MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng ma phong tỏa ám ảnh nước Mỹ khi số ca mắc Covid-19 tăng lên kỷ lục

17-11-2020 - 16:09 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ trong vài ngày, nỗ lực kéo dài nhằm hồi sinh nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19 đã bị tạm dừng hoặc đảo ngược trên hầu hết nước Mỹ khi số ca mắc mới liên tiếp phá kỷ lục.

Hôm 16/11, California đã tái áp dụng lệnh cấm đối với nhiều cơ sở kinh doanh trong nhà trên khắp tiểu bang. Thống đốc còn cảnh báo có thể sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm. Michigan đã ra lệnh đóng cửa một phần trong 3 tuần trong khi các bang khác như Oregon, Washington và New Jersey thắt chặt kiểm soát. Ngay cả thống đốc Iowa, người từ lâu luôn chống lại các quy tắc phòng dịch, cũng đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang.

Các quy định mới xuất hiện sau khi số ca mắc Covid-19 ở Mỹ tăng chóng mặt trong 10 ngày đầu tiên của tháng 11. Điều này dẫn tới những cảnh báo nghiêm trọng và vẽ ra một viễn cảnh tồi tệ về những ngày nghỉ lễ sắp tới. Người ta chưa nhìn thấy dấu hiệu cho thấy đợt dịch này đạt đỉnh và các viện dưỡng lão chính là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ellie Murray, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston, cho biết: "Cả đất nước như đang bùng cháy. Vì mọi người có thể truyền bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng nên rất nhiều người đang lây bệnh cho người khác mà không hề hay biết. Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát đợt bùng nổ này".

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc mới trung bình 7 ngày của Mỹ đã tăng 37%, mức tăng nhanh nhất kể từ khi dịch bệnh bùng lên ở Mỹ hồi cuối tháng 3. Pennsylvania ghi nhận mức gia tăng 14% trong tổng số các ca nhiễm. Ohio, Washington và Illinois lần lượt tăng 19, 11 và 18%. Riêng tại Michigan, tổng số ca mắc đã tăng 20%.

Tại California, số ca mắc mới được phát hiện mỗi ngày tăng hơn 51% trong tuần đầu tiên của tháng 11, nhanh hơn mức 39% trong đợt bùng phát dịch trước đó. "Tỷ lệ gia tăng ca nhiễm đang chưa từng có ở California. Số ca mắc mới tăng lên ở mọi độ tuổi, mọi vùng miền của tiểu bang", Thống đốc Gavin Newsom cho biết.

Chính vì số ca mắc tăng mạnh nên California, nơi sinh sống của 40 triệu người, đã ban hành các hạn chế chặt chẽ ở các hạt chiếm 94% dân số, bao gồm đóng cửa các khu ăn uống, phòng tập thể dục, nơi thờ tự và các rạp chiếu phim.

Trong đợt bùng phát dịch lần này, ổ dịch đã không bị cô lập ở một vài khu vực địa lý như các giai đoạn trước dịch. Số ca mắc tăng đồng thời ở các khu vực thành thị và nông thông, từ đông sang tây của nước Mỹ.

"Thứ này đang lan rộng như cháy rừng trên khắp đất nước. Tôi không muốn nhìn thấy những chiếc xe tải đông lạnh đi vào bang mình bởi chúng ta không muốn mất đi người thân yêu", Thống đốc Kentucky Andy Beshear cho biết trong cuộc họp báo và tuyên bố sẽ ban hành các biện pháp mạnh tay vào ngày 18/11 nếu như số ca mắc không giảm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ, vốn đã chịu nhiều tổn thương từ khi dịch bùng phát, tiếp tục phải đối mặt với thách thức mới. Những đợt bùng phát dịch được ví như những cú đấm liên tiếp, khiến khó khăn ngày càng chất chồng. Trong khi đó, các khoản trợ cấp của chính phủ để giữ cho các doanh nghiệp tồn tại đã không còn, điều này đặt ra những thách thức lớn.

"Hiện tại, chúng tôi sống dựa vào các khoản vay, tiền từ đối tác và tiền tiết kiệm của tôi. Việc của chúng tôi lúc này là làm sao để càng mất ít tiền càng tốt", Barry Gutin, chủ một nhà hàng ở Philadelphia, cho biết.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên