Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ pháp luật Việt Nam
Trong buổi họp chiều 16/3/2017 với Bộ Thông tin Truyền thông, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo lớn của Việt Nam nhất trí ủng hộ chủ trương xây dựng một môi trường Internet lành mạnh, an toàn và ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ pháp luật Việt Nam.
- 07-03-2017Video quảng cáo trên Youtube vi phạm luật: Trách nhiệm thuộc về ai?
- 07-03-2017Buộc YouTube, Google gỡ bỏ các clip có nội dung độc hại
- 05-03-2017Nhiều nước trên thế giới từng mạnh tay xử YouTube
- 03-03-2017'YouTube cổ xuý cho quảng cáo trên nội dung xấu'
- 02-03-2017Doanh nghiệp Việt chủ động dừng quảng cáo trên Youtube
- 01-03-2017Vinamilk vừa tiên phong đình chỉ các quảng cáo trên Youtube vì không tôn trọng luật pháp Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp lớn sẽ tiếp bước?
Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Thông tin Truyền thông với doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng cũng như các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong bối cảnh nhiều quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định quảng cáo trên mạng là xu thế tất yếu bởi những ưu điểm vượt trội nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế, quảng cáo trên mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi khả năng kiểm soát việc hiển thị của quảng cáo chưa được chú trọng.
Bộ trưởng Tuấn dẫn báo cáo từ Bộ TTTT cho biết có 8.000 video xấu độc, bôi nhọ nhân phẩm cá nhân, tổ chức hay sai sự thật... được phát hiện. Tuy nhiên, mới chỉ 45 clip trong số đó bị gỡ bỏ là điều đáng báo động. Khi quảng cáo của các thương hiệu lớn bị gắn trên những video này, uy tín, an toàn thương hiệu của sản phẩm bị tác động, kéo theo đó là các doanh nghiệp vô tình vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chủ trình buổi làm việc.
Ngay sau khi nhận được thông báo, các doanh nghiệp đã đồng loạt tạm ngừng dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng vi phạm đồng thời cam kết dừng quảng cáo tới khi nào Google và các nhà cung cấp nền tảng quảng cáo có giải pháp cụ thể để ngăn chặn vấn đề trong bối cảnh những thuật toán đang được áp dụng không phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ nguyên nhân là các đại lý quảng cáo chưa kiểm soát tốt vị trí hiển thị của các video quảng cáo. Bên cạnh đó, thuật toán của Google, Facebook và các nền tảng khác cũng không kiểm soát được những thứ nằm ngoài phạm vi. Cuối cùng là việc Google, Facebook chia sẻ lợi ích cho người làm nội dung, dẫn tới những clip xấu độc, sai sự thật được dựng lên nhằm kiếm lợi.
“Tình trạng này không còn là mối lo riêng của ngành quảng cáo Việt Nam và còn là mối lo chung cho các doanh nghiệp quảng cáo trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cuộc gặp giữa các bộ ban ngành với doanh nghiệp và các nhà quảng cáo nhằm mục tiêu tìm giải pháp để phối hợp với Google, Facebook và các nền tảng khác nhằm giải quyết triệt để tình trạng này. Bộ trưởng Tuấn cũng kêu gọi các doanh nghiệp không tiếp tay để tiền quảng cáo của mình bị những kẻ cơ hội sử dụng chống phá chính phủ, nhà nước Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, các doanh nghiệp cũng đồng loạt cho biết đã dừng hoàn toàn quảng cáo trên các nền tảng vi phạm đồng thời cam kết không tái sử dụng các hình thức quảng cáo này nếu vấn đề chưa được giải quyết triệt để và không tái diễn.
Là doanh nghiệp phát biểu đầu tiên, đại diện Vinamilk cho biết công ty luôn tuân thủ pháp luật trong cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và truyền thông. Trong các hợp đồng làm việc với đối tác, công ty cũng nêu rõ điều này. Ngay sau khi nhận được công văn của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Vinamilk đã dừng các hoạt động quảng cáo và yêu cầu các đối tác giải trình nhằm đảm bảo hình ảnh quảng cáo được đưa tới người tiêu dùng phù hợp và đúng đắn nhất.
Đại diện Unilever Việt Nam cũng khẳng định tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong việc kinh doanh và quảng cáo. Unilever nhấn mạnh bảo vệ thương hiệu, nhãn hàng là mục tiêu quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp và hãng đã làm hết sức trong phạm vi có thể để đảm bảo quảng cáo đúng và được phát trên các kênh phù hợp.
Trước sự việc đáng tiếc vừa qua, Unilever đã đình chỉ ngay lập tức các hoạt động quảng cáo vi phạm đồng thời mong được thảo luận để chung tay bảo vệ không chỉ nhãn hàng, doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng, môi trường kinh doanh lành mạnh và tuân thủ pháp luật. Bản thân phía Unilever cũng mong Google, Facebook và các nền tảng khác có biện pháp để đảm bảo tốt hơn.
Đại diện của Vinhomes, Sungroup, Ford Việt Nam và các doanh nghiệp khác cũng cho biết họ luôn thượng tôn pháp luật đồng thời ngay lập tức đình chỉ các quảng cáo vi phạm. Các doanh nghiệp cũng nhanh chóng gửi văn bản giải trình tới Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, thông báo việc xử lý các nội dung vi phạm đồng thời yêu cầu các đối tác giải trình và đưa ra giải pháp lâu dài cho vấn đề.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn với các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ truyền thông.
Về phía các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo, việc tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng là điều họ luôn đề cao. Đại diện tại Việt Nam của WPP, hãng quảng cáo lớn nhất thế giới, khẳng định tầm quan trọng của an toàn thương hiệu cho khách hàng cũng như mục tiêu hướng tới của các quảng cáo. Không chỉ ở Việt Nam, CEO của WPP toàn cầu cũng đã đề cập vấn đề an toàn thương hiệu tới Google trong sự kiện dành cho ngành quảng cáo thế giới, nhằm ngăn chặn quảng cáo bị gắn vào các nội dung phi pháp, có vấn đề về chính trị hay nội dung khiêu dâm.
Trên cương vị của mình, phía WPP cho biết họ đang liên tục gây sức ép với Google để các biện pháp kiểm soát được tiến hành nhanh hơn, không để những sự cố đáng tiếc tái diễn. WPP cũng hoàn toàn đồng ý với Bộ TTTT trong việc yêu cầu Google làm tốt nhất việc kiểm soát nội dung. Hãng cũng cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam và làm việc với đối tác để tạo ra môi trường quảng cáo tốt hơn. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá vai trò của WPP rất quan trọng trong vấn đề này khi công ty chiếm tới 58% doanh thu quảng cáo ở Việt Nam.
Giống với WPP, các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước cũng đồng loạt cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam đồng thời nêu cao quyết tâm tạo ra môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn cho cả thương hiệu và cộng đồng. Thêm vào đó họ cũng gây sức ép với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nhằm tạo ra các cơ chế để đảm bảo môi trường quảng cáo an toàn, lành mạnh hơn.
Công ty CP Tập đoàn Đại Sứ Trẻ, đại diện cho hơn 3.000 cá nhân làm nội dung trên Internet, cũng nêu cao quyết tâm đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể và chủ động cho việc kiểm soát nội dung thay vào trông chờ vào Facebook, Google. Theo đó, công ty này đang xây dựng công cụ kiểm soát cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm ngăn chặn sớm các quảng cáo được gắn trên nội dung vi phạm.
Góp mặt trong sự kiện trong vai trò một nạn nhân, đại diện Cục Điện ảnh Mỹ cũng cho biết nhiều tác phẩm điện ảnh, của cả Việt Nam và Mỹ, cũng đang bị xâm phạm tác quyền nghiêm trọng trên hàng loạt trang web. Nguồn thu chính của những trang web này là từ hoạt động quảng cáo, trong đó có sản phẩm của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đại diện của Cục Điện ảnh Mỹ lấy dẫn chứng bộ phim Kong: Đảo đầu lâu đang gây sốt ở Việt Nam, cũng trở thành nạn nhân bị sao chép ngay ngày đầu ra rạp. Theo đó, phía cục điện ảnh Mỹ mong nguồn tiền dành cho các hoạt động quảng cáo trên những website này sẽ bị chặn.
Với tinh thần hợp tác và tôn trọng pháp luật, các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các công ty kinh doanh dịch vụ truyền thông hoàn toàn nhất trí ủng hộ chủ trương của Bộ TTTT gồm:
- Chung tay bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu Việt trong hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
- Chung tay ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các hạ tầng truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
- Chung tay xây dựng môi trường Internet lành mạnh, an toàn cho mọi người sử dụng tại Việt Nam; tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam khi tiến hành các hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng.
- Chung tay bảo vệ bản quyền nội dung thông tin trên mạng Internet.
Trước đó, Cục Phát thanh thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã phát hiện nhiều sản phẩm kinh doanh ở Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các quảng cáo trên trang Youtube. Những sản phẩm, dịch vụ này được gắn vào các clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Hàng loạt thương hiệu lớn trong kinh doanh ở Việt Nam đều mắc lỗi này một cách vô tình.
Ngay sau khi được Cục PTTH và TTĐT thông báo, nhiều doanh nghiệp đã gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm đồng thời đình chỉ các hoạt động quảng cáo với đối tác và Youtube để chờ giải quyết triệt để vấn đề. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không biết quảng cáo của mình bị gắn vào các nội dung không phù hợp vì làm việc với Youtube qua một bên thứ 3.
Vấn đề an toàn thương hiệu với các quảng cáo trên mạng xã hội đang ngày càng trở nên nhức nhối với các doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả tại nước ngoài. Hôm 10/3, Sir Martin Sorrell, CEO của WPP - hãng quảng cáo lớn nhất thế giới, đã lên tiếng chỉ trích Google, Facebook và các tên tuổi lẫy lừng khác không thể kiểm soát nội dung sai sự thật trên nền tảng của mình. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thương hiệu mua quảng cáo.