MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nông nghiệp: Biến đổi khí hậu có thể khiến thành quả của nông thôn mới ở một số địa phương "về không"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội về biến đổi khí hậu và nguy cơ sạt lở đê điều, đập hồ thủy lợi.

Mới đây, báo chí đưa tin tình hình sạt lở đang diễn ra rất phức tạp trên cả nước, ảnh hưởng đến nhiều đời sống nhân dân và nhiều ngành nghề không chỉ riêng nông nghiệp. Bờ sông Văn Úc, TP.Hải Phòng sạt lở nghiêm trọng đã 2 năm nay, khiến đất đai, nhà cửa của người dân trôi theo dòng nước. Sau bão số 5, hàng trăm hộ dân Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi thấp thỏm lo âu vì sạt lở. Ở Cà Mau, lở đất khoét sâu, người dân như "ngồi trên đống lửa" khi nhà cửa có thể không còn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trước Quốc hội: "Sự biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn biến thất thường, nguy cơ gây tiềm ẩn sạt lở đê điều, đập hồ thủy lợi. Thực tế hàng năm, kinh phí đầu tư lại chưa được đáp ứng yêu cầu. Vậy Bộ trưởng cho biết, nỗi lo lắng của người dân có đúng không và giải pháp trong thời gian tới như thế nào, Bộ trưởng lý giải cho người dân yên tâm và không lo ngại về nguy cơ sạt lở?"

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: "Nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ thì trước tác động của biến đổi khí hậu, những thành quả vừa qua, kể cả trong lĩnh vực nông thôn mới, có những địa phương sẽ về không".

Đó là một thực tế, vì tác động của biến đổi khí hậu ngày nay ngày một khốc liệt. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tổn thương lớn nhất. Tần suất 3 năm qua cho thấy, số dị thường về biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tần suất mạnh hơn. Tất cả các vùng miền, trong đó có miền Trung chúng ta, là nơi chịu đựng nhiều nhất. 

Trong năm 2018, thiên tai xảy ra trong năm chủ yếu là mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất. 218 người chết, mất tích và 157 người bị thương, hơn 260 nghìn hecta lúa và hoa màu bị hư hỏng, 1.967 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, và 119 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2018 ước tính 15,7 nghìn tỷ đồng.

"Chính vì thế, trong chương trình chỉ đạo chung, bao giờ chúng ta cũng xác định đi đôi phát triển với các nhóm giải pháp bền vững, nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao phương châm "bốn tại chỗ". Thời gian qua chúng ta cũng đang giành một nguồn lực trong hoàn cảnh khó khăn nhất định để tập trung đầu tư" - Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Cường, phải nói rằng, với quy mô kinh tế lớn như hiện nay, so với trước, với một mật độ dân số đông như hiện nay, với sự phân bổ bộ phận 20 triệu người sống ở miền núi, với độ cao, độ dốc, và mức độ tổn thương lớn, đây quả là một vấn đề lớn.

Do đó 3 năm gần đây, tỷ lệ thiệt hại đối với vùng miền núi, sạt lở, lũ ống, lũ quét đang trở thành một trong những hiện tượng dị thường thiệt hại nặng nhất. Đây là vấn đề chúng ta đang tập trung cùng với địa phương và các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. 

Bộ trưởng Cường xác định: "Trước mắt là tăng cường các khâu dự báo sát hơn, kịp thời hơn, nhiều hơn. Phương châm ứng phó tích cực đồng bộ hơn, từ cơ sở đến toàn dân, cho đến các cấp. Trong trung hạn, chúng ta phải coi đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là nhóm nguồn lực ưu tiên nhất".

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên