Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không có lợi ích nhóm khi đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước
Trước hàng loạt ý kiến tranh luận của các vị Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà dành nhiều thời gian giải trình và khẳng định hoàn toàn không có lợi ích nhóm xung quanh đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.
- 01-11-2019Thảo luận về khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Quốc hội mong được thông cảm khi mời phát biểu có ưu tiên
- 31-10-2019Đại biểu Dương Trung Quốc: Tại sao báo cáo trước Quốc hội lại phải né tránh gọi tên Trung Quốc?
- 31-10-2019Đại biểu Quốc hội đề xuất đổi giờ học, giờ làm muộn hơn
- 31-10-2019Xin phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Thân đưa chuyện "nộp tô" của bà bán trà đá vào nghị trường
Chiều 1/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận về những điểm còn khác nhau xung quanh đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Các khoản thu này đã được quy định trong các luật có hiệu lực từ năm 2011 và 2013 nhưng đến hiện nay, vẫn chưa thể xác định được khoản tiền phải thu là bao nhiêu bởi thiếu các quy định cụ thể về hoạt động thu.
Thẳng thắng thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu một loạt lý do chủ quan và khách quan dẫn đến việc Chính phủ chưa thể ban hành các quy định cụ thể. Bộ trưởng cũng cho biết trong báo cáo mới nhất mà Bộ Tài nguyên môi trường gửi tới các đại biểu Quốc hội trong ngày 1/11 cũng đã nêu rõ những điểm này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hà cũng nhấn mạnh đây là chính sách đúng đắn nhưng lại gặp khó khăn trong công tác thực thi. Trong khi đó, việc không thu hay hoãn thu các khoản phí này hoàn toàn không gây tác động lớn. Cụ thể, nếu thu các khoản phí này, người dân sẽ là đối tượng chịu tác động bởi nó sẽ tính vào giá. Điều này cũng đã được một vị đại biểu Quốc hội chỉ ra trước đó.
Theo Bộ trưởng Hà, việc chưa thu các khoản phí này hay lùi thời hạn bắt đầu thu sẽ không tác động nhiều tới ngân sách. Các khoản phí này được thu dựa vào tổng trữ lượng tài nguyên các mỏ. Nếu việc chậm thu vài năm có thể khiến một phần trữ lượng đã được khai thác nằm ngoài phần thu nhưng nó không lớn so với tổng trữ lượng.
"Hoàn toàn không có lợi ích nhóm khi lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh trước Quốc hội.
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ cung cấp thông tin, số liệu chi tiết tới các đại biểu Quốc hội để khi bấm nút, các đại biểu hoàn toàn có thể chắc chắn về quyết định của mình.
Trước phần giải trình của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết nhiều trong số các mỏ khoáng sản chưa được đánh giá trữ lượng. Điều này khiến việc thu phí không thể tiến hành.
Đại biểu Dương Minh Tuấn.
"Chưa thu thì người dân hưởng lợi, không mất gì. Nếu thu thì số tiền này người dân sẽ phải đóng và được tính vào giá thành. Đề nghị Quốc hội cái nào có lợi cho dân thì làm. Với khoáng sản, nhà nước không mất gì khi chưa thu", Đại biểu Tuấn phát biểu.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn đoàn Quảng Ninh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất. Theo ông Chuẩn, kể từ khi Luật Khai thác khoáng sản có hiệu lực năm 2013, có nhiều khó khăn cho cả phía doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đều đã được hạch toán kinh tế và công khai tài chính. Vấn đề nếu hồi tố truy thu khoản tiền này lại không có trong quy định của pháp luật. Đây là vấn đề không khả thi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa nên việc hồi tố sẽ rất khó khăn.
Ông Chuẩn cho rằng việc lùi thời hạn thu là phù hợp. Tuy nhiên, nếu trên câu chữ, lùi thời gian thu tiền đồng nghĩa sau này có thể truy thu. Chính vì vậy, ông Chuẩn đề nghị sửa cụm từ thành "lùi thời điểm bắt đầu thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước". Như vậy, việc thu sẽ bắt đầu khi Nghị quyết mới có hiệu lực.
Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng do thiếu các quy định về quy định của pháp luật nên nếu có thu, cũng không thể tính toán được số tiền phải thu trong lĩnh vực này. Nếu không tính toán được số tiền, việc thu là không thể. Trong khi đó, nếu tính toán thu khoản tiền này sẽ gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong khi đây là lỗi của cơ quan nhà nước.
Đại biểu Ngô Trung Thành.
"Tôi đồng ý với tờ trình của chính phủ trong việc không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước của doanh nghiệp trong giai đoạn này", ông Thành nhấn mạnh đồng thời đề nghị Quốc hội cho miễn thu khoản tiền này trong giai đoạn từ khi luật có hiệu lực tới thời điểm nghị định quy định chi tiết 2 đoạn luật này có hiệu lực.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đoàn Bến Tre cho biết trong quá trình tiếp cận việc khai thác khoáng sản, việc đánh giá trữ lượng là hoàn toàn không dễ dàng. Không đơn giả chỉ "xúc là bán", ông Nhưỡng nhấn mạnh các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp nhiều rủi ro trong hoạt động, bao gồm cả việc đầu tư lớn nhưng không thu được tài nguyên như đánh giá trữ lượng.
"Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực chất là một loại thuế để các doanh nghiệp được vào khai thác. Khoản phí này ban đầu được đưa vào để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động thay vì đầu cơ. Tuy nhiên, sản lượng khai thác của nhiều mỏ không giống đánh giá ban đầu", ông Nhưỡng nói về khoản phí này và cho rằng nó nên được xem xét bởi không thể để "thuế chồng thuế".
Trong khi đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần xem xét khách quan và chủ quan đối với khoản thất thu này này. Nếu khách quan thì cần phải xóa còn nếu chủ quan thì cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan có liên quan để tránh tạo tiền lệ rồi "vài năm tới, Quốc hội lại phải ngồi xem xét những khoảng nợ vài chục nghìn tỷ nữa".
Nhằm làm rõ những vấn đề còn chưa rõ ràng, Đại biểu Trương Trong Nghĩa cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc xem có nên thông qua đề xuất này ở kỳ họp thứ 8 hay cần thêm thời gian để làm sáng tỏ. Đây cũng là quan điểm được một vài đại biểu Quốc hội chia sẻ trong phần phát biểu chiều 1/11.