MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng dáng ''đại gia'' BĐS tại các ngân hàng

23-03-2022 - 19:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Bóng dáng ''đại gia'' BĐS tại các ngân hàng

Mối quan hệ thân thiết giữa các tập đoàn bất động và ngân hàng gần đây làm dấy lên lo ngại về tình trạng vốn tín dụng chảy vào sân sau của lãnh đạo nhà băng.

Tại tọa đàm "Nhận định cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, đã đưa ra một nhận định đáng chú ý khi cho biết mức độ cho vay của các ngân hàng đối với công ty sân sau Bất động sản đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Theo vị chuyên gia này, dòng tín dụng của ngân hàng đang tập trung vào các "sân trước, sân sau", chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn "sân sau" lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật của các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại.

Vấn đề cho vay sân sau cũng được cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo VIB - ngân hàng đầu tiên của ngành ngân hàng tổ chức ĐHCĐ 2022,. Giải đáp câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc VIB Ân Thanh Sơn khẳng định ngân hàng hoàn toàn không cho vay với các doanh nghiệp liên quan đến thành viên ban lãnh đạo, ban điều hành. Do vậy, báo cáo quản trị không có nội dung trên. Ông Sơn khẳng định: "VIB là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá không có cho vay "sân trước, sân sau" gì cả". Đồng thời, ông nhấn mạnh việc này được các cơ quan quản lý giám sát rất chặt chẽ.

Thực tế, quan hệ giữa các ngân hàng với các công ty liên quan với người nội bộ không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây. Trước đó, thị trường cũng chứng kiến nhiều vụ việc ngân hàng cho vay sân sau gây hậu quả nghiêm trọng như Sacombank với ông Trầm Bê, Oceanbank với ông Hà Văn Thắm hay ACB với ''bầu'' Kiên.

Trong những báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên khẳng định vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng vốn ngân hàng chảy vào sân sau của các doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo ngân hàng bắt đầu ''dậy sóng'' trở lại khi các ''đại gia'' bất động sản gia tăng ảnh hưởng tại nhà băng trong thời gian gần đây.

Mặc dù hiện tại, Thaiholdings và người nhà ông Thụy đã thoái hết cổ phần tại LienVietPostBank, song ''bầu'' Thụy vẫn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng và là cổ đông lớn, nắm giữ gần 25% cổ phần tại Thaiholdings.

Trước đó, NCB cũng thông báo bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Hương làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng vào tháng 7/2021. Đáng chú ý, bà Hương được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu NCB chỉ sau 1 tháng từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng Giám đốc của Sun Group – một tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam. 

Trước khi ghế chủ tịch NCB đổi chủ, thị trường chứng khoán đã ghi nhận một loạt giao dịch thỏa thuận ''khủng'' tại cổ phiếu NCB. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc cơ cấu cổ đông của ngân hàng này đã được thay máu với sự tham gia của Sun Group.

Kịch bản tại NCB khá tương đồng với Kienlongbank khi ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng này đổi chủ sau một thời gian thanh khoản và giá cổ phiếu tăng đột biến.

Cụ thể, cổ phiếu KLB của Kienlongbank cũng chứng kiến hàng loạt giao dịch thỏa thuận ''khủng'' trong quý IV/2020 với hơn 209 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương 34% lượng cổ phiếu lưu hành.

Ngay sau đó, vào đầu tháng 2/2021, Kienlongbank đã nhóm họp đại hội cổ đông bất thường để đưa bà Trần Thị Thu Hằng – Cựu CEO Sunshine Group - vào Hội đồng quản trị và sau đó tiếp quản vị trí Chủ tịch ngân hàng.

Hay gần đây nhất là sự xuất hiện của ''hình bóng'' Bamboo Capital tại Eximbank khi nhóm cổ đông này đã đưa thành công ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Capital – vào Hội đồng quản trị và ông Ngô Tony làm Trưởng Ban Kiểm soát.

Ngoài những cặp đôi kể trên, mối quan hệ thân thiết giữa ngân hàng và các công ty bất động sản còn phải kể đến Techcombank và Tập đoàn Masterise, SeABank và Tập đoàn BRG; HDBank và Tập đoàn Sovico, hay VPBank và MIK Group; SHB và T&T;…

Mặc dù quan hệ khăng khít giữa ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan với người nội bộ gây ra nhiều lo ngại. Tuy nhiên giới chuyên gia cũng cho rằng, bản chất mối quan hệ này không hẳn là xấu, mà đôi khi còn giúp dòng vốn ngân hàng luân chuyển và sử dụng hiệu quả hơn. Điều quan trọng là việc cấp tín dụng ngân hàng cho công ty sân sau phải tuân thủ đúng quy định của quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, không phải ông chủ doanh nghiệp nào cũng tham gia mua ngân hàng chỉ để hỗ trợ việc vay vốn. Khi mua lại TPBank, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Doji từng khẳng định với báo chí, Doji có thể góp hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vào TPBank, nhưng không kỳ vọng vay 100 triệu đồng từ ngân hàng này.

"Nhiều người nghĩ, cổ đông đầu tư vào ngân hàng là nhằm vay tiền dễ dàng hơn. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ Luật Các tổ chức tín dụng sẽ thấy, khi các cổ đông tham gia HĐQT, các cổ đông này không được vay tiền, thậm chí không được bảo lãnh, không được hỗ trợ tín dụng cho các công ty con. Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng TPBank là cổng tài chính của Doji. Chúng ta đã thấy bức tranh u ám của đầu tư chéo hiện nay và chúng tôi tuân thủ nguyên tắc: tránh hiệu ứng rủi ro kép", ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, tại Việt Nam, việc cổ đông chi phối ngân hàng (chiếm trên 51% cổ phần) là không thể xảy ra, bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Hơn nưa, cũng không có quy định nào cấm nhà đầu tư tham gia đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng không được đầu tư vào lĩnh vực khác.

Dù vậy, việc cổ đông hoặc nhóm cổ đông liên kết, lách quy định để thâu tóm ngân hàng là không khó. Các ông chủ ngân hàng hoàn toàn có thể bơm vốn cho công ty con bằng cách cho người khác đứng tên. Điều này càng có nguy cơ tái diễn khi thị trường sôi động và nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh trong những năm gần đây.

https://cafef.vn/bong-dang-dai-gia-bds-tai-cac-ngan-hang-20220323164411051.chn

Quang Hưng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên