Bộ Xây dựng: Nhiều dự án 'treo' do nóng vội phát triển đô thị
Bộ Xây dựng cho rằng, do một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán chính xác các yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, quy chuẩn theo quy định, nhất là đối với các công trình hạ tầng.
- 12-08-2018TP.HCM: Tăng hơn 3 nghìn ha đất cho các dự án hạ tầng, huỷ bỏ những dự án treo dai dẳng
- 20-07-2018TP.HCM: Phải rà soát lại giải quyết dứt điểm dự án treo, trả lại quyền lợi cho người dân
- 17-07-2018Đề nghị xóa dự án treo ở Phú Quốc
Chủ quan, nóng vội trong phát triển đô thị
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội trong việc đề nghị xử lý các quy hoạch kéo dài, quy hoạch treo.
Theo Bộ Xây dựng, thực trạng quy hoạch "treo” hay dự án "treo ” là hiện tượng khá phổ biến ở một số địa phương. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng chưa có số liệu thống kê đầy đủ về “quy hoạch treo” trên phạm vi cả nước .
“Quy hoạch treo không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân mà còn làm giảm hiệu quả, chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong xã hội”, công văn của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dự án treo”, Bộ Xây dựng cho rằng là do khi lập quy hoạch còn chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin hiện trạng và thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác.
Quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa hoặc không xác định các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, công viên, trường học …) và đền bù giải phóng mặt bằng.
Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Một số nhà đầu tư do không quan tâm hoặc không đủ năng lực tài chính nên mới chỉ chú ý đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, dịch vụ mà chưa tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong khu vực dự án và công trình hạ tầng kết nối dự án với các khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng do một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán chính xác các yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, nhất là đối với các công trình hạ tầng.
Ngoài ra, các địa phương còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng đô thị nên dẫn đến việc dự án bị treo nhiều năm.
Hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn
Để khắc phục tình trạng "dự án treo" gây bức xúc dư luận hiện nay, Bộ Xây dựng yêu cầu chính quyền các địa phương cần rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.
Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.
Cụ thể hóa các quy định các văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương trong việc tham gia của cộng đồng dân cư; việc giám sát của người dân và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; phổ biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch và kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.
Còn đối với các các Bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; về sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thành và trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP...) cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông đô thị.
Tiền phong