MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Xây dựng lý giải nhà ở xã hội thiếu và chậm phát triển

12-01-2021 - 10:59 AM | Bất động sản

Bộ Xây dựng lý giải nhà ở xã hội thiếu và chậm phát triển

Theo Bộ Xây dựng, trong khi quỹ nhà ở xã hội đã thiếu nhưng nhà xây dựng xong lại "án binh bất động" đợi phê duyệt qua bao nhiêu bước mới được bán thì đây chính là lãng phí, không đi theo quy luật thị trường.

Lý giải nguyên nhân việc chậm phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nhà ở xã hội của Việt Nam không giống thông lệ của các nước đi theo nền kinh tế thị trường. Bởi trong khi quỹ nhà ở xã hội đã thiếu nhưng nhà xây dựng xong lại "án binh bất động" đợi phê duyệt qua bao nhiêu bước mới được bán thì đây chính là lãng phí, không đi theo quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam quy định người mua nhà ở xã hội có tới 11 nhóm đối tượng cũng là chưa hợp lý. Chưa kể đến còn nhiều thủ tục đi kèm từ duyệt hồ sơ được mua nhà cho đến phê duyệt giá bán nhà.

“Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp ở các địa phương phản ánh về việc phê duyệt giá nhà ở xã hội để bán mà mất tới mấy tháng. Điều này rất vô lý, bởi khi nhà đã xây xong thì phải cho bán, bán sớm càng tốt để người dân được cải thiện chỗ ở và doanh nghiệp thu tiền, có vốn thực hiện dự án mới. Những lúc này, chúng ta nên sử dụng quyền hậu kiểm, đắt thì trả lại, thiếu thì thu thêm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng  Hà, các đối tượng chính sách hiện nay đều có chương trình nhà ở riêng. Ví dụ, nhà ở cho người có công là theo chương trình riêng của Chính phủ, nhà ở cho người dân vùng lũ lụt thiên tai hay hộ nghèo nông thôn, nhà ở sinh viên… cũng vậy. Các loại hình nhà ở này không nên gộp chung vào là nhà ở xã hội.

“Muốn thay đổi tư duy về nhà ở xã hội, cần phải trở lại nguyên lý thị trường, giải quyết vấn đề cung - cầu. Đòi hỏi về nguồn cung tức là thị trường cần phải có đủ quỹ nhà ở để bán với mức giá hợp lý, diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Trong đó, nhà thương mại giá thấp chính là lựa chọn phù hợp với thực tiễn bởi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố liên quan”, ông Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, cái khó nhất của Bộ Xây dựng hiện nay là không có trong tay công cụ nào liên quan, bởi từ đất đai, nguồn vốn… đều không thuộc thẩm quyền của Bộ. Hay như việc phê duyệt dự án lại do địa phương thực hiện. Công cụ duy nhất là quy hoạch nhưng khi phê duyệt thì phải có quyết định của cả hội đồng lớn nhưng sau đó vẫn điều chỉnh được.

Liên quan đến hỗ trợ người mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đề xuất chính sách ưu đãi. "Trên thế giới nhiều quốc gia cũng hỗ trợ người dân mua nhà, đơn cử như Mỹ, họ cho người dân vay tiền mua nhà với lãi suất thấp bằng 1/4 lãi suất bình quân chung. Hay như mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức và quỹ tiết kiệm nhà ở của Hàn Quốc cũng dành sự hỗ trợ khá tốt cho người dân vay mua nhà", lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó có 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và 2,3 triệu m2 cho công nhân ở khu công nghiệp. So với yêu cầu, nhà ở xã hội mới giải quyết được 41,5%.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên