Bộ trưởng nói về định hướng phát triển ngành nông nghiệp năm 2018
Ngành nông nghiệp xác định rõ trách nhiệm phục vụ những nông sản chất lượng nhất cho thị trường nội địa. Cùng với đó, phải đồng hành với doanh nghiệp (DN), coi khó khăn của DN là khó khăn của người quản lý để tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
- 29-12-2017Xuất khẩu gạo không còn là "át chủ bài" của ngành nông nghiệp Việt
- 01-11-20173 trục sản phẩm giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 35 tỷ USD
- 28-08-2017Xuất khẩu ngành nông nghiệp: Hơn 23,6 tỷ USD trong 8 tháng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Chính phủ về sự phát triển của ngành nông nghiệp năm vừa qua và định hướng chỉ đạo năm 2018.
Nhìn lại năm qua, Bộ trưởng ấn tượng với điều gì nhất trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017 vừa qua mặc dù đứng trước những thử thách rất lớn về thị trường và thiên tai nhưng bức tranh tăng trưởng chung của nông nghiệp vẫn đạt được những mốc quan trọng. Một số chỉ tiêu quan trọng ngành đã vượt kế hoạch như mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 0,01%, xuất khẩu tăng hơn 3 tỷ so với chỉ tiêu và xây dựng nông thôn mới vượt 1,3%...
Trong đó, ấn tượng nhất là ngành hàng trái cây và thủy sản. Đây là hai ngành hàng chúng ta xác định còn dư địa phát triển và cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và bà con nông dân cũng tập trung vào hai nhóm ngành hàng này. Chính vì vậy, đã đạt kết quả là trái cây xuất khẩu tăng hơn 40% so với năm 2016, còn ngành thủy sản thì riêng xuất khẩu tôm đã tăng hơn 22%... Điều này thể hiện rõ những định hướng và những tập trung chỉ đạo và nỗ lực của các thành phần kinh tế cũng như toàn dân đã đi đúng hướng và đã tập trung khai thác lợi thế này.
Quốc hội vừa thông qua 3 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, năm tới Bộ cũng chủ trì 2 luật nữa, khối lượng văn bản rất nhiều. Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng như thế nào để các văn bản luật và dưới luật bảo đảm chặt chẽ, giúp phát huy tiềm năng kinh tế một cách bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trong điều kiện hiện nay muốn phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế thì đòi hỏi đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế, pháp luật. Năm vừa qua, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ 3 luật là Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi và Luật Lâm nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật này, trong năm tới Bộ tiếp tục chủ trì Luật Chăn nuôi và Luật Thú y, để hoàn thành khung pháp luật cho các ngành hàng thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý.
Việc ban hành các văn bản pháp luật hết sức quan trọng trong công tác quản lý, chính vì vậy ngay từ đầu Bộ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần dồn sức để chỉ đạo. Những đơn vị được phân công xây dựng dự thảo đều được đôn đốc thường xuyên để bảo đảm việc ban hành các văn bản pháp luật không chỉ được thông qua mà chất lượng của các văn bản này phải sát với cuộc sống. Các luật khi đi vào vận hành hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và phát huy tác dụng cho đời sống kinh tế-xã hội.
Sau khi 3 bộ luật được thông qua, chúng tôi yêu cầu các đơn vị chủ lực liên quan đến 3 luật tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật là các nghị định và thông tư, chúng tôi cũng xây dựng chương trình phổ biến các luật này tới các bộ, ban ngành và địa phương để tập trung đưa nhanh luật vào cuộc sống.
Đối với 2 luật sẽ trình trong năm 2018, hiện Bộ đang tích cực chuẩn bị theo quy trình ban hành các văn bản pháp luật, cố gắng không chỉ bảo đảm về mặt thời gian mà chất lượng khi được thông qua sẽ đạt yêu cầu cao. Trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật phục vụ việc quản lý, chỉ đạo của ngành và công tác sản xuất kinh doanh của xã hội.
Trong năm vừa qua có một tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều DN đầu tư vào ngành hơn. Theo Bộ trưởng làm sao để “giữ chân” được DN và mở rộng cơ hội đầu tư hơn trong nông nghiệp?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu là phải hoàn thành được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này xác định DN là hạt nhân quan trọng, đó là hạt nhân liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân, chính vì vậy những chính sách phối hợp với DN được coi là nhiệm vụ quan trọng.
Năm 2017 chúng ta có một tín hiệu rất vui, đó là năm đầu tiên sau nhiều năm, số DN tập trung vào khu vực nông nghiệp rất nhiều. Đến cuối năm nay đã có 1.995 DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như TH Truemilk, Vingroup, Massan... Tuy nhiên để giữ chân DN và tạo dựng lòng tin thì trước hết phải tập trung cải cách hành chính để DN yên tâm đầu tư vào ngành. Cùng với đó, phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của DN chính là khó khăn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và các địa phương để tháo gỡ.
Thứ ba, phải xác định đồng hành với DN, người ta khó cái gì phải cùng gỡ, nhất là vấn đề thị trường. Không chỉ riêng Bộ Công Thương mà kể cả Bộ NN&PTNT phải tập trung cùng DN thực hiện chủ trương của Chính phủ tháo gỡ vấn đề thị trường.
Ở đây có hai khối thị trường là thị trường nước ngoài và thị trường nội địa.
Thị trường nước ngoài tập trung khai thác cho được các FTA đã ký kết, những nội dung, quy định của WTO để có thể khai thác tối đa những mặt lợi nhất. Cùng với những thị trường truyền thống như hiện nay thì phải nghiên cứu các thị trường có tiềm năng.
Cùng với đó, phải coi thị trường nội địa với 93 triệu dân là thị trường cần phục vụ và khai thác vì thị trường này đang có tốc độ phát triển nhanh.
Với những biện pháp đó, chúng tôi mong là không phải “níu giữ” nữa mà là động viên, khuyến khích nhiều DN vào ngành hơn. Trên cơ sở đó, các DN sẽ cùng bàn với địa phương về phát triển HTX kiểu mới trở thành trụ cột liên kết với hơn 10 triệu hộ nông dân, thực hiện cho được tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu chế biến đến phát triển thị trường.
Xuất khẩu rau quả được coi là kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp năm qua. Đây có thể được coi là hiệu quả của một chiến lược nông nghiệp dài hơi không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm nay có điểm nhấn là ngành hàng rau quả không chỉ tăng trưởng nhanh mà giá trị xuất khẩu cũng tăng rất nhanh. Giá trị xuất khẩu đã đạt 3,45 tỷ USD – cao hơn cả lúa gạo (2,6 tỷ USD). Có được điều này do chúng ta đang thực hiện lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, trong đó xác định hướng đi là khai thác tốt thị trường thế giới và tập trung nhóm giải pháp biến đổi khí hậu. Năm vừa qua các địa phương, các thành phố đã bước đầu hình thành các vùng tập trung quy mô hàng hóa
Thứ hai là DN đã tập trung vào khu vực này tương đối nhiều. Quan trọng hơn là DN đã đi sâu vào chế biến, có sự áp dụng công nghệ, các quy trình, đưa ra được sản phẩm với yêu cầu khắt khe của thế giới. Năm vừa qua, riêng về tái cơ cấu ngành hàng rau quả có bước tiến bộ rõ nét. Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, xác định thị trường vẫn còn dư địa. Hiện, tổng giao dịch thương mại về rau quả trên thị trường thế giới là 270 tỷ USD, trong khi chúng ta mới xuất khẩu được 3,45 tỷ USD, như vậy, chúng ta chỉ chiếm 1,5% so với dung lượng thị trường giao dịch. Đây là một tiềm năng rất tốt để chúng ta tập trung vào.
Thứ hai là tập trung cho chế biến, chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng rau quả của Việt Nam mới bảo đảm 9% chế biến, còn lại là bán thô, bán tươi. Rõ ràng đây là một khó khăn, thách thức nhưng cũng phải nhìn nhận đây là một tiềm năng để năm 2018 tập trung vào. Bên cạnh đó, năm 2018, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu mang tính ổn định theo quy trình chặt chẽ, có kiểm soát để bảo đảm cung ứng nguyên liệu ổn định chất lượng cao, làm tiền đề cho khâu chế biến, khâu xuất khẩu. Nếu làm tốt điều này và động viên nông dân cùng vào cuộc thì dự báo ngành rau quả tiếp tục có dư địa phát triển.
Xin Bộ trưởng chia sẻ một số trọng tâm phát triển nông nghiệp 2018?
Có 3 nội dung then chốt không chỉ trong năm 2018 mà cả thời gian tới. Một là chương trình tái cơ cấu theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là nội dung lớn, cần tiếp tục duy trì và triển khai có trách nhiệm để đạt hiệu quả hơn, bền vững hơn, sâu sắc hơn.
Thứ hai là tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chúng ta mới bảo đảm 32% số xã đạt chuẩn, so với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta phấn đấu 50% số xã trong tổng số gần 9.000 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Cần tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi sâu vào chất lượng với 3 tiêu chí cơ bản: Thúc đẩy sản xuất, xử lý môi trường và an ninh, trật tư xã hội gắn với văn hóa. Đây là 3 trụ cột trong 19 nhóm tiêu chí.
Thứ ba là tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, vì nước ta là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất trong tác động của biến đổi khí hậu với nhiều dạng hình khí thượng thủy văn, các loại hình thiên tai cực đoan diễn ra. Riêng 2017, tổng số cơn bão đã là 16 cơn, 4 áp thấp nhiệt đới tác động đến chúng ta, gấp đôi bình thường và gây ra những dị thường thời tiết cực đoan. Từ lũ ống, lũ quét ở miền núi phía bắc cho đến 3 cơn bão cấp 12 như vừa qua cho thấy thiên tai đối với Việt Nam là hết sức khốc liệt. Vì vậy, đi đôi với phát triển kinh tế thì vấn đề ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ then chốt luôn luôn phải đặt ra trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi!
Chinhphu.vn