MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng”

28-10-2022 - 09:26 AM | Lifestyle

Là dâu hào môn chốn Hà thành, có chồng làm kinh doanh lâu năm, Nguyễn Thơ Thơ lựa chọn khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng. “Nếu bây giờ xin gia đình vài tỷ đồng để lập nghiệp, mọi người sẽ nói có tiền tỷ ai chẳng làm được. Nhưng nếu thất bại, người ta sẽ bảo mình vô dụng. Tôi sợ áp lực đó lắm", Thơ chia sẻ.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 1.

- Điều gì đưa chị đến quyết định thành lập Tiệm Thơ?

Mọi thứ xảy ra tự nhiên lắm, chẳng có kế hoạch hay phương án kinh doanh như thế nào đâu. Lúc còn rảnh rang chưa kinh doanh gì, chỉ ở nhà chăm con và nội trợ thì thỉnh thoảng tôi cũng đi mua sắm và tìm đến các hàng bán đồ thêu thướt tha, cũng có một số sản phẩm tôi thấy ưng nhưng ít lắm. Họ chỉ có 1-2 sản phẩm về thêu thôi mà thiết kế trẻ trung thì chưa nhiều, phần lớn là áo dài hoặc trang phục biểu diễn, còn những bộ ứng dụng hàng ngày tìm quá khó.

Thế là tôi tự đi mua vải rồi gặp một cô bé ở cửa hàng nói là biết thêu, muốn thêu gì thì bé đó làm cho. Tôi nghe vậy về tự vẽ hình song mang sang thêu, mặc lên chụp ảnh. Mọi người thấy thì hỏi xin chỗ mua đồ. Họ nghe là tự thiết kế thì mỗi người nhờ tôi làm giúp một bộ. Một thời gian sau, cũng vô tình thôi, nhiều người biết đến tôi. Đến thời điểm có đơn đặt hàng, tôi đã có một thợ may và một thợ thêu rồi. Một tuần chắc có vài đơn đặt nhưng vẫn làm không xuể vì thêu tay rất lâu, lại chỉ có một thợ thêu. Tôi quyết định mở cửa hàng ngay tại nhà riêng, bày 2 kệ treo đồ nhưng có duy nhất một sản phẩm là váy dây với một số mẫu thêu. Sau đó tôi bán hàng online trên trang cá nhân rồi lập fanpage trên mạng xã hội để mở rộng tệp khách hàng.

- Trước đó, chị đã có kỹ thuật may vá thêu thùa chưa?

Thực ra tôi tốt nghiệp cử nhân Y tế cộng đồng, cũng đã làm hồ sơ xin việc nhà nước. Đến lúc kết hôn, nhà chồng muốn tôi về làm cho gia đình vì công ty có nhiều việc. Tôi nộp hồ sơ rồi, giám đốc nhận rồi nhưng lại quyết định không đi, ở nhà rồi đẻ thêm đứa nữa. Bé đầu được 7 tháng tuổi thì tôi có bé thứ hai, mất 5 năm ở nhà làm mẹ bỉm sữa. Ngày đó tôi cũng có buôn bán linh tinh nhưng chỉ cho vui thôi chứ cũng không kinh doanh nghiêm túc.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 2.

- Váy dây nhung thêu thì độc lạ thật, nhưng tại sao tiệm chỉ có một kiểu dáng này?

Khách vào cửa hàng cũng đều ngạc nhiên và hỏi như vậy. Lúc đó tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào bởi lúc nghe câu hỏi cũng hơi chột dạ (cười). Có lẽ vì câu nói đó mà sau này tôi tìm tòi và nghiên cứu thêm sản phẩm. Các thiết kế từ lúc tôi mở cửa hàng khá đơn giản, chỉ là áo sát nách với ba lỗ, phục vụ cho chính mình. Tôi mình biết ưu - nhược điểm bản thân là gì, quan trọng là biết tốt khoe xấu che nên khi khách đến thử trang phục, họ thấy ưng ngay vì đồ lên dáng luôn. Nhiều người cho rằng vì là vải nhung nên đồ tôn dáng và người mặc cũng đẹp hơn. Thực ra không phải vậy. Tôi nhìn một người, biết chỗ nào cần tôn lên và đó là bí quyết của tôi.

Ban đầu, tôi không xác định làm đồ để bán cho người 20, 30 hay 40 tuổi. Tất cả đồ tôi làm đều là những gì tôi cảm thấy thích. Cũng có nhiều khách hỏi tôi sao không làm cái này cái kia, dễ bán mà nhiều người mặc được lắm nhưng tôi không thích nên không muốn làm. Tất nhiên đồ của tôi sẽ có người thích hoặc không, 9 người 10 ý.

- Nhưng làm nghề phục vụ khách hàng thì đáng ra nên làm những thứ khách hàng thích?

Nhắc đến vải nhung, nhiều người mặc định chất vải này là dành cho người lớn tuổi. Thế nhưng tôi đã đưa chất liệu này đến được cả những bạn mới ngoài 20. Tất cả là vì kiểu dáng, hình thêu và phối màu. Cùng một chiếc váy, kiểu dáng và hình thêu đó nhưng bên khác nhái của Tiệm Thơ nhìn đã rất khác rồi. Thậm chí người ta còn mua váy của nhà tôi về để sao chép, nhưng vẫn không ra được chất của Tiệm Thơ. Đó là vì sản phẩm của Tiệm Thơ chứa con mắt, linh hồn của tôi và chỉ Tiệm Thơ mới phát triển được. Mọi người thích sản phẩm nên mới đến, chứ họ không đến đây vì được thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Và tôi thành công khi định hướng được việc mặc cho khách hàng, chứ không phải khách hàng định hướng sản phẩm cho mình.

Nhiều người đến cứ nghĩ Tiệm Thơ tức là nàng thơ. Hôm trước có khách đến chuyển khoản xong hỏi: "Ơ sao ngân hàng lại cho để tên Nguyễn Thơ Thơ như này, phải để tên thật chứ". Tôi thấy vậy liền giải thích rằng Nguyễn Thơ Thơ là tên đúng chứ không phải nghệ danh. Tôi chính là Tiệm Thơ và Tiệm Thơ mang linh hồn của tôi.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 3.

- Giai đoạn đầu, cửa hàng chỉ có một thợ may và một thợ thêu. Đến thời điểm này thì sao?

Câu "giàu vì bạn, sang vì vợ" quả thật không sai. Tôi có những người bạn từng đứng ra kinh doanh riêng nên tôi học hỏi cách vận hành, họ cũng chia sẻ bí quyết là chạy quảng cáo. Tôi về tập tành làm theo và được hướng dẫn tận tình. Sản phẩm của tôi khá đặc biệt mà chạy quảng cáo thì trúng khách. Có thể nói, tôi từng là người ngoại đạo nhưng đã bước được vào luồng xoáy thời trang. Đến bây giờ là gần 2 năm, trải qua mấy đợt giãn cách xã hội, tôi có 50 thợ thêu và và một xưởng may riêng. Một tháng, tôi tạo việc làm cho hơn gần 80 nhân công làm việc cố định, chưa kể mùa cao điểm có thể lên tới hàng trăm người. Có những lúc tiệm quá tải, tôi buộc phải đi thuê xưởng của những nghệ nhân đang làm cho các nhà áo dải nổi tiếng.

- Điều gì đã giúp chị mạnh dạn phát triển cửa hàng, từ một đến hàng trăm thợ như vậy, ngay khi đang ở trong mùa dịch?

Nếu loại trừ thời gian giãn cách xã hội, lễ Tết thì thời gian phát triển đó chưa đến một năm đâu. Khoảng 9-10 tháng là tôi có thể vận hành trơn tru.

Do nhiều cầu thì cung cũng tăng theo. Khi nhà tôi có một thợ may và một thợ thêu, chỉ với hai người thì không thể đáp ứng được lượng đơn đặt hàng. Thế nên tôi phải tuyển thêm thợ, mỗi tháng thêm 5-7 người. Từ lúc mở hàng đến giờ, nhà tôi luôn trong tình trạng quá tải, chưa tháng nào chững, kể cả lúc giãn cách xã hội.

Lúc mở cửa trở lại, chỉ mất 3 ngày đầu là chậm song mọi thứ lại vào guồng. Đến thời điểm này thì tôi cho rằng đó là "hữu xạ tự nhiên hương rồi", tức người này giới thiệu người kia.

Tôi mở cửa hàng kinh doanh và gặt hái được thành công, cảm thấy tự mình đặt cho bản thân chỗ đứng trong xã hội. Hay như khách tìm đến tôi vì tôi có khả năng, chứ nếu chỉ ở nhà nấu cơm thì chẳng ai tìm đến mình.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 4.

- Thời điểm nào Tiệm Thơ bùng nổ nhất và con số nào cho thấy điều đó?

Thực ra các chỉ số tăng đều đấy, hiện tại vẫn phát triển đều và chưa có dấu hiệu dừng lại. Khoảng vài tháng trở lại đây, doanh thu tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Hơn nữa tôi vẫn còn rất nhiều sáng tạo và tự tin là tiệm sẽ còn phát triển tiếp. Người ta thấy có người mặc đồ nhung thêu thế là họ tự tìm đến nhà tôi, mà khách thân quen cũng rất nhiều.

Đây cũng là thành công lớn nhất của tôi - để mọi người nghe đến nhung là nghĩ đến Tiệm Thơ. Thậm chí là khi nhìn thấy có ai diện đồ nhái, họ vẫn nghĩ Tiệm Thơ vì ấn tượng của tiệm quá lớn. Người ta đều biết là trào lưu về nhung thêu là từ Tiệm Thơ ra.

- Nhiều người nhận xét, trường hợp của chị là "vượt giàu". Chị nghĩ sao?

Tôi không biết mọi người thế nào, nhưng tôi nghĩ để gọi là giàu thì cũng vô cùng lắm. Có người có 1 tỷ đồng họ đã nghĩ là giàu rồi, nhưng có người cầm trong tay nghìn tỷ đồng, sự nghiệp lẫy lừng mà vẫn đi làm. Khi lấy chồng thì tôi không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, công việc sáng tạo bay bổng cũng thoải mái hơn. Nhưng càng về sau, việc kinh doanh bận rộn quá nên cũng có chút ảnh hưởng đến việc sáng tạo. Bây giờ lượng khách hàng ngày khá đông, mới mở đến tháng thứ 2 nhưng tôi đã bán được 200 sản phẩm/tháng. Đến nay thì con số ấy cứ tăng đều lên hàng nghìn sản phẩm thủ công mỗi tháng.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 5.

- Sản phẩm ở Tiệm Thơ rẻ nhất là áo hai dây giá 3,5 triệu đồng, còn áo dài thì gần hàng chục triệu đồng, những sản phẩm độc bản có thể còn đắt hơn thế. Một thương hiệu có tuổi đời khá trẻ, điều gì khiến chị tự tin đưa ra mức giá như vậy?

Mọi người so với hàng bình dân hay đồ thêu máy thì thấy đồ của nhà tôi đắt thôi. Còn một sản phẩm thêu tay thủ công truyền thống như Tiệm Thơ, chất lượng vải, kĩ thuật thêu và may đo y như vậy thì tôi khẳng định Tiệm Thơ không có đối thủ về giá. Để đúng chất lượng như của Tiệm Thơ thì tôi tự tin khó có thể cạnh tranh được với mình.

Hồi tôi mới mở cửa hàng đã tạo nên cơn sốt tại Hà Nội về váy nhung thêu tay, song rồi rất nhiều bên làm đồ nhái. Tôi cũng có thời gian bị chao đảo về giá chứ, có lúc còn nghĩ hay vì đồ mình đắt. Nhưng tôi cộng trừ nhân chia hết vào thì thấy không hề đắt, mà sao các bên vẫn làm được rẻ hơn? Hoá ra là họ thêu máy và dùng chất vải không phải nhung the (vải có thành phần tơ tằm). Nếu nhìn mắt thường có thể thấy hai loại vải một 9 một 10, thậm chí chụp ảnh lên long lanh. Thế nhưng khách mua đồ nhà tôi rồi thì không thể dùng được đồ nhái, và người dùng hàng nhái mà sang nhà tôi thì cũng gật gù tại sao giá cao hơn.

Người ta bảo 3,5 triệu đồng cho một chiếc váy hai dây thì quá đắt. Giờ tôi chỉ cần bán 2.990.000 đồng thôi thì vẫn bán được nhưng là lấy công làm lãi. Vậy nên khi tính toán thêm cả chi phí vận hành bộ máy hay quảng bá sản phẩm, tôi phải giữ đồ ở giá là 3,5 triệu đồng thì mới làm tiếp được. Thay vì giảm giá thì tôi nâng cấp sản phẩm, may thêu cẩn thận hơn, bọc lót tốt hơn, như bán hàng hiệu luôn. Sau đó tôi nhận ra vấn đề không nằm ở giá cả mà là chất lượng sản phẩm. Nếu làm ra đồ xuất sắc, kể cả bán giá 50 triệu đồng vẫn có khách mua. Công tác quảng cáo tốt mà sản phẩm tệ thì rõ ràng là chẳng trụ được lâu.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 6.

- Tiệm Thơ phục vụ khách hàng là những người chịu chi từ 5-20 triệu đồng. Việc chăm sóc và thuyết phục họ có gì đặc biệt?

Công tác này tôi tự cảm thấy chưa được tốt lắm, vì còn thiếu nhiều kinh nghiệm. Nhưng tôi đang xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng riêng từ con số không, phân loại đâu là khách VIP rồi có những chế độ đãi ngộ cho họ. Tôi cũng bắt đầu tập tành áp dụng phần mềm vào quản lý khách hàng để chuyên nghiệp hơn.

Đến khi mở cửa hàng, tôi giật mình vì lượng tiêu dùng của người Việt khủng đến vậy. Có thể bạn nghĩ mình đã giàu rồi, nhưng thực tế có quá nhiều người còn giàu hơn bạn. Càng làm, tôi càng thấy khiêm tốn, biết cách ứng xử hơn. Ban đầu tôi nghĩ rằng những mẫu váy mười mấy triệu đồng thì khó có người mua, số tiền cao với người này nhưng không là vấn đề với người khác.

Nhưng khách hàng của tôi không quan trọng sản phẩm bao nhiêu tiền, vấn đề là có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không thôi. Ví dụ, một tuần có khách mua hết 200 triệu đồng tiền váy, nói tôi cứ làm nữa đi nhưng cản bản tôi làm không xuể. Trước lúc thêu thì tôi sẽ báo khách là hình nào thêu lâu, cần nhiều thợ làm nên giá trị lớn. Nhưng họ cũng không mấy quan tâm, thậm chí có người còn bảo tôi thêu cầu kỳ vào, làm sao để không ai bắt chước được ấy.

- Một trong những điểm đặc biệt của Tiệm Thơ là được nhiều người nổi tiếng ủng hộ, thậm chí kết hợp cùng để cho ra bộ sưu tập đặc biệt. Cơ duyên này đến từ đâu?

Có nhiều người như chị Hồ Ngọc Hà hay BTV Ngọc Trinh ban đầu biết đến tôi là vì các chị ấy quan tâm đến sản phẩm của tiệm. Các chị ấy có nhắn tin mua đồ thì tôi ngỏ ý tặng, vì thấy đồ của mình được những người có gu chú ý đến. Rồi họ kỷ niệm lại tôi bằng một số bức ảnh chụp diện đồ của tiệm, sau đó trở thành mối quan hệ chị em thân thiết vì các chị ấy thân thiện lắm, không tự nhiên mà họ thành công đến vậy. Bình thường muốn sử dụng hình ảnh của chị Hà phải mất nhiều tiền, thế nhưng chị rất ủng hộ tôi - NKT mới lập nghiệp (cười). Hay như chị Hà Kiều Anh cũng là mối quan hệ quen. Có lẽ tôi được mọi người ưu ái vì mình đang làm ra sản phẩm đậm chất văn hoá chứ không đơn giản chỉ là thương mại.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 7.

- Hành trình khởi nghiệp của chị rất nhanh, cũng có nhiều may mắn. Vậy còn khó khăn thì sao?

Thực ra tiệm phát triển nhanh tôi cũng gặp nhiều vấn đề lắm, đến bây giờ vẫn vật lộn hàng ngày. Để nói khó khăn lớn nhất thì là khâu quản lý nhân sự. Ngày đầu kinh doanh, tôi còn làm việc theo hứng, tức là thích thiết kế gì thì làm mẫu đó. Nhưng sau một thời gian hoạt động thì tôi phải có kế hoạch một năm ra mấy bộ sưu tập. Mà đã có kế hoạch thì không thể theo hứng như trước kia nữa, phải ép bản thân có hứng.

Quản lý nhân sự rồi còn tìm người, dùng người sao cho hiệu quả. Người quản lý phải biết thế mạnh của nhân viên là gì, họ có ở đúng vị trí để phát huy tiềm năng không. Trong một nhóm thêu, ngoài biết thêu ra họ còn biết linh động, sáng tạo, khéo léo. Nắm được tiềm năng của họ thì tôi nhấc lên vị trí cao hơn. Rồi việc kiểm soát hàng hóa ra vào, xây dựng quy trình. Ngày xưa đơn sơ còn bây giờ quy trình ngày càng chuẩn hơn, từ khâu tiếp nhận đơn hàng của khách đến khi khách nhận được sản phẩm.

- Trong khoảng thời gian một năm, chị có được cơ ngơi như này. Có lúc nào chị cảm thấy quá tải không?

Có chứ, mọi thứ đến nhanh chóng làm tôi đôi khi thấy có phần căng thẳng, vì bây giờ tôi bị áp lực chuyện đảm bảo hàng cho nhân viên làm. Tôi không biết chỗ khác như nào nhưng nhà tôi trả lương theo sản phẩm, chấp nhận trả lương cho người lao động cao hơn mặt bằng chung. Ngược lại, tôi có nhân sự gắn bó lâu dài, sản phẩm đúng như mong muốn. Tôi cảm thấy trả như thế thì đốc thúc người ta làm năng suất hơn. Ví dụ, thợ làm ở nhà tôi một ngày làm 8 tiếng được trả lương một khoản cố định. Thế nhưng vì trả theo sản phẩm thì người ta sẽ cố làm, bản thân thợ cũng thích như vậy và tất nhiên họ làm nhiều thì tôi phải trả nhiều hơn. Việc người ta đi làm, mối quan tâm của họ vẫn là lương thôi. Tôi cứ đảm bảo lương cho thợ thì họ sẽ gắn bó lâu dài.

Có lúc tôi cũng mệt chứ, thậm chí phát khóc. Chẳng hạn khi chuẩn bị ra bộ sưu tập mới, lại đúng thời điểm trả lương cho thợ, thanh toán các công nợ cùng hàng trăm các chi phí khác. Mà một tháng tôi trả lương rất nhiều tiền, như tháng vừa rồi là 600-700 triệu đồng. Nhà tôi có một kế toán chuyên tiếp nhận ý kiến phản hồi của nhân viên và trao đổi giữa các bộ phận về tiền lương. Rồi lúc chụp ảnh cho bộ sưu tập mới, có cả một ê-kíp trăm thứ việc cần làm để cho ra hình ảnh chất lượng nhất. Nhiều khi phát khùng lên đấy.

Bỏ việc ngành Y để kinh doanh đồ thêu tay truyền thống, cô chủ 9x của Tiệm Thơ: “Mẹ cho 10, 20 tỷ để làm mà thất bại là vô dụng, tôi quyết khởi nghiệp 0 đồng” - Ảnh 8.

- Quan điểm của chị trong kinh doanh là gì?

Tôi muốn tiệm giống như thời trang địa phương may đo kiểu cao cấp nhưng không phát triển thành chuỗi. Có những lời mời mở rộng đến với tiệm, ngay từ vài tháng đầu hay đến bây giờ vẫn có rất nhiều. Thế nhưng tôi chưa có nhu cầu, không phải vì không muốn phát triển mà tôi không muốn đánh mất chất Thơ. Tôi đã chứng kiến nhiều nhãn hàng nổi tiếng bùng ra rồi mất thương hiệu vì vỡ thị trường. Khi mà làm một cửa hàng như nhà tôi, sản phẩm của họ cũng phải có chất lượng tương đương. Nhưng họ cũng phải đi theo bài toán kinh doanh rồi chất lượng sản phẩm giảm dần, thế là mất thương hiệu rồi cả công sức gây dựng.

Sau này khi cứng cáp hơn, tôi có hoài bão xây dựng Tiệm Thơ là nơi cung cấp những đồ truyền thống của Việt Nam nhưng là sản phẩm cao cấp, phảng phất hơi thở hiện đại.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Lam Phương/ Thiết kế: Hải An

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên