MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ TT&TT: Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu và thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số lượng lượt tải mới ứng dụng di động

06-10-2023 - 09:45 AM | Kinh tế số

Chiều 5/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo thường kỳ để thông tin về tình hình hoạt động của ngành trong tháng 9 và các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Theo báo cáo tại buổi họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 9/2023 cũng như kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông đang được báo chí và dư luận quan tâm.

Dự họp báo có lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước việt Nam, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), lãnh đạo Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp ICT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Trung tâm Internet Việt Nam, Trung tâm Thông tin cùng đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

Một số kết quả nổi bật trong tháng 9/2023

Doanh thu toàn ngành ước đạt 367.137 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 2.655.661 tỷ đồng.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.295 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 74.097 tỷ đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, trình Chính phủ một loạt quyết định và báo cáo quan trọng, bao gồmL danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, kế hoạch triển khai Luật giao dịch điện tử, tổng thể việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí và nhiều quyết định khác liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTTTT ngày 05/09/2023 Ngưng hiệu lực áp dụng quy định thi hành một phần/toàn bộ của một số quy chuẩn kỹ thuật tại Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT ngày 31/5/2023 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; Quyết định số 1864/QĐ-BTTTT ngày 28/09/2023 về việc đánh giá, xét duyệt các nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia; Quyết định số 1860/QĐ-BTTTT ngày 27/09/2023 Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch đánh giá, công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính (trừ dịch vụ bưu chính công ích) năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 424/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2023.

Trong tháng 9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số, tham gia Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16.

Sự phát triển của các lĩnh vực quản lý nhà nước

Ở lĩnh vực Bưu chính, trong tháng 9/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 5.250 tỷ đồng tăng 3% so với tháng 8/2023 và tăng 15% so với tháng 9/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 220 triệu bưu gửi, tăng 3% so với tháng 8/2023 và tăng 30% so với tháng 9/2022. Sản lượng bưu chính KT1 tháng 9/2023 (tính đến 22/09/2023): Tổng sản lượng đạt 69.650 bưu gửi, tăng 4,5 % so với cùng kỳ năm 2022.

Ở lĩnh vực Viễn thông, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,76%, tăng 8,48 % so với cùng kỳ năm 2022. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,6 triệu thuê bao, tăng 4,1 triệu thuê bao (4,25 %) so với cùng kỳ năm 2022. Số thuê bao băng rộng di động đạt 85,6 triệu thuê bao (tương ứng với 86,06 thuê bao/100 dân) tăng 3,88 % so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 31/8/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 5,16 triệu khách hàng. Trong đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 3,5 triệu khách hàng, chiếm 68% số khách hàng sử dụng dịch vụ. Tốc độ băng rộng cố định 93,11 Mbps (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,77 Mbps. Tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động 47,08 Mbps (tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 49 và cao hơn trung bình thế giới là 43,2 Mbps).

Ở lĩnh vực Chuyển đổi số, tính đến ngày 22/9/2023: 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) với 356.914 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 (22/22 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật chính quyền điện tử 2.0). 100% Bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số. 5/22 Bộ, ngành; 63/63 địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số. 100% Bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố).

Ở lĩnh vực Chính phủ số, về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP),số cơ quan kết nối: 98 Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Tổng số CSDL/HTTT/Nền tảng số đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trên NDXP là 23. Tổng số giao dịch tính đến ngày 23/8/2023 là 364.762.969, hàng ngày có trung bình khoảng 1,57 triệu giao dịch. (Kế hoạch năm 2023: 860 triệu giao dịch). Tổng số giao dịch kể từ khi đưa vào sử dụng: 1,386 tỷ giao dịch chính thức.

Ở lĩnh vực An toàn thông tin, doanh thu tháng 9/2023 đạt 432 tỷ đồng, tăng 87,8% so với tháng 9/2022 (230 tỷ đồng). Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài trong tháng 9/2023 đạt 45% (giảm 1,2% so với tháng 9/2022). Nộp ngân sách nhà nước: 30,2 tỷ đồng (tăng 87,8 % so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận: 43,2 tỷ đồng (tăng 87,8 % so với cùng kỳ năm 2022). Số doanh nghiệp: 104 Doanh nghiệp (tăng 3% so với cùng kì năm 2022). Số lao động ATTT: 3.716 người (tăng 8,7% so với cùng kì năm 2022). Tấn công mạng tháng 9/2023 là 903 cuộc, giảm 8,6% so với cùng kỳ tháng 9/2022 (988 cuộc). IP botnet tháng 9/2023 là 436.063 địa chỉ, giảm 17,9% so với cùng kỳ tháng 9/2022 (530.870 địa chỉ).

Ở lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số, tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%. Tổng số lượt tải mới ứng dụng di động trong tháng 8/2023 là 323 triệu lượt. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu và thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động.

Top các ứng dụng Việt Nam được tải về thiết bị nhiều nhất tính đến tháng 8/2023 là mạng xã hội Zalo, nền tảng VNEID và các ứng dụng thanh toán số (MB Bank, Viettel Pay, Ví MoMo, Vietcombank).

Trong tháng 8/2023, có 7 ứng dụng có số lượng tài khoản hoạt động đạt trên 10 triệu, gồm: Zalo, Zing Mp3, VNEID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel. Mạng xã hội Zalo tiếp tục ghi nhận gia tăng gần 500 nghìn tài khoản hoạt động.

Ở lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 09 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 95,8 tỷ USD), giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu 02 nhóm hàng hóa "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện", "Điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững 02 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước song sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 41,3 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt trên 39,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), 09/2023 ước đạt 73.500 doanh nghiệp, tăng 700 doanh nghiệp so với tháng 08/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,739.

Ở Lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đến nay, cả nước có 807 cơ quan báo chí (138 báo; 669 tạp chí); tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là 42.400, trong đó báo in và điện tử là 24.000.

Đến tháng 9/2023, thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 18.6 triệu thuê bao (tăng 12.2% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16.57 triệu thuê bao).

Tính đến ngày 15/9/2023, cả nước có 9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 1.799 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.

Trong tháng 9/2023, doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt 100 tỷ đồng; hoạt động phát hành đạt 450 tỷ đồng.

Tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.

Từ ngày 15/8/2023 đến ngày 14/9/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 364 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, gỡ 1 group và 1 tài khoản giả mạo; Google đã gỡ 380 videos vi phạm trên YouTube, xóa 7 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 23.733 video); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 33 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 10/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên.

Bộ cũng sẽ ban hành các Thông tư về quy hoạch băng tần 2100 MHz; quy hoạch băng tần 3560 - 4000 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

Bộ cũng triển khai “Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số”, tháng hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia; tổ chức Hội nghị “Phòng thủ hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia - thách thức và giải pháp”.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện các công tác tổ chức liên quan đến việc chấm Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ sáu.

Theo Phi Long

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên