Bộ trưởng Y tế: Nguy cơ dịch bùng phát, địa phương nâng cao cảnh giác
Ngày 24/10, Bộ Y tế chỉ đạo địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…). “Hiện nay nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 rất lớn nên các địa phương cần nâng cao mức độ cảnh giác”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị.
- 24-10-2021Đằng sau câu chuyện iPhone liên tiếp đạt kỷ lục tại các kỳ bán ở Việt Nam
- 24-10-2021Thêm một dự án hơn 2.200 tỷ đồng được khởi công tại Quảng Ninh
- 24-10-2021Thái Nguyên xin hỗ trợ 950 tỷ đồng nhằm xây 7km vành đai V vùng Thủ đô
Cùng với đó Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhận định về tình hình dịch hiện nay, chiều 24/10 tại hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác.
"Tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định, Hà Nội hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Vì vậy Bộ Y tế đề nghị tỉnh các tỉnh đang tăng ca mắc mới khẩn trương thực hiện việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng để nhanh chóng phát hiện các F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng động.
Nhiều địa phương ghi nhận ca mắc về từ vùng có dịch
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng, tối 22/10, Hà Nội đã phát hiện 2 ca cộng đồng là vợ chồng bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhiều người từ TPHCM và một số tỉnh phía Nam về không khai báo y tế, hoặc không tuân thủ cách ly đã khiến một số ca bệnh thứ phát xuất hiện.
Theo CDC Hà Nội, tổng số người về từ các tỉnh có dịch phía Nam đã được quản lý và giám sát sức khỏe từ ngày 11/10 đến 18 giờ ngày 22/10 là 4.220 người, trong đó có 2.896 người về từ TPHCM; 1.042 về từ các tỉnh miền Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An...; 282 người về từ Đà Nẵng. Số người về theo phương tiện di chuyển gồm: Máy bay (2.320 người), tàu hỏa (570 người), ô tô, xe khách (810 người), phương tiện cá nhân (520 người).
Tổng số người đã được lấy mẫu xét nghiệm là 3.679 người. Kết quả, phát hiện 36 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 27 người về từ TPHCM, 5 người về từ Đồng Nai, 3 người về từ Bình Dương và 1 người về từ Tây Ninh. Trong số 36 ca mắc COVID-19, có 22 người đi bằng ô tô, 10 người đi máy bay, 3 người đi tàu hỏa, 1 người đi xe máy.
Theo CDC Hà Nội, tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp sau khi thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội, mở lại giao thông đường sắt và thông thương với các tỉnh. Trong 7 ngày qua, mỗi ngày ghi nhận trung bình 4 trường hợp dương tính về từ các tỉnh có dịch. Ngày cao điểm nhất là 10 trường hợp, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn do đã xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm thứ phát từ các ca bệnh trên.
Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh Bắc Ninh, tính từ sáng 4/10 đến tối 23/10, trên địa bàn ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 liên quan đến các ổ dịch vừa phát sinh. Ngoài ra còn có 9 ca F0 là người từ vùng dịch TPHCM trở về địa phương.
TS Nguyễn Huy Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều hướng diễn biến phức tạp, riêng trong ngày 21/10 đã phát hiện thêm 57 ca dương tính mới tại 3 điểm nóng của dịch bệnh là TP. Việt Trì, thị xã Phú Thọ và huyện Phù Ninh. Toàn bộ bệnh nhân đã được chuyển về bệnh viện dã chiến của tỉnh để theo dõi, điều trị, đồng thời cách ly các trường hợp F1 tại nhà.
Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành y tế được giao chủ trì, thu dung điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến. Sở Y tế sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành, thị để xem xét, cho phép điều trị tại nhà đối với các trường hợp F0 đủ điều kiện. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thành, thị phối hợp với các lực lượng chức năng cấp huyện kích hoạt ngay hoạt động của các Trạm Y tế lưu động tại các khu vực có người bệnh điều trị tại nhà; bảo đảm đủ ô xy y tế, túi thuốc điều trị và các điều kiện cần thiết khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phú Thọ đã thành lập 225 trạm y tế lưu động.
TS Nguyễn Huy Ngọc cho biết với nguy cơ xuất hiện các trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng rất cao, tỉnh đề xuất Bộ Y tế bổ sung thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, test kít, hóa chất, sinh phẩm,… phục vụ Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng cấp vùng đã được Bộ Y tế chỉ định.
Để đảm bảo đủ nhân lực thực hiện việc xét nghiệm diện rộng cho người dân, tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng giáo viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Kể từ ngày 14/10 đến nay Phú Thọ ghi nhận 352 ca mắc COVID-19 tại Việt Trì (230 ca tại 19 xã, phường); thị xã Phú Thọ (11 ca tại 2 xã); huyện Lâm Thao (68 ca tại 9 xã, thị trấn); Phù Ninh (38 ca tại 08 xã, thị trấn) và Tam Nông (5 ca tại02 xã). Kể từ ngày 21/10 đến nay, số lượng các ca F0 tăng lên do tỉnh Phú Thọ tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng trong toàn tỉnh.
Tăng tốc tiêm vắc xin phòng COVID-19
Thông tin trên cổng tiêm chủng Quốc gia cho biết đến tối ngày 24/10, cả nước đã tiêm 73.260.064 liều vắc xin phòng COVID-19. Cụ thể trong ngày 23/10, Việt Nam tiêm được 1.031.760 liều, con số này thấp hơn so với các ngày từ 20-22, mỗi ngày tiêm khoảng trên 1,5 triệu liều.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin vì trong thời gian tới vắc xin sẽ về nhiều.
Tại một hội nghị gần đây về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tăng tốc tiêm chủng do hiện nay số lượng liều vắc xin được tiêm hàng ngày không đồng đều. Trong ngày 24/10, Bộ Y tế tiếp nhận 386.400 liều vắc xin phòng COVID-19 do Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tài trợ.
Tiền Phong