Bóng đá trẻ Việt Nam thất bại: Vết xước trên chiếc Lamborghini hay lỗ hổng thân đê?
Đau đớn - đấy là cảm xúc của người hâm mộ bóng đá Việt Nam sau thất bại của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. "Cơn đau" ấy báo hiệu điều gì?
1. Trên đấu trường châu Á và Đông Nam Á, thầy trò HLV Park Hang-seo đang băng băng đi với sự xuất sắc của những Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu... Trước trận đại chiến lịch sử với Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, cũng như SEA Games 30 sẽ diễn ra vào cuối năm nay, thất bại của U18 Việt Nam mang lại nỗi buồn khó tả, bởi đã từ khá lâu, người hâm mộ nước nhà đã quá quen với chiến thắng, với thành công.
Trong thất bại ấy, vẫn còn đó sự may mắn khi lứa U18 Việt Nam sẽ có cơ hội "làm lại" sau vài tháng nữa, ở vòng loại U19 châu Á diễn ra trên sân nhà. Từ ngày 2 đến 10/11, Việt Nam sẽ nhà chủ nhà của bảng J, với sự góp mặt của Nhật Bản, Mông Cổ và đảo Guam.
Ở đó, trước một Nhật Bản vốn từ lâu đã nằm trong top châu lục, U19 Việt Nam - với nòng cốt là lứa U18 vừa thất bại thảm hại trước Campuchia, phải nhường chiếc vé vào bán kết cho Malaysia, sẽ phải tìm cách vượt qua hai đội bóng trẻ còn lại, đồng thời cầu mong vận may sẽ "hỏi thăm" mình để có được một trong 4 tấm vé đi tiếp bằng suất nhì xuất sắc, giữa 11 đội nhì bảng của 11 bảng đấu.
Nhưng chúng ta lấy gì để thực hiện mục tiêu ấy? Liệu khoảng thời gian 7 tuần có là đủ để biến một đội tuyển thiếu tự tin, suy sụp về mặt tâm lý trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn trở thành những Quang Hải, Công Phượng "phẩy" trong tay nhà cầm quân sắp được VFF bổ nhiệm, trở thành một đoàn quân mạnh mẽ, với lối chơi sắc nét, cùng ý chí kiên cường như lứa U19 của Quang Hải, Văn Hậu ngày nào, như lứa U23 từng cùng thầy Park đoạt ngôi Á quân châu lục?
Khó. Rất khó. Bởi thất bại ngày hôm nay của HLV Hoàng Anh Tuấn cùng lứa U18 Việt Nam không chỉ là "vết xước" trên chiếc Lamborghini bóng loáng mang tên "bóng đá Việt Nam", mà nó là hệ quả của chính sách đào tạo trẻ đang tạo ra một lỗ hổng khổng lồ ngay dưới chân những chiến tích lẫy lừng của lứa cầu thủ đàn anh.
2. Sau lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn... HAGL của bầu Đức chưa cho thấy lứa kế cận có tiềm năng ít nhất là tiệm cận với lứa đàn anh. Trong danh sách U18 Việt Nam dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn, đội bóng phố Núi chỉ có duy nhất một cái tên - Nguyễn Nhĩ Khang. CLB Hà Nội của những Quang Hải, Văn Hậu, Thái Quý... ngày nào, giờ cũng chỉ có vỏn vẹn cái tên Vũ Tiến Long góp mặt. Cả hai cái tên ấy đều không được ra sân trong trận then chốt gặp U18 Campuchia hôm qua.
Trong khi đó, Xuân Tạo - "tiểu Công Phượng", cầu thủ từng được HLV Giôm Graechen hết lời khen ngợi khi tỏa sáng ở giải U19 quốc tế 2019, cũng chỉ có thể làm tung lưới U18 Campuchia bằng... tay. Tệ hơn nữa, Bùi Tiến Sinh - cầu thủ đeo băng đội trường U18 Việt Nam, còn bị thay ra ngay trong hiệp thi đấu đầu tiên vì quá căng cứng về mặt tâm lý. Cả Xuân Tạo lẫn Tiến Sinh đều mới chỉ được "thử lửa" ở các giải U17, U18.
Còn nhớ gần 3 năm về trước, trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn dự VCK U19 châu Á là một loạt các cầu thủ trẻ, nhưng dày dặn kinh nghiệm trận mạc, từ Quang Hải đã là thành viên quan trọng của đội 1 Hà Nội T&T, cho đến Văn Hậu được đôn lên đội 1 khi chỉ mới có 18 tuổi, cho đến những cái tên đã quá quen thuộc như thủ môn Bùi Tiến Dũng, Hồ Tấn Tài, Thái Quý, Tiến Dụng, Triệu Việt Hưng, Phan Thanh Hậu, Hà Đức Chinh, Tiến Linh...
Không chỉ sau khi thành công cùng HLV Hoàng Anh Tuấn ở VCK U19 châu Á, để rồi góp mặt ở World Cup U20 2017, những cầu thủ trẻ ấy mới có "đất dụng võ", mà trước đó, họ đều đã được đầu tư rất nhiều, không chỉ tiền bạc, công sức, mà còn cả cơ hội được thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp.
Môi trường chuyên nghiệp không chỉ là điều kiện cần cho sự thành công của những cầu thủ U19 ngày ấy trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn, mà nó còn là điều kiện đủ để đi tiếp con đường mà nhà cầm quân người Khánh Hòa này vạch ra cho các học trò.
Trần Thành - tiền đạo ghi bàn thắng quyết định đem về chiếc vé dự World Cup năm nào cho U19 Việt Nam, đã thất bại ở Huế sau chuỗi ngày vinh quang ấy. Không chỉ thế, không ít những học trò ngày ấy của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đã "rơi rụng", để rồi "mất tích" ở ngay cả CLB của mình.
Phân tích về nguyên nhân thất bại của U18 Việt Nam, HLV Nguyễn Thành Vinh đánh giá: "HLV Hoàng Anh Tuấn đã làm hết sức mình, dồn rất nhiều công sức để chuẩn bị cho giải đấu, nhưng quân không tốt thì cũng rất khó cho tướng. Bản thân cầu thủ U18 Việt Nam không có được sự tự tin, phối hợp kém, không tạo được lối chơi tập thể rõ ràng.
Có thể HLV Hoàng Anh Tuấn muốn học theo sơ đồ chiến thuật giống với HLV Park Hang-seo áp dụng ở ĐTQG để sau này các em tiếp cận cách chơi tốt hơn. Đó cũng là một hướng hay, nhưng có lẽ cũng phải nhìn nhận xem chất lượng cầu thủ đến đâu. Chơi 3 trung vệ nhưng trình độ còn chênh lệch, bọc lót nhau chưa đủ tốt thì tương đối khó".
Có bột thì mới gột nên hồ. Ba năm về trước, HLV Hoàng Anh Tuấn đã may mắn có trong tay một lứa cầu thủ tài năng và được đầu tư kỹ càng, để rồi thành công, làm tiền đề cho những kỳ tích của HLV Park Hang-seo hiện tại. Còn bây giờ, mình ông Tuấn sẽ chẳng làm được gì, nếu bản thân lứa cầu thủ đang cầm trong tay còn quá nhiều "lỗ hổng", và trách nhiệm ấy phải chăng đến từ cả những lò đào tạo danh tiếng của bóng đá Việt Nam.
Trước giải đấu lần này, HLV Hoàng Anh Tuấn từng phát biểu: "Chúng tôi đặt mục tiêu đá đủ 7 trận...". Phát biểu ấy đang được trích lại để dè bỉu ông. Nhưng đoạn sau của phát biểu ấy, nhà cầm quân người Khánh Hòa nói rằng "...để tạo cơ hội cho cầu thủ được thi đấu 7 trận đấu quốc tế".
Ông Tuấn đã ra đi, ít ra là khỏi cương vị HLV trưởng U18 Việt Nam. Nhưng cái lỗ hổng to tướng dưới chân con đê thoạt trông thật hùng vĩ, đồ sộ mang tên "bóng đá Việt Nam" thì vẫn đang ở lại...
Trí thức trẻ