Bồn tắm nóng kiểu Nhật - loại hình kinh doanh độc đáo đang nở rộ khắp châu Á, có tiềm năng phát triển thành thị trường 77 tỷ USD
Những bồn tắm nước nóng kiểu Nhật hay còn được gọi là "onsen" đang là một xu hướng kinh doanh đang rất được ưa chuộng tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Các công ty thường "chào mời" về những "điều kỳ diệu" của việc ngâm mình trong bồn nước nóng.
- 21-04-2019Nhật muốn “siết gọng kìm” quản lý các đại gia công nghệ nước ngoài
- 20-04-2019Triều đại mới ở Nhật Bản trở thành thời cơ vàng cho kinh doanh
- 19-04-2019Nỗi ám ảnh mang tên 'chi tiêu tiết kiệm từng xu' hằn sâu trong mỗi người Nhật: Giám đốc cúi đầu xin lỗi vì tăng giá sản phẩm, người dân cắt đôi gói giấy ăn để dùng được nhiều lần hơn
Loại hình thư giãn này ngày càng được ưa chuộng bởi việc sử dụng phòng tắm chung là một nét văn hoá độc đáo của văn hoá "furo" (tắm) của Nhật Bản khiến khách du lịch cảm thấy thú vị sau khi đến thăm đất nước này.
Theo Viện Sức khoẻ Toàn cầu, thị trường bể tắm nóng trên toàn cầu trị giá 56 tỷ USD trong năm 2017, tăng khoảng 10% so với năm 2013. Trong đó đã bao gồm chi phí thuê phòng, đồ ăn uống và những khoản tương tự. Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang là thị trường phát triển mạnh nhất. Viện nghiên cứu này dự đoán sẽ tăng lên tới gần 40%, lên 77 tỷ USD vào năm 2022. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng một nửa con số trên.
"Cuộc chiến" cạnh tranh giữa những nhà kinh doanh bồn tắm nóng ở khu vực đã trở nên căng thẳng hơn, nhằm thu hút khách hàng. Gokurakuyu Holdings, hiện quản lý khoảng 40 phòng tắm trên khắp Nhật Bản, đã mở một "siêu sento" tại tỉnh Trường Xuân, phía đông bắc Trung Quốc, vào cuối tháng 1. Sento trong tiếng Nhật có nghĩa là phòng tắm công cộng.
Các du khách đang thư giãn tại khu nghỉ dưỡng của Gokurakuyu ở Trường Xuân, Trung Quốc.
Ngoài phòng tắm ở Trường Xuân, Gokurakuyu còn quản lý trực tiếp hoặc nhượng quyền 8 phòng khác ở Trung Quốc, tại Thượng Hải, Vũ Hán, Thanh Đảo và những địa điểm khác. Công ty này có kế hoạch nâng con số trên lên 14 vào cuối năm nay, mở thêm phòng tắm tại Thượng Hải, Tô Châu,...
Phòng tắm rộng 14.500m2 ở Trường Xuân có rất nhiều cách thức để giúp khách hàng có cảm giác ấm áp, ngoài những bồn tắm cơ bản. Nơi này còn có phòng tắm hơi và "bedrock bath" trên giường đá nóng tự nhiên. Hơn nữa, họ còn thiết kế một nhà hàng và "lounge". Vé vào cửa cho mỗi người là khoảng 16 USD. Để xây dựng một phòng tắm đúng chuẩn Nhật, địa điểm ở Trường Xuân phải sử dụng một thiết bị của Nhật để loại bỏ những khoáng chất.
Không bỏ lỡ cơ hội, một công ty của Trung Quốc cũng vừa bước vào thị trường mới "chớm nở" này, đó là Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Suối nước nóng và Nước khoáng nóng Trùng Khánh. Cho đến nay, công ty này đã mở cửa nhiều cơ sở với nhiều loại bồn tắm khác nhau, như bồn tắm ngoài trời, bồn tắm khoáng tạo bọt và trị liệu, tại Bắc Kinh, Thiên Tân và các thành phố khác. Theo công ty này, họ đã thực hiện tới 70 dự án vào năm 2018, thuê các nhà thiết kế và cố vấn Nhật Bản để mang đến cho khách hàng trải nghiệm đúng "chuẩn Nhật".
Tại Đài Loan, các khách sạn có xây dựng bồn tắm nóng chính là điểm thu hút của họ. Hoshino Resorts sẽ khai trương một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng vào mùa hè này, Hoshinoya Guguan, tại Đài Trung. Đây là công ty Nhật Bản đầu tiên thâm nhập vào thị trường này, tạo bước đột phát mạnh mẽ. Hoshinoya Guguan có 50 phòng nghỉ, đều được xây dựng các bồn tắm ngoài trời, nguồn nước thiên nhiên được khai thác trực tiếp. Được bao quanh bởi những ngọn núi, khu nghỉ dưỡng này còn có một lối đi bộ tới một bể tắm nóng chung.
Thị trường bồn tắm nóng đang dần nở rộ.
Tập đoàn Forte Hotel đã khai trương Yamagata Kaku - một khách sạn suối nước nóng với phong cách thiết kế Nhật Bản, tại quận Nghi Lan, Đài Loan. Ngoài ra, chuỗi khách sạn danh tiếng Marriott International đã mở một khách sạn với bồn tắm nóng tại địa điểm này hồi năm 2017.
Hiện tại, Đài Loan đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các địa điểm kinh doanh bồn tắm nóng nhằm thu hút khách du lịch. Theo Bộ Giao thông Vận tải Đài Loan, có 125 công ty kinh doanh loại hình này đã nhận được khoản hỗ trợ từ chính phủ từ năm 2010 đến năm 2015.
Những khách sạn với bồn tắm nóng hay nhà tắm công cộng thường đón lượng khách lớn vào mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, các công ty ở Đông Nam Á vẫn tích cực đầu tư dù thời tiết ở địa điểm này khá ấm áp. Siam Wellness Group, một công ty Thái Lan điều hành các spa ở nước này, đã khai trương một phòng tắm với bồn đá và khu lounge với nền chiếu tatami tại Bangkok từ năm 2016. Tại Singapore, một công ty của Nhật Bản cũng đưa Yunomori Osen & Spa đi vào hoạt động cùng năm đó.
Một nhà nghiên cứu về spa, Tomonori Maruyama, cho hay: "Kể cả ở những đất nước có khí hậu nhiệt đới, mọi người cũng có thể giúp cơ thể đổ mồ hôi và thư giãn trong bồn tắm nóng.
Loại hình thư giãn này rất phổ biến, đặc biệt là giới nhà giàu."