Bỏ xa Doji và SJC về lợi nhuận, động lực nào sẽ giúp PNJ duy trì đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo?
HSC đánh giá trong dài hạn triển vọng tăng trưởng của PNJ là khả quan nhờ (1) ít bị cạnh tranh (2) tích cực mở mới cửa hàng và đầu tư mạnh vào công nghệ mới; và (3) có khả năng giành thêm thị phần từ thị trường trang sức không có thương hiệu với quy mô lớn.
- 16-02-2019Không phải nhờ tới ngày thần tài, đây là điều giúp PNJ đạt biên lợi nhuận tới 19% trong khi Doji, SJC chỉ ở mức 1%
- 15-02-2019Cùng đi bán vàng, PNJ lãi gấp nhiều lần Doji và SJC cộng lại dù doanh thu chỉ bằng một góc nhỏ
- 18-01-2019PNJ hoàn thành vượt kế hoạch năm 2018, biên lợi nhuận đạt kỷ lục
Trong năm 2018, bất chấp những diễn biến không thực sự thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số Vn-Index giảm khoảng 9,3%, cổ phiếu Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 4,4%. Mặc dù đà tăng của PNJ không quá mạnh, nhưng trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi như năm 2018 có thể coi là khá tích cực.
Những ngày đầu năm mới 2019, PNJ vẫn duy trì nhịp tăng khá tốt. Từ vùng đáy 86.400 đồng/cp được thiết lập vào đầu tháng 1, cổ phiếu PNJ đã hồi phục ấn tượng và hiện lên trên 97.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng khoảng 12%.
Diễn biến cổ phiếu PNJ trong 3 năm qua
Việc cổ phiếu PNJ tăng trưởng tích cực trong nhiều năm qua đến từ yếu tố kết quả kinh doanh khả quan và dư địa tăng trưởng trong dài hạn còn rộng mở.
Theo báo cáo KQKD năm 2018 được công bố, doanh thu thuần PNJ đạt doanh thu thuần 14.573 tỷ đồng – tăng 33%; Lợi nhuận sau thuế 960,2 tỷ đồng – tăng 32% so với năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện mạnh từ mức 17,4% trong năm 2017 lên 19,1% trong năm 2018 và đây đều là những con số kỷ lục của PNJ kể từ khi thành lập. Không những vậy, PNJ còn là doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam, bỏ xa Doji, SJC…
Lợi nhuận PNJ năm 2018 đạt kỷ lục
Sau những thành công trong năm 2018, câu chuyện tăng trưởng của PNJ còn duy trì được hay không là yếu tố được giới đầu tư hết sức quan tâm. Mới đây, CTCK HSC đã đưa ra đánh giá triển vọng PNJ với nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong những năm tới.
Nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu ngày càng gia tăng. Theo HSC, nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu chủ yếu là đến từ nhóm khách hàng giàu có mới nổi, là đối tượng sử dụng trang sức của các thương hiệu nổi tiếng để phô trương sự giàu có và khác với đối tượng khách hàng theo phong cách cũ thường ưa thích bất động sản hoặc vàng miếng để tiết kiệm.
Trong khi đó PNJ không có đối thủ lớn trong mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu tại Việt Nam. Xét về số lượng cửa hàng bán lẻ, thiết kế tinh tế, gia công khéo léo, các bộ sưu tập mới và sự phổ biến của thương hiệu, HSC cho rằng PNJ đánh bại tất cả các đối thủ khác ở Việt Nam như SJC hay Doji.
Tính tới cuối năm 2018, số lượng cửa hàng PNJ trên toàn quốc đã lên tới 324 và tính tới thời điểm hiện nay vào khoảng 330. Theo kế hoạch, PNJ sẽ nâng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên khoảng 370 vào cuối năm 2019.
CTCK HSC tin rằng PNJ có thể mở rộng thành chuỗi bán lẻ toàn quốc với khoảng 600-700 cửa hàng trong vài năm tới để phủ sóng hệ thống bán lẻ trên toàn quốc.
Cửa hàng PNJ bao phủ khắp 3 miền
Không những vậy, mới đây PNJ còn khẳng định bước chuyển mình thành một nhà bán lẻ chuyên nghiệp khi cho ra đời cửa hàng flagship theo mô hình PNJ Next với những không gian sang trọng, đẳng cấp, mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm hết sức đặc biệt.
CEO PNJ Lê Trí Thông cho biết, PNJ Next thể hiện sự hướng về tương lai của PNJ với trải nghiệm khách hàng mới. Next nghĩa là kế tiếp, sự trải nghiệm khách hàng kế tiếp. Mô hình này có những không gian tương tác và cách thức tương tác với khách hàng hiện đại hơn so với các trung tâm kim hoàn PNJ hiện nay.
Ngoài ra, trong năm 2019, PNJ cũng đẩy mạnh mảng kinh doanh đồng hồ thông qua việc mở trung tâm PNJ Watch. Động thái này cho thấy sự quyết liệt của PNJ đối với lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng khá cạnh tranh và phân mảnh như đồng hồ ở Việt Nam.
Tỷ suất lợi nhuận tiếp tục cải thiện. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận liên tục tăng trong vài năm qua, HSC cho rằng PNJ vẫn còn tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn hệ thống ERP triển khai gần đây giúp cung cấp thông tin chi tiết và cần thiết về tất cả các mặt hoạt động của công ty. Theo đó, PNJ có thể tiếp tục cải thiện được trải nghiệm mua sắm cho khách hàng; Nâng cao hiệu quả khi đưa sản phẩm ra thị trường và xử lý được nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả.
HSC tin rằng tỷ suất lợi nhuận gộp ở mảng bán lẻ trang sức vàng của PNJ có thể tăng lên 30%-35% trong 3-5 năm tới khi tỷ suất lợi nhuận gộp bình quân cho hàng trang sức trên thế giới là khoảng 45%-48%.
HSC tin rằng biên lợi nhuận PNJ sẽ tiếp tục được cải thiện trong những năm tới
Với những yếu tố trên, HSC đánh giá trong dài hạn triển vọng tăng trưởng của PNJ là khả quan nhờ (1) ít bị cạnh tranh (2) tích cực mở mới cửa hàng và đầu tư mạnh vào công nghệ mới; và (3) có khả năng giành thêm thị phần từ thị trường trang sức không có thương hiệu với quy mô lớn đặc biệt là khi công ty đã thành lập công ty con mới tập trung vào hoạt động bán buôn. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của công ty vẫn rất tốt và công ty cũng còn tiềm năng để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Trí Thức Trẻ