Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hàng hoá thiết yếu đáp ứng đủ nếu phải cách ly cả thành phố
Theo Bộ Công Thương, với các phương án dự phòng đã được tính toán rất kỹ, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều đủ đáp ứng cho người dân nếu dịch Covid-19 kéo dài 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn nữa.
- 19-03-2020Dịch Covid-19: Các doanh nghiệp ở Hà Nội dự trữ đến 300% hàng hóa
- 18-03-2020Những hàng hóa nguyên liệu nào là "nạn nhân" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19?
- 07-03-2020Siêu thị đầy ắp hàng hóa, người dân nhộn nhịp mua sắm cuối tuần
Các phương án dự phòng cần sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống, kể cả trường hợp xấu nhất khi cách ly một thành phố (TP) hoặc cách ly một vài tỉnh, TP, vẫn đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp với các đơn vị thuộc bộ về việc cung ứng hàng hoá trong dịch Covid-19 vào chiều 19-3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng không quá bi quan, nhưng cũng được chủ quan trước dịch bệnh. Do đó, người đứng đầu ngành công thương mong muốn người dân hiểu và tin tưởng rằng không có địa phương nào bị thiếu hàng, không có khu vực nào bị gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ cung cấp đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong dịch Covid-19
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với các phương án dự phòng đã được tính toán rất kỹ, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều đủ đáp ứng cho người dân nếu dịch bệnh kéo dài 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn nữa.
"Trong tình huống khẩn cấp hơn, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ huy động nguồn dự trữ quốc gia, bởi Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đời sống của người dân cần được ưu tiên hàng đầu"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Với tình thần "chống dịch như chống giặc" như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phải sát sao với công tác chống dịch, cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo để triển khai.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm hiện có 55 tỉnh, TP trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các kế hoạch tác chiến, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những thành phố lớn, các thành phố vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm bán hàng sẽ được bố trí ra sao.
Theo Vụ Thị trường trong nước, những kinh nghiệm cung ứng hàng hoá cho vùng dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đều đã được tổng kết để có thể triển khai trên diện rộng, với cấp tỉnh, TP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị các địa phương cần chủ động nắm các đầu mối cung cấp hàng hoá, lập danh sách các nhà sản xuất, vận chuyển, phân phối để chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Người lao động