Bộ Xây dựng hướng dẫn thủ tục đầu tư dự án Đại sứ quán Mỹ 1,2 tỷ USD
Về thủ tục đầu tư xây dựng Trụ sở mới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trên ô đất D30 khu đô thị mới Cầu Giấy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội cần làm rõ dự án có tính đặc thù không, cụ thể cần xác định công trình Đại sứ quán Hoa Kỳ có phải thuộc loại công trình bí mật nhà nước hay không?.
- 17-04-2022Bình Phước huỷ chủ trương lập quy hoạch dự án gần 1.800ha của Tập đoàn FLC
- 16-04-2022Coteccons "bắt tay" với Charm Group triển khai dự án ở Hồ Tràm
- 16-04-2022Việt Nam sắp xuất hiện chuỗi 10 dự án bất động sản trị liệu chuyên sâu
Xác định có phải loại công trình bí mật nhà nước hay không?
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng Trụ sở mới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trên ô đất D30 khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy).
Về việc này, Bộ Xây dựng cho biết, UBND TP Hà Nội cần làm rõ dự án có tính đặc thù không, cụ thể cần xác định công trình Đại sứ quán Hoa Kỳ có phải thuộc loại công trình bí mật nhà nước hay không?.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cần nghiên cứu các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Luật Xây dựng hay không?.
Công trình khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ xây dựng tại Hà Nội trên ô đất rộng 3,2 ha sở hữu 4 mặt tiền tại quận Cầu Giấy, vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD.
Trường hợp công trình không thuộc loại công trình bí mật nhà nước, không có các điều ước quốc tế khác với Luật Xây dựng thì thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.
Cụ thể, về giấy phép xây dựng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) thì “Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
“Với những thông tin tại văn bản số 238/UBND-ĐT thì công trình thuộc dự án Trụ sở mới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội không thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, trừ trường hợp được xác định đây là công trình bí mật nhà nước, thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 57 Nghị định số 15/2021 của Chính phủ”, Bộ Xây dựng cho biết.
Do đó, để có đủ cơ sở xác định công trình bí mật nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 để được hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Luật số 62/2020/QH14 thì “Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội căn cứ hồ sơ pháp lý của dự án để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ (nếu có).
Về thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Xây dựng cho biết, nếu xác định đây là công trình bí mật nhà nước, đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 2, khoản 3 Điều 57 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Trường hợp còn lại, căn cứ vào nguồn vốn, quy mô dự án, cấp công trình, chủ đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
Trụ sở mới có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD
Hồi tháng 8/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chứng kiến lễ ký thoả thuận thuê đất phục vụ việc xây khu phức hợp đại sứ quán Mỹ mới, để tạo nên một biểu tượng cho quan hệ đối tác hai nước.
Diện tích của khu phức hợp vào khoảng 3,2 ha, với quy mô xây dựng khoảng 39.000 m2, và tổng ngân sách dự án là 1,2 tỷ USD, do hãng EYP Architecture & Enginerring thiết kế.
Mô hình thiết kế khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ nằm trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: EYP Architecture & Engineering. |
Theo thông tin từ Đại sứ quán Mỹ, thiết kế tòa nhà lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long nằm ở phía đông bắc Việt Nam, và thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, năng động, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Thiết kế cảnh quan của Khu phức hợp Đại sứ quán lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của đồng bằng sông Mekong và đồng bằng sông Hồng, có sự kết nối với lịch sử vốn có của khu vực mà Khu phức hợp tọa lạc, nơi vốn một cánh đồng lúa hồi đầu những năm 2000. Công trình sẽ là minh chứng cho sự tiên phong về tính bền vững môi trường và khả năng thích ứng với khí hậu.
Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết, dự án đang trong quá trình thiết kế nhằm kết hợp chặt chẽ các yếu tố về kiến trúc, an toàn và yêu cầu về quy mô để tạo ra một không gian làm việc đảm bảo an ninh, hiện đại và bền vững cho các cơ quan và nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Mỹ đánh giá, công trình trụ sở mới là biểu trưng cho dấu mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ dự kiến xây dựng tại Hà Nội là một không gian đô thị hiện đại thể hiện văn hóa và sức sống của thành phố. Trụ sở Đại sứ quán mới sẽ đảm bảo rằng cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Hà Nội sẽ được đặt ở một vị trí có thể hỗ trợ và trở thành biểu tượng của sự hợp tác, tình hữu nghị, và phát triển cho nhiều năm tới”, thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ nêu…
Tiền phong