Bộ Y tế nói gì vụ học phí trường Y Dược tăng đến 70 triệu đồng/năm?
Đại diện Bộ Y tế hôm qua, đã lên tiếng trước thông tin về mức học phí tăng "khủng" của trường ĐH Y dược thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Trước đó, trường ĐH Y dược TPHCM được cho là áp dụng mức học phí ngành y đa khoa lên đến 68 triệu đồng/năm, ngành Răng – Hàm – Mặt lên đến 70 triệu đồng/năm, đối với sinh viên khóa mới (vào trường năm 2020).
Ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, cá nhân ông chỉ nắm được thông tin này sau khi đọc báo. Trường ĐH Y dược TPHCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị được bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Do trường được phép tự chủ về chi thường xuyên, nên không cần phải báo cáo Bộ Y tế khi xây dựng mức thu học phí.
Tuy nhiên, do dư luận xôn xao về mức học phí này, Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này như thế nào, bao gồm bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học.
Ông Thắng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên sẽ xây dựng mức học phí như thế nào. Theo ông Thắng, trong 11 trường đào tạo y dược trực thuộc Bộ Y tế, có 2 đơn vị được quyền tự chủ với các mức độ khác nhau.
Cụ thể, trường ĐH Y dược Cần Thơ được tự chủ từ năm 2018 theo Nghị quyết 77 ban hành năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; trường ĐH Y dược TP.HCM được tự chủ chi thường xuyên từ năm 2020 theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018.
Ông Thắng cho hay, hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ GD&ĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.
Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do Bộ GD&ĐT ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần (Theo nghị định 86 của Chính phủ quy định về học phí).
Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật do trường ban hành. Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.
Theo thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%, trong đó tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp chiếm 25%, còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết, các quỹ…”Giờ chúng tôi chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không.
Vì để xây dựng giá học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kĩ thuật nhưng hiện chưa có bảng đó nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì”, ông Thắng nói. Mặc dù vậy, trưởng phòng Tài chính sự nghiệp của Bộ Y tế đánh giá, mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, không chỉ riêng trường ĐH Y dược TPHCM, mà học phí nhóm ngành y khoa ở nhiều trường ĐH khác cũng ở mức khá cao. Học phí Khoa Y - ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 55 triệu đồng/năm.
Tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện đang thu hai mức học phí. Theo đó, sinh viên không có hộ khẩu ở TPHCM sẽ phải đóng học phí cao hơn, 605.000 đồng/tín chỉ, tương đương 23,6 triệu đồng/năm/sinh viên. Sinh viên có hộ khẩu TPHCM sẽ đóng 305.000 đồng/tín chỉ, tương đương 11,8 triệu đồng/năm.
Đối với các trường ngoài công lập, ngành Y cũng là ngành có học phí đắt đỏ nhất so với ngành còn lại.
Hiện ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược Phạm Ngọc Thạch chưa được tự chủ nên mức học phí vẫn tuân theo Nghị định 86 của Chính phủ.
Tiền Phong