Bốn nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA thấp
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn ODA của Bộ KH&ĐT cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn ODA thấp là do tính sẵn sàng của các dự án thấp.
Bộ KH&ĐT cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2019 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 60.000 tỷ đồng. Đến nay đã giao kế hoạch đầu tư vốn với tổng số vốn nước ngoài là 32.949,837 tỷ đồng, đạt 54,9% kế hoạch Quốc hội giao.
Về giải ngân, ước lũy kế giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ NSTW 6 tháng đầu năm đạt 4.179,707 tỷ đồng, đạt 6,9% kế hoạch Quốc hội giao và 12,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mức giải ngân này thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 8/59 địa phương được giao kế hoạch vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân trên 30%. 11 bộ ngành trung ương được giao kế hoạch vốn đều giải ngân dưới 30%; 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, trong những tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/1/2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; tiếp tục rà soát, xây dựng báo cáo tổng thể và phương án xử lý những tồn đọng trong phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn vốn nước ngoài trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 tại một số bộ, ngành, địa phương.
Lý giải về nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ KH&ĐT cho biết, có 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do vướng mắc trong công tác Kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài. Theo đó, đến hết tháng 6/2019, Kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2019 mới giao được 54,7% số vốn Quốc hội phân bổ.
Nguyên nhân giao chậm là do thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ vốn nước ngoài (đơn cử, Bộ GTVT hiện chỉ đề xuất dự kiến giải ngân 9.313,847 tỷ đồng/14.480 tỷ đồng kế hoạch được Quốc hội phân bổ); Hết hạn mức KH trung hạn, phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung; Dự án mới ký kết hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa có cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm; Dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay (nhiều dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị, hiện 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nên mặc dù có dự án có khả năng giải ngân rất cao như Tuyến đường sắt số 1 TPHCM…)
Thứ hai, theo Bộ KH&ĐT là do tính sẵn sàng của các dự án thấp. Thực tế cho thấy, nhiều dự án được bố trí kế hoạch đủ kế hoạch vốn nhưng không thể giải ngân được do những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, gia hạn hiệp định, chậm phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; đấu thầu chậm trễ (ví dụ như dự án Mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Dự án giao thông đô thị Tp. Hải Phòng; Dự án Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ; Xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, Xây dựng trường Đại học Dược Hà Nội...)
Nguyên nhân thứ 3, theo Bộ KH&ĐT là do vướng mắc trong thủ tục và thẩm định cho vay lại và nguyên nhân thứ 4 đến từ vướng mắc trong thủ tục giải ngân, rút vốn.
Hải quan