MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng ma xử lý hình sự Nguyễn Hà Đông và lời cảnh báo cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Trở thành một hiện tượng trong làng game Việt Nam, tiếng tăm vươn ra thế giới nhưng nếu câu chuyện Nguyễn Hà Đông bị xử lý hình sự có thật thì đây là câu chuyện rất buồn về môi trường kinh doanh Việt Nam.

Viết phần mềm game không phải là công việc chính mang lại thu nhập cho Hà Đông. Anh chỉ làm ngoài giờ hoặc những lúc rảnh rỗi khi kết thúc công việc ở cơ quan. Thế nhưng, tên tuổi của Hà Đông vươn ra cả thế giới lại đến từ một trong những sản phẩm game anh viết là Flappy Bird.

Chính Hà Đông cũng không ngờ rằng, game của anh lại có nhiều người chơi đến vậy và mang về thu nhập khủng lên đến hàng chục tỷ đồng. Ra đời năm 2011, sản phẩm này chỉ trở thành hiện tượng khi được tác giả đăng tải lên iTunes và iOS App Store vào đầu năm 2013.

Nhận được nhiều lời đề nghị từ các công ty game, hãng quảng cáo và quỹ đầu tư… song Hà Đông chỉ thích làm một người phát triển game tự do. Nhưng thật đáng buồn, Hà Đông bị cư dân mạng cáo buộc anh đánh cắp chất xám và cho rằng Flappy Bird là đồ nhái.

Sự sáng tạo có đang dần bị "bóp chết"

Chỉ sau một năm đăng tải, Hà Đông đã gỡ bỏ Flappy Bird khỏi hai hệ thống cửa hàng Google Play Store và iOS App Store. Không phải vì bị cáo buộc, Hà Đông lý giải rằng gỡ Flappy Bird vì nó đang gây nghiện và anh không muốn điều đó.

Chia sẻ về câu chuyện của Nguyễn Hà Đông, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, nói với chúng tôi rằng việc Hà Đông tự gỡ trò chơi, chứng tỏ anh là người có trách nhiệm với xã hội.

Nhưng những “lận đận” của Hà Đông không dừng lại ở đó. Anh gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan thuế trong việc xác định thu nhập và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Có khá nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề trên, và thậm chí để xác định thu nhập của Hà Đông, một đại diện của cơ quan thuế còn cho biết có thể sẽ kiểm tra tài khoản ngân hàng.

Song dù có thế nào, Hà Đông vẫn là người tự giác thực hiện các khoản thuế. Chính cơ quan thuế đã xác nhận điều này và cho biết đến nay anh đã chủ động nộp khoảng 1,4 tỷ đồng tiền thuế. Ông Doanh cho rằng đây là hành động đáng hoan nghênh ở Hà Đông, chứ không có dụng ý trốn thuế hay sai trái nào khác.

Điều đáng nói là, sau tất cả những ồn ào đang diễn ra, Hà Đông vẫn được vinh danh và tiếp tục tập trung làm công việc phát triển trò chơi của mình. Đông được vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam, được trang web xếp hạng The Richest đưa vào danh sách 10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0. Trang Gamasutra thì bầu anh là 10 nhà phát triển game hàng đầu thế giới và Flappy Bird đứng vị trí thứ 5 trong các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.

Đông vẫn đi dự nhiều sự kiện lớn của thế giới để nói về câu chuyện Flappy Bird và khởi nghiệp. Nhiều tờ báo nước ngoài vẫn ca ngợi anh như một hiện tượng của Việt Nam. Còn tại quê nhà, Hà Đông được xem là thần tượng cho giới trẻ trong lĩnh vực này và là nguồn cảm hứng cho sáng tạo và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin tại Việt Nam.

"Sẽ là cái giá đắt, nếu như..."

Thế nhưng, giữa lúc Hà Đông vẫn đang được ca ngợi nhiều như vậy, thì câu chuyện anh có thể bị xử lý hình sự với quy định mới của Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015, như một “tiếng sét”. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, rõ ràng quy định theo Điều 292 của Bộ Luật hình sự đang có những vấn đề, mà cần phải xem xét lại để đảm bảo quyền tự do trong lĩnh vực này.

“Bộ luật hình sự đã ban hành rồi, nhưng nên xem xét trong mối tương quan với TPP và đề nghị có thể điều chỉnh. Nên hỏi ý kiến những bên về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nên nghiên cứu và có đề nghị chính thức để xem xét và điều chỉnh điều luật này của Bộ Luật Hình sự để phù hợp hơn với phát triển công nghệ thông tin” – chuyên gia Doanh khuyến nghị.

Việc cần tạo ra không gian để những cá nhân như Nguyễn Hà Đông phát huy khả năng của mình, tận dụng môi trường Internet hiện nay để sáng tạo và khởi nghiệp là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang kêu gọi tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Do đó, vị chuyên gia trên cho rằng sớm còn hơn muộn, việc sửa luật trước khi có hiệu lực cần được cân nhắc để không phải trả những cái giá đắt.

“Nguyễn Hà Đông thấy môi trường kinh doanh không thuận lợi thì có thể đăng ký hoạt động ở Singapore. Nếu vậy thì đó là cái giá mà Việt Nam phải trả, vì môi trường kinh doanh quá phiền hà, nhũng nhiễu và can thiệp. Tôi được biết một số doanh nghiệp ở Hà Nội nói với tôi là họ đã sang Thái Lan đăng ký, sản xuất hàng hóa và xuất khẩu về Việt Nam, hưởng thuế xuất bằng 0%” – chuyên gia Lê Đăng Doanh cảnh báo.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên