MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo các doanh nghiệp phải "sống chung" với tin tặc

05-06-2021 - 10:25 AM | Tài chính quốc tế

Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo các doanh nghiệp phải "sống chung" với tin tặc

Một quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo lãnh đạo các doanh nghiệp nước này phải làm nhiều hơn nữa để chuẩn bị chống lại các cuộc tấn công mạng đang được thực hiện bởi các nhóm tội phạm nước ngoài.

"Thông điệp này gửi tới CEO trên khắp nước Mỹ, cảnh báo các vị phải chú ý đến sự gia tăng theo cấp số nhân của các cuộc tấn công mạng", bà Lisa Monaco, Phó Tổng chưởng lý, nói với CNBC. Bà Monaco là người dẫn đầu các nỗ lực của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng.

Phó Tổng chưởng lý Monaco cho biết các cuộc tấn công diễn ra hàng ngày và dẫn chứng mối nguy với các doanh nghiệp Mỹ thông qua 2 vụ tấn công mạng nhằm vào đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline và công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới JBS.

"Nếu các vị không hành động ngay lúc này, ngay bây giờ thì các vị sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp của mình. Nếu hôm nay, người đứng đầu bộ phận an ninh đến và nói 'chúng ta đã bị tấn công mạng', kế hoạch của các vị là gì? Thậm chí, các vị liệu có biết phải báo cho ai khi bị tin tặc tấn công hay không?", bà Monaco cảnh báo.

Trước một hiện thực là các cuộc tấn công mạng đang ngày càng trở nên phổ biến, Phó Tổng chưởng lý Monaco tin rằng lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ phải chuẩn bị để sống chung với những thách thức này. Từng là cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống Barack Obama, bà Monaco đã ngay lập tức tập trung vào các thách thức an ninh mạng khi đảm nhận cương vị mới ở Bộ Tư pháp Mỹ vài tháng trước.

"Những gì chúng tôi đang làm ở đây, tại Bộ Tư pháp, phản ánh mối đe dọa mà tin tặc gây ra với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Cả hai cuộc tấn công lớn được công bố gần đây đều liên quan đến các nhóm tội phạm nước ngoài.

JBS, công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới, cũng vừa là nạn nhân của tin tặc. Công ty này cho biết họ đạt được tiến bộ đáng kể trong việc mở cửa trở lại hệ thống dù họ từ chối cho biết mình có trả tiền chuộc hay không. Bà Monaco cũng không biết điều này. Tuy nhiên, Phó Tổng chưởng lý cho rằng nhà chức trách cần biết để các nhà điều tra, bao gồm cả FBI, có khả năng theo dõi số tiền đó.

Trước đó, CEO của Colonial Pipeline cho biết họ đã phải trả khoản tiền chuộc 4,4 triệu USD bằng Bitcoin để tin tặc trả lại quyền kiểm soát doanh nghiệp. Chính việc các nhóm tội phạm đòi tiền chuộc bằng tiền số khiến việc theo dõi chúng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

"Tiền số có nhiều ứng dụng tốt nhưng chúng ta phải lưu ý đến việc giới tội phạm lạm dụng chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần sự hợp tác của các doanh nghiệp và cả các sàn giao dịch tiền số", bà Monaco nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm cho các công ty hiểu rằng họ cần làm gì để có thể kiên cường hơn trước các cuộc tấn công mạng. Về phía FBI, các cuộc tấn công mạng đang được coi là "ưu tiên hàng đầu" trong các hoạt động điều tra của họ.

"FBI có kinh nghiệm dạn dày trong việc đối đầu với các thách thức trên không gian mạng", bà Monaco nhấn mạnh.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên