế nào dưới làm đúng như thế.

Từ việc lớn đến việc nhỏ như nhà vệ sinh ở bệnh viện. Đi thăm bệnh nhân ai cũng ôm lấy tôi và bảo giờ đỡ lắm rồi Bộ trưởng ạ. Trước đi bệnh viện thì…

Tôi cũng có thể gặp nhà báo kỳ họp cuối cùng. Niềm hạnh phúc nhất của các bạn đồng nghiệp ngành y tế chúng tôi là từ bệnh viện, tỉnh, sở y tế, trạm y tế, phải hỏi người dân thì mới biết được. Phải hỏi người dân là bác chờ có lâu không, nhân viên y tế thái độ có tử tế không, có trả thêm nhiều tiền không, có đòi gì không…

Còn tới đây, tôi sẽ chuyển công tác khác, làm nhiệm vụ khác.

- Là nữ bộ trưởng duy nhất đảm nhiệm ngành gắn bó với mọi người dân, bà có thấy mình vất vả, thiệt thòi hơn các nam đồng nhiệm khác?

+ Bộ trường nào cũng phải vất vả, khi mình muốn động lực làm việc thì phải đặt mình vào vị trí của người đó, mình mới thấy thấu khổ dịch vụ mình chưa đạt được, muốn thế phải nỗ lực toàn diện trong một thời gian ngắn. Áp lực là rất lớn, nhưng mình nghĩ rằng, cái đó là quy luật của cuộc sống, không thể buông bỏ.

Nếu mình quyết tâm thì mình phải cố gắng, còn rơi vào một nữ bộ trưởng duy nhất thì cái đó cũng là chuyện nhân sự thôi chứ không có cảm giác gì khác. Mình nghĩ điều để lại nhất mình phải làm được cái gì, ít ra phải có sản phẩm gì để cho người dân và cho xã hội.

Muốn vậy phải "siêng nhặt chặt bị, lấy cần cù bù thông minh", phải có thời gian, luôn đặt niềm tin và nỗ lực hết sức, nhưng mà cũng phải có một chiến lược bài bản. Và có hệ thống cấu trúc từng bước, cái nào giải quyết trước, cái nào giải quyết sau, phải tranh thủ rất nhiều, học tập kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn con đường.

Có "danh gì với núi sông", đó là một câu ngạn ngữ. Trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, mình phải nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, chứ mình không buông trôi, cũng đấu tranh, cũng áp lực, cũng làm việc, phải hy sinh – nhưng đó mới là cuộc đời. Người kế nhiệm thì chắc ai cũng phải tâm huyết với nhiệm vụ và mỗi một nhiệm kỳ phải có một chiến lược công việc.

Trao đổi với báo chí, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp Quốc hội thứ 8 khai mạc vào ngày 21-10.

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

"Mới đây, Bộ Chính trị phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y Tế" - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Trước đó, sáng 14-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về thi hành Quyết định của Bộ Chính trị phân công Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế.

Trao Quyết định phân công của Bộ Chính trị cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bí thư mới của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của bộ. Trước hết, tập trung vào công tác cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác, đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người giữ vị trí Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (sinh ngày 1-8-1959) tháng 7 vừa qua đã được Bộ Chính trị bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng duy nhất đang tại vị không phải là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sinh ngày 3-2-1963, quê quán: xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Học vị: Phó Tiến sỹ Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế.

Ông Vũ Đức Đam là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, XII.

Ông Vũ Đức Đam từng giữ các cương vị: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Từ tháng 8-2011 đến tháng 11-2013, ông Vũ Đức Đam là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Từ tháng 11-2013, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bảo Trân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên