MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thù lao của diễn viên chỉ 40 ngàn đồng/buổi

21-08-2024 - 17:45 PM | Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói đến bất cập về thù lao khi một buổi diễn với diễn viên hạng 4 chỉ được 40 ngàn đồng; Nghệ sĩ ưu tú 80 ngàn đồng và Nghệ sĩ nhân dân được 200 ngàn đồng

Chiều 21-8, tiếp tục Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thù lao của diễn viên chỉ 40 ngàn đồng/buổi- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho biết việc đầu tư cho công tác đào tạo, chế độ tiền lương cho vận động viên, nghệ sĩ còn thấp.

Đại biểu Lam chất vấn với các vận động viên thể thao thành tích cao có thời gian làm nghề thấp, thời gian còn lại sẽ được hưởng chính sách tiền lương ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thù lao của diễn viên chỉ 40 ngàn đồng/buổi- Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, chất vấn

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho rằng hiện nay Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới lực lượng vận động viên và nghệ sĩ. Tuy nhiên, so về mặt bằng chung, chế độ chính để hỗ trợ hai nhóm này còn khó khăn.

"Chúng tôi thấy cần thiết quan tâm hơn khi nhìn ra thể thao của các quốc gia khác. Muốn phát triển, phải có các chính sách đãi ngộ"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho hay Bộ VH-TT-DL đang đề xuất Chính phủ sửa lại các Nghị định, tính toán lại về ngày công, ngày lương của vận động viên cho phù hợp.

Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các cơ sở đào tạo "xứng tầm" điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, phát huy tài năng của vận động viên, mang vinh quang về cho Tổ quốc sau các kỳ thi quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, kinh nghiệm của các quốc gia có thành tích cao là có cách lựa chọn vận động viên để đào tạo, ngoài dựa vào thể thao quần chúng, thể thao học đường, từ lực lượng vũ trang.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ VH-TT-DL đã trình Chính phủ về chiến lược tập trung phát triển tài năng và lựa chọn vận động viên. Bộ đang chờ Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất để có thể phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Tương tự, vấn đề hỗ trợ cho nghệ sĩ, theo Bộ trưởng VH-TT-DL, cũng còn bất cập. Thù lao, tiền bồi dưỡng luyện tập cho nhóm đối tượng này còn thấp. Bộ trưởng chia sẻ: "Chỉ có 40.000 đồng cho 1 buổi diễn với diễn viên hạng 4. Nghệ sĩ nhân dân được 200.000 đồng, Nghệ sĩ ưu tú được 80.000 đồng. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi quy định để cập nhật, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, giúp văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến".

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vào sáng cùng ngày 21-8, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) cũng lo ngại về tình trạng đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật hiện nay khi quy mô đào tạo đang bị thu hẹp, chất lượng giảm sút đáng kể. Nhiều ngành nghệ thuật gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể "khép lại". Phải có nhu cầu thực tế thì cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được, nhưng hiện nay các trường đều không có đủ đầu vào.

Bộ VH-TT-DL đang nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật để điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định khuyến khích như miễn giảm học phí, chế độ ưu đãi với người học nghệ thuật truyền thống…

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên