Bộ Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân hơn 600 cột điện bị "hạ gục" trong 30 phút mưa bão số 5
Theo Bộ Xây dựng, ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì cột điện còn tồn tại, chưa đáp ứng quy định.
- 23-09-2020Tổng Cty Điện lực miền Trung lý giải nguyên nhân hàng loạt cột điện bị gãy trong bão số 5
- 21-09-2020Hơn 400 cột điện đổ la liệt sau bão số 5: Tạm dừng sử dụng cột dự ứng lực
Bộ Xây dựng cho biết, vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm sử dụng trong truyền tải điện.
Theo đó, hôm 25/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bên liên quan đến sự cố hàng trăm cột điện bị đổ gãy do bão số 5 vừa qua.
Thành phần tham dự gồm đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng như Cục Giám định, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Hội Bê tông Việt Nam và một số chuyên gia về xây dựng.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, chuyên gia đã báo cáo và trao đổi các kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về nguyên nhân sự cố gãy đổ cột điện trong thời gian vừa qua.
Ảnh một cột điện bị gãy do bão.
Kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống lưới điện trung và hạ áp trên toàn quốc có sử dụng cột điện bê tông cốt thép, trong đó có cột điện bê tông cốt thép ly tâm được đầu tư xây dựng bởi nhiều chủ thể khác nhau, diễn ra trong nhiều giai đoạn.
Các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật hiện hành về cơ bản là khá đầy đủ. Tình trạng gãy đổ các cột điện bê tông cốt thép, trong đó có cả các cột điện bê tông cốt thép ly tâm dự ứng lực được sản xuất trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân.
"Nguyên nhân khách quan là do số lượng cột điện bê tông cốt thép là rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
Nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bê tông cốt thép theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bê tông cốt thép hiện hành", Bộ Xây dựng nêu.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương là Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện một số, cụ thể:
Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các loại cột điện bê tông cốt thép hiện hữu đang khai thác trong hệ thống; có các biện pháp, kế hoạch và lộ trình phù hợp để gia cường, sửa chữa, thay thế các cột có nguy cơ không đảm bảo an toàn chịu lực trước mùa mưa bão.
Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp dựng, nghiệm thu và khai thác cột điện bê tông cốt thép.
Trong đó cần lưu ý quy định các đơn vị thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng cột bê tông cốt thép, trong đó có cột bê tông cốt thép ly tâm khi chế tạo, lựa chọn và thi công lắp dựng phải tuân thủ các quy định của TCQG hiện hành về thiết kế kết cấu, nền móng (gồm TCVN 5574: 2018 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, TCVN 2737: 1995 - Tải trọng và tác động…).
Bên cạnh đó, xem xét giao đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và năng lực phù hợp thực hiện tính toán kết cấu, lập bản vẽ thiết kế điển hình đối với các loại cột điện bê tông cốt thép để đảm bảo an toàn và đồng bộ.
Trước đó, theo thống kê của EVNCPC, bão số 5 làm hỏng 616 cột điện ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trong đó 304 cột bị gãy, 169 cột đổ, 143 cột nghiêng. Trong 304 cột gãy có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Pháp luật và Bạn đọc