Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án quản lý phí bảo trì chung cư
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, mức thu 2% ở một số chung cư không hề nhỏ, và tranh chấp quỹ bảo trì thường xảy ra ở những nơi có số thu lớn. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ để chống lạm dụng tiêu cực.
Ngày 24/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, qua tổng hợp số liệu của 40 địa phương, đến thời điểm ngày 31/3, có 11 địa phương còn tranh chấp, khiếu nại, trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TPHCM. Liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, Hà Nội có 39 tòa, còn tại TPHCM là 15 tòa có tranh chấp.
Nguyên nhân theo Bộ trưởng, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng. Vì thế họ không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.
Sau khi bán căn hộ lại tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì.
Chất vấn tại phiên giải trình, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nêu: Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình. Vậy chủ đầu tư thu một lần của người dân trong 20 năm đầu đã hợp lý chưa? Việc này có tạo gánh nặng cho người dân khi mua nhà hay không?
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Hà cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, mức kinh phí bảo trì thường vào khoảng 0,08 - 0,1%/năm để nhà chung cư vận hành bình thường, an toàn. Trên cơ sở đó, mức tính thu trong 20 năm là 2%. Quy định thu một lần cũng kế thừa kinh nghiệm thực hiện ở nhiều nước, còn sau 20 năm nếu thấy cần thiết thì thu thêm.
Tuy nhiên, trước ý kiến này, Bộ sẽ ghi nhận, tính toán hợp lý hơn và có thể xem xét, giảm mức thu xuống 10 - 15 năm. Còn lý do giao cho chủ đầu tư thu, theo Bộ trưởng Hà, điều này sẽ thuận tiện hơn. Nếu chủ đầu tư chậm, hoặc bàn giao thiếu quỹ bảo trì sẽ xử lý nghiêm khắc. Song việc này cần công khai minh bạch để hạn chế tiêu cực.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất thêm hai mô hình: Chủ đầu tư tự thực hiện bảo trì, vận hành và thành lập Ban quản trị chuyên nghiệp. Tại hội nghị nhà chung cư lần đầu, người dân sẽ quyết định lựa chọn theo mô hình nào.
Cũng liên quan đến quỹ bảo trì, đại biểu Ngô Trung Thành (Ðắk Lắk) băn khoăn trước tình trạng tranh chấp phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nhiều điểm nóng về vấn đề an ninh trật tự, nhiều nơi người dân còn căng băng rôn khẩu hiệu. Ðặc biệt các tranh chấp thường xảy ra ở những nơi có quỹ bảo trì lớn, thậm chí có nơi lên đến 160 tỷ đồng.
“Chung cư Carina tại TPHCM vừa qua cháy có việc chủ đầu tư còn nợ 20 tỷ đồng quỹ bảo trì, chưa bàn giao cho Ban quản trị. Vậy số tiền nợ đó có ảnh hướng tới việc đảm bảo an toàn phòng cháy hay không? Trách nhiệm của chủ đầu tư về khoản nợ này thế nào?”, ông Thành nêu.
Giải trình, Bộ trưởng Hà cũng cho rằng, mức thu 2% ở một số chung cư không hề nhỏ, và tranh chấp quỹ bảo trì thường xảy ra ở những nơi có số thu lớn. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ để chống lạm dụng tiêu cực. Trong các quy định pháp luật đã nói rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Với việc phòng cháy chữa cháy, theo ông Hà, ở những nơi trong thời hạn bảo hành 5 năm thì không sao, còn sau 5 năm mà không có quỹ bảo trì thì sẽ “có vấn đề”.
Tiền phong