MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Xây dựng thanh tra diện rộng quỹ đất nhà xã hội tại hàng loạt đô thị lớn

24-11-2021 - 09:05 AM | Bất động sản

Bộ Xây dựng thanh tra diện rộng quỹ đất nhà xã hội tại hàng loạt đô thị lớn

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng thanh tra chuyên đề diện rộng về việc thực hiện dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tại 11 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ. 

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Xây dựng thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản tại UBND 3 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.

Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.

Chuyên đề thứ nhất về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chuyên đề thứ hai là thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển NƠXH theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Liên quan đến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, Nghị định 100 quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương cũng cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh không có dự án dưới 10ha dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, còn Hà Nội chỉ có 8/124 dự án thực hiện quy định này.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 để thay thế cho Nghị định 100/2015/NĐ-CP về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận tại Nghị định 49 là tránh được tình trạng chủ đầu tư "lách luật" để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội.

Liên quan đến vấn đề phí bảo trì chung cư, trong năm 2021 lần đầu tiên Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện việc thanh tra tại nhiều dự án ở Hà Nội và TP.HCM. Một số sai phạm được chỉ ra như tại chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư nay là Công ty CP Tập đoàn Videc đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định, tính đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn "om" hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, để xử lý hàng loạt vi phạm của Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô - chủ đầu tư 2 dự án CT2-105 khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại HPC Landmark) và dự án Hanoi Homeland, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan

Thanh Ngà

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên