MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bông hồng thép" võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games

31-05-2022 - 09:26 AM | Sống

"Bông hồng thép" võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games

Tốt nghiệp Đại học ngành mầm non nhưng Kim Vàng lại chọn gắn bó với Kickboxing để rồi từ đó tạo chiến tích ấn tượng với tấm HCV ngay lần đầu dự SEA Games.

NỖI ĐAU XÉ LÒNG CỦA NHÀ VÔ ĐỊCH

"Khi vừa về tới nhà, mẹ bảo đứa cháu ngày thường thì ngủ sớm nhưng hôm em đánh chung kết, đánh trễ mà nó vẫn ngồi theo dõi rồi còn lấy hộp sữa và cái muỗng ra gõ để cổ vũ cho em, nó tự động gõ rồi tự la lên vậy chứ có biết gì đâu. 

 Nó là đứa con của người chị gái ruột thứ 5 của em, chị đã qua đời năm ngoái vì Covid-19. Nghe mẹ nói vậy tự dưng em chảy nước mắt, nghĩ mà thương nó nhiều lắm", Huỳnh Thị Kim Vàng, võ sĩ Kickboxing giành HCV SEA Games 31 rơi nước mắt xúc động khi trở về quê nhà An Giang.

Kim Vàng là cô con gái thứ 5 trong gia đình có tất cả 6 chị em của vùng Tịnh Biên, An Giang. Võ sĩ sinh năm 1997 đã gây bất ngờ khi giành tấm HCV ở ngay lần đầu tham dự SEA Games 31.

Bông hồng thép võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games - Ảnh 1.

Kim Vàng rơi nước mắt sau khi giành HCV SEA Games 31 (ảnh: Tiền phong)

Tiếng gõ lon sữa của đứa trẻ lên ba và những giọt nước mắt sau trận chung kết SEA Games chứa đựng nỗi đau rất lớn của Kim Vàng trên con đường võ thuật. Để trở thành nhà vô địch, Vàng phải rất kiên trì, sở hữu tinh thần "thép" để vượt qua nỗi đau mất đi 2 người chị gái ruột trong khoảng thời gian ngắn vì dịch Covid-19.

"Chị gái thứ 5 của em mất ở Bình Dương vào đợt cao điểm dịch năm ngoái, vừa qua 100 ngày thì người chị gái thứ 2 mới sinh em bé được 6 tháng cũng qua đời, bỏ lại 3 đứa con. Lúc đó em đang tập trung trên đội tuyển, khi nghe tin như vậy thì nó như một cú sốc lớn đối với em. Em muốn về nhà, nghỉ luôn không tập luyện gì nữa.

Mẹ em cũng rất sợ và lo lắng nên có khuyên em nghỉ vì em ở Sài Gòn một mình nên có gì thì mẹ không biết phải làm sao. Lúc đó vẫn chưa có quyết định hoãn SEA Games nên đội vẫn tập bình thường.

Hồi Tết 2022 em đã về nghỉ ở nhà suốt hai tháng không lên lại đội tuyển nhưng các thầy gọi động viên, an ủi và bảo em lên tập luyện trở lại. Lên thì lên nhưng quả thật không có tinh thần, tập 3 buổi thì em nôn ói hết 2 buổi, không theo kịp cường độ như mọi người. Các thầy sau đó mới giảm nhẹ giáo án thì em mới dần theo kịp", võ sĩ quê An Giang kể về khoảng thời gian đối mặt với cú sốc về tinh thần.

Bông hồng thép võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games - Ảnh 2.

Tự nhận là người giàu cảm xúc, luôn hướng về gia đình nên khi hứng chịu nỗi đau quá lớn, Kim Vàng thật sự yếu lòng. Nhưng chính nỗi đau đó lại là động lực để "bông hồng thép" An Giang vượt qua nghịch cảnh, mang về niềm tự hào cho gia đình ở kỳ SEA Games được tổ chức tại Việt Nam.

GÁC BẰNG ĐẠI HỌC MẦM NON & VÔ ĐỊCH SEA GAMES

Gia đình Huỳnh Thị Kim Vàng là nông dân miền Tây "chính hiệu", đông thành viên nhưng chỉ vỏn vẹn hơn 1 công đất. Bố mẹ Vàng thường đi cấy mạ thuê kiếm tiền nuôi 6 chị em ăn học. Trước Vàng, cả 4 người chị đều không được học hành tới nơi, chỉ hết lớp 9 là nghỉ đi làm bươn chải kiếm sống.

Lẽ ra, Kim Vàng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nếu như không có năng khiếu võ thuật. Nhà vô địch SEA Games kể: "Hồi đó học lớp 8, em toàn trốn cha mẹ lén học võ chứ nhà không cho. Mới đầu em tập Võ cổ truyền, khi thi đấu ở giải tỉnh thì được võ sư Xuân Liễu phát hiện có năng khiếu nên đưa em vào đội tuyển. 

Khi vô đội tuyển năng khiếu thì em được trả lương 100 nghìn/tháng. Lúc thầy bảo đem giấy về cho gia đình ký tên thì em cũng giả chữ ký luôn, nhưng có sai sót gì đó nên thầy đến trực tiếp nhà đưa cho cha mẹ ký lại, lúc đó thì mẹ mới biết em học võ.

Vào cuối năm học lớp 9 mẹ muốn cho em nghỉ học để phụ gia đình như mấy chị nhưng lúc đó em xin mẹ tập trung vô đội tuyển năng khiếu để được vừa đi học, vừa được tập võ. Mới đầu mẹ cũng không chịu vì "con gái mà học cái này làm gì" nhưng dần dần thuyết phục mãi rồi mẹ cũng đồng ý".

Bông hồng thép võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games - Ảnh 3.

Khởi đầu với Võ cổ truyền, sau đó tiếp tục chuyển sang Pencak Silat, Muay Thai, Kim Vàng cho thấy sự đa năng của bản thân. Năm 2014, cô dính phải chấn thương nặng tưởng chừng như giã từ sự nghiệp. Đến khi quay lại, Vàng được các HLV gợi ý tập Kickboxing và từ đó gắn bó với bộ môn này đến tận bây giờ.

Dù thường xuyên bận rộn bởi lịch tập dày đặt của một võ sĩ nhưng Kim Vàng vẫn duy trì được việc học văn hóa, đặc biệt là tốt nghiệp đại học một ngành chẳng hề liên quan gì tới thể thao – sư phạm mầm non.

Kim Vàng cho biết cô đã nhận bằng Cử nhân Mầm non của Đại học Trà Vinh ngay trước thềm tập trung vô đội tuyển Kickboxing dự SEA Games 31.

"Trong nhà ai cũng bảo sao không đi xin dạy mầm non đi mà suốt ngày cứ tập trung đánh đấm. Có người chị gái thứ 3 đang làm ở Phú Quốc cũng nói ở đó đang thiếu người dạy mầm non, ra đó ở nhà chị và đi làm nhưng em không chịu vì xa nhà. Có bằng tốt nghiệp thì để đó sau này dùng tới chứ hiện tại việc tập luyện chiếm hết thời gian của em rồi nên đâu thể làm gì được", Kim Vàng chia sẻ.

Gác tấm bằng cử nhân Mầm non, "bông hồng thép" An Giang đã chọn Kickboxing để từ đó tạo ra dấu ấn lớn nhất cuộc đời. Trên hành trình giành tấm HCV SEA Games 31, Kim Vàng cho rằng không phải chung kết mà chính trận đấu với võ sĩ "khổng lồ" Thái Lan ở bán kết mới là bước ngoặt.

Bông hồng thép võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games - Ảnh 4.

Vàng lý giải: "Võ sĩ của Thái Lan họ ép ký xuống để thi đấu nên nhìn ngoại hình to hơn em. Về nhà ai cũng bảo sao đối thủ to vậy, lên đó có sợ không, nhắm mắt đánh đại hay sao? Em phải đôn ký lên nên thể lực bị ảnh hưởng, cảm giác bị ì rất nhiều. Nhưng đổi lại thì người dân Bắc Ninh cổ vũ nhiệt tình nên tinh thần mình "sung" hơn bình thường. Lúc đánh xong em không nghĩ mình thắng vì đối thủ quá to, khỏe nhưng cuối cùng thì mình thắng thật".

Còn vô chung kết thì cũng áp lực vì Kickboxing đặt chỉ tiêu 4 HCV, mà em lại là người mới tham dự, trước đó chị Hằng Nga và anh Tuấn đã giành HCV rồi nên em sợ nếu mình đánh không tốt, để thua thì sẽ ảnh hưởng đến toàn đội. Nhưng vô trận thì võ sĩ Philippines cũng ngang ngửa nên em tự tin thoải mái tinh thần chiến đấu theo chiến thuật của HLV ở dưới nhắc nhở và giành chiến thắng".

Mỗi tấm HCV của VĐV Việt Nam là một câu chuyện để thấy được họ đã cố gắng như thế nào để vượt qua khó khăn, vất vả mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.

Huỳnh Thị Kim Vàng cho biết khi chiến thắng và nghe được tiếng reo Việt Nam ở nhà thi đấu thì cảm xúc khó tả, tự hào vì nghĩ bản thân đã vừa làm được một điều gì đó cho đất nước, đồng thời ấn tượng trước tình cảm chân thành của những người dân Bắc Ninh đã cổ vũ cho các võ sĩ của Việt Nam.

"Ngày đầu mọi người chưa hiểu môn này là như thế nào nhưng sang ngày thứ 2 thì nhà thi đấu chật kín. Thậm chí có hôm đánh tới tận 23h khuya nhưng người dân vẫn ở lại xem. 

Thường thì khu vực giành cho VĐV phải có thẻ mới vào được nhưng ngày chung kết, mọi người vô đông quá hết chỗ nên mấy anh bảo vệ phải thu xếp để bà con ngồi vô khu vực của các VĐV ngồi chờ. Khán giả Bắc Ninh quả thật rất nhiệt tình và như một nguồn sức mạnh thứ 2 của các võ sĩ", Kim Vàng kể lại.

Bông hồng thép võ Việt: Gác bằng cử nhân mầm non, giành tấm HCV đẫm nước mắt ở SEA Games - Ảnh 5.

Dù bước lên đỉnh cao ngay lần đầu dự SEA Games nhưng khi đề cập đến tương lai liệu có gắn bó lâu dài với võ thuật hay không, câu trả lời của Kim Vàng vẫn bỏ ngỏ. Dường như nỗi mất mát quá lớn khiến người mẹ ở quê nhà không kìm lòng để con gái thường xuyên xa nhà, lăn lộn trên khắp võ đài.

"Mẹ muốn em nghỉ, không muốn mấy chị em đi làm ở xa nữa", Kim Vàng tâm sự. Lần trước, Kim Vàng đã tạm gác lại công việc giáo viên mầm non để chọn Kickboxing, lần này, nhà vô địch SEA Games vẫn đang suy nghĩ về đáp án cho hành trình tiếp theo của cuộc đời.

https://soha.vn/bong-hong-thep-vo-viet-gac-bang-cu-nhan-mam-non-gianh-tam-hcv-dam-nuoc-mat-o-sea-games-20220530184906135.htm

Theo Song An

Trí thức trẻ

Trở lên trên