Bộ Y tế: Tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.
Nhiều người dân tự ý dùng thuốc Tamiflu để điều trị cúm
Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các Viện/Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các ngành về việc tăng cường giám sát kê đơn, sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm.
Theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin truyền thông về việc người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir để điều trị cúm.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh Tamiflu là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ; không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc.
"Đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế"- Văn bản khẩn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh do Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa ký ban hành nêu rõ.
Do đó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng virus để điều trị cúm.
Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều trị cúm theo các Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ Y tế
Chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả, đặc biệt với thuốc kháng virus để điều trị cúm.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh cúm, hiện nay, không ít người dân tự mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm tại nhà, theo tìm hiểu của phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, chủ nhà thuốc tại đường Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày hiệu thuốc của chị bán hàng trăm đơn thuốc điều trị cúm A.
Tuy nhiên, mấy ngày gần đây nhu cầu mua thuốc tăng cao khiến nhiều loại thuốc khan hiếm, giá cả các loại thuốc cũng biến động. Trước đây, một hộp Tamiflu chỉ có giá 500.000 đồng, tuy nhiên hiện nay đã lên hơn 600.000 đồng, thậm chí giá bán lẻ ngày 29/7 là 750.000 đồng. "Giá đắt nhưng cũng không có thuốc để bán", chủ nhà thuốc nói.
BS Vũ Quốc Đạt, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm (Đại học Y Hà Nội), thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO khuyến cáo người dân không nên tự ý mua Tamiflu để điều trị bệnh cúm, vì thuốc Tamiflu hiện nay chủ yếu sử dụng đối với bệnh nhân mắc cúm nặng, hoặc đối tượng có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
"Với những người không có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu không cần thiết.
Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách, sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Giống như vi khuẩn, virus cũng có khả năng kháng thuốc điều trị, nên việc sử dụng Tamiflu quá mức có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng"- BS. Vũ Quốc Đạt nói.
Không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Theo Bộ Y tế hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây, tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao, từ đầu năm 2022 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...).
Tuy nhiên để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế ngày 29/7 đã có văn bản hoả tốc yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ chỉ đạo tăng cường việc khám sàng lọc các trường hợp viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi, giám sát các trường hợp nhập viện, ca bệnh nặng, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong, thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm hoặc chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Báo cáo kịp thời về Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khi phát hiện các trường hợp bất thường.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh.
Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già và trẻ em nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sức khoẻ và đời sống