Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giữ nguyên mô hình Tổng cục
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giữ ổn định 21 cơ quan hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giữ ổn định 21 cơ quan hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 3 Tổng cục và tương đương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 79/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ này.
Theo Nghị định 79, Bộ VHTT&DL hiện có 21 cơ quan hành chính, trong đó có 3 Tổng cục và tương đương: Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch và Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bộ VHTT&DL cho rằng, cơ cấu tổ chức hiện nay cơ bản phù hợp với chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ đều đáp ứng đủ tiêu chí thành lập theo quy định. Chính vì vậy, Bộ đã đề xuất giữ ổn định 21 cơ quan hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước.
Liên quan đến đề xuất giữ nguyên các Tổng cục và tương đương, Bộ VHTT&DL lý giải: Tổng cục Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục. Các đơn vị này có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Một số nhiệm vụ, đối tượng quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương.
Theo Bộ VHTT&DL, việc giữ nguyên mô hình tổ chức nhằm đảm bảo cho Tổng cục Du lịch có đầy đủ vai trò, quyền hạn để đảm nhận vị trí đầu tầu, điều phối, chỉ đạo chuyên môn đối với các địa phương, đặc biệt trong các hoạt động phát triển du lịch ở quy mô toàn quốc, vùng, liên vùng.
Cơ quan chủ quản Tổng cục này cũng viện dẫn, hiện nay các nước trên thế giới đều thiết kế mô hình cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Cơ quan du lịch quốc gia/Tổng cục Du lịch hoặc Tổng cục Du lịch trong Bộ đa ngành như: Thái Lan có Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Du lịch và Thể thao; Hàn Quốc có Cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đức có Cục Du lịch quốc gia Đức…
Đối với Tổng cục Thể dục thể thao: Bộ VHTT&DL cho đây là một trong những lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện chủ trương tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước.
Bộ cũng khẳng định, việc duy trì một cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở cấp Tổng cục là phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về thể dục thể thao. Bên cạnh đó, mô hình cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao độc lập cũng là phổ biến trên thế giới.
Về Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Bộ VHTT&DL cho rằng, đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một chủ trương lớn, thể hiện cụ thể sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, văn hóa, đặc biệt là đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc dưới mái nhà chung, đó là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị giữ nguyên mô hình Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như hiện nay là tổ chức tương đương Tổng cục, trực thuộc Bộ VHTT&DL. Việc giữ nguyên mô hình hiện nay sẽ bảo đảm thuận lợi trong thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đối với các trình tự, thủ tục đầu tư…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về tổ chức bộ máy đối với tổ chức hành chính, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập, tổ chức do Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2000 (đặc biệt là các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục), Nghị định số 47/2019.
Thủ tướng lưu ý, giảm tổ chức trung gian; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, quản lý chuyên ngành mà không xác định rõ phạm vi, đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ; giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan, tổ chức có trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động không hiệu quả, bỏ phòng trong vụ; giảm tối đa tổ chức phòng và tương đương thuộc cục, thanh tra, văn phòng.
Tiền Phong