MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bờ vực phá sản đang đe doạ nhiều doanh nghiệp

02-08-2011 - 14:30 PM | Doanh nghiệp

Về lý thuyết, vốn chủ sở hữu của CAD, BAS, VKP vẫn dương, tức là công ty vẫn có thể hoạt động.

Khó khăn của nhiều DN niêm yết không phải tự nhiên xuất hiện. 3 năm với hai lần khủng hoảng như một mũi tên sắc làm tổn thương nhiều DN, đúng lúc các "gót chân Asin" phơi bày: một số DN xuống đáy của một chu kỳ, một số chuyển tiếp trong giai đoạn kinh doanh và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong đầu tư dự án.

Nguy cơ DN niêm yết phá sản

Quý II/2011, CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) công bố lỗ 13 tỷ đồng, quý thứ 9 liên tục bị lỗ. Theo sổ sách, Công ty có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, nhưng với khoản lỗ lũy kế trong 2 năm 2009 - 2010, vốn chủ sở hữu của VKP giảm xuống mức 44 tỷ đồng. Trong báo cáo kiểm toán năm ngoái của VKP, Công ty Kiểm toán AASCN viết: "Theo báo cáo tài chính của Công ty, số dư nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn sau khi đã trừ đi các tài sản ngắn hạn khó thu hồi và lỗ lũy kế. Các nội dung này gây ra nghi ngờ đáng kể về tính phù hợp của việc giả định hoạt động liên tục của Công ty".

Ở thời điểm hiện nay, VKP được xem là một trường hợp điển hình của nhiều khó khăn: thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất, thiếu hụt vốn lưu động, bộ máy nhân sự khủng hoảng… Một trong số các gánh nặng của VKP có khoản vay nợ ngân hàng. Gánh nặng chi phí lãi vay chiếm tới phân nửa trong tổng chi phí hàng tháng của Công ty. Nghịch lý trong khi chịu gánh nặng chi phí vốn thì VKP lại đang phát sinh nhiều tranh chấp từ các khoản nợ khó đòi với khách hàng. Đó là chưa kể các vấn đề nổi cộm khác gây bức xúc trong cổ đông như thất thoát tài sản, phát sinh công nợ từ các đời lãnh đạo tiền nhiệm. Trong ĐHCĐ cách đây vài tuần, không ít ý kiến cho rằng, VKP chỉ còn 2 con đường: một là phát mại tài sản, hai là tuyên bố phá sản!

Chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2011, nhưng giải trình việc cổ phiếu CAD giảm sàn liên tục trong thời gian gần đây, CTCP Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) cho biết, nguyên do xuất phát từ kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, CAD đã trải qua 2 năm liền thua lỗ, cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát. Thậm chí, vào đầu quý II/2011, ông Võ Thành Tiên, Chủ tịch HĐQT Công ty đã đề cập đến khả năng phá sản.

Khi ấy, theo lãnh đạo CAD, hiệu quả hoạt động của Công ty giảm sút xuất phát từ hai lý do chính. Thứ nhất, việc đối tác chiếm dụng vốn và thông tin về các sai phạm tại Công ty trước khi chuyển đổi mô hình CTCP gây tác động tiêu cực: ngân hàng giảm hạn mức tín dụng, các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào không giao hàng, khách hàng đầu ra không tiêu thụ sản phẩm. Các tác động của môi trường kinh doanh là lý do thứ hai.

Đây cũng là lý do khiến CTCP Basa (BAS) tính đến khả năng phá sản trong ĐHCĐ cuối tháng 5 vừa qua. Khi ấy, ông Võ Tấn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty nêu kịch bản xấu nhất với các cổ đông, nếu trước tháng 9 không tìm được nguồn vốn mới sẽ xin ý kiến cổ đông về việc phá sản. Cả 2 năm 2009 và 2010, BAS đều thua lỗ. 6 tháng đầu năm nay, Công ty báo lỗ tiếp trên 8 tỷ đồng. Vốn điều lệ thực góp của BAS là 96 tỷ đồng, nhưng do thua lỗ kéo dài, nguồn vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 75,5 tỷ đồng.

Họa vô đơn chí?

Về lý thuyết, vốn chủ sở hữu của cả 3 DN nêu trên vẫn dương, tức là công ty vẫn có thể hoạt động. Tuy nhiên, theo Luật Phá sản, DN được coi lâm vào tình trạng phá sản nếu không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu và vụ việc được tòa án thụ lý. Khái niệm này mở ra một dải khá rộng các DN có thể đối mặt với nguy cơ xấu nhất, nếu bất thần các chủ nợ kiên quyết siết chặt chiếc van tín dụng hiện thời.

Nguy cơ xuất hiện các DN niêm yết xin phá sản không dừng lại ở con số 3. Trên hai sàn, không hiếm mã đang nhấp nháy đèn đỏ: CTCP Full Power (FPC) lỗ 3 năm liền, sắp bị hủy niêm yết bắt buộc. Cùng công bố lỗ trong quý II/2011, CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) có vốn điều lệ 135,55 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn 93 tỷ đồng, đang vay nợ 82,4 tỷ đồng; CTCP Container Phía Nam (VSG) có vốn điều lệ 110,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 89,7 tỷ đồng, đang vay nợ 408 tỷ đồng. Ngoài ra, MHC, VSG đã trải qua 2 năm thua lỗ cùng chung kịch bản buồn với SHC, IFS, FBT, VSP… Danh sách các DN thua lỗ tiếp tục kéo dài khi các công ty đang sa lầy giữ thói quen công bố kết quả kinh doanh muộn.

Khó khăn của nhiều DN niêm yết không phải tự nhiên xuất hiện. 3 năm với hai lần khủng hoảng như một mũi tên sắc làm tổn thương nhiều DN, đúng lúc các "gót chân Asin" phơi bày: một số DN xuống đáy của một chu kỳ, một số chuyển tiếp trong giai đoạn kinh doanh và sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong đầu tư dự án. Con số lỗ tuyệt đối chỉ là hệ quả cuối cùng của nhiều gánh nặng: lãi suất, sự biến động tỷ giá và môi trường kinh doanh. Vấn đề mang tính thời sự hiện nay là nhiều DN đã "ở đáy" rất lâu, nhưng vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, khi đang vẫn loay hoay với nhiều giải pháp.

Để vực dậy công ty, ở ĐHCĐ VKP, nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận. Hai trong số các giải pháp cấp bách nhất là VKP xin phát hành trái phiếu chuyển đổi. Bên cạnh đó, Công ty phát mại lô đất 2,2 héc-ta tại Long An và một số diện tích bất động sản khác. Mục đích là để VKP tăng nguồn vốn lưu động. Giải pháp đã có, nhưng khi thị trường bất động sản đóng băng, việc chuyển nhượng bất động sản là rất khó, nhất là khi VKP đã từng xúc tiến việc này cả năm trước đó. Với tình hình thua lỗ như hiện nay, liệu có dễ tìm được người mua trái phiếu chuyển đổi khi giá cổ phiếu VKP hiện còn 1.900 đồng/CP? Tương tự, với BAS, trước áp lực lãi vay ngân hàng và nhu cầu cấp bách về vốn lưu động, Công ty đã lên kế hoạch bán Nhà máy Basa II từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Xem ra, với nhiều cổ phiếu "đèn đỏ", nước xa đang khó cứu được lửa gần!

Theo Giang Thanh

ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên