'Bỗng nhiên' chi ngàn tỷ mua doanh nghiệp
Thời gian gần đây, xuất hiện những cá nhân không tên tuổi bỗng mạnh tay chi cả trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng mua cổ phần, cổ phiếu “khủng” trên sàn. Những “đại gia” đó là ai, có phải họ muốn “thâu tóm” doanh nghiệp?
Bỏ cả trăm, ngàn tỷ vào bánh kẹo
Cách đây nửa tháng, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (mã CK: HHC) được phen gây bất ngờ cho thị trường qua đợt thoái vốn của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam tại doanh nghiệp này. Theo đó, hai cổ đông cá nhân không tên tuổi và chưa từng sở hữu cổ phiếu nào là ông Vũ Hải và bà Nguyễn Thị Duyên lần lượt mua vào tới 3,9 triệu và 8,37 triệu cổ phiếu HHC- tương ứng tổng cộng 75% vốn cổ phần bánh kẹo Hải Hà.
Với mức giá bình quân 48.637 đồng/cổ phiếu, mua hơn 8,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 50,9% theo hình thức khớp lệnh, ước tính bà Duyên đã chi ra khoảng 407 tỷ đồng. Còn với giá chốt phiên giao dịch 17/3 cổ phiếu HHC ở mức 39.800 đồng, ông Vũ Hải đã mua vào 3,9 triệu cổ phiếu HHC tương ứng tỷ lệ 23,7% với số tiền chi ra khoảng 150 tỷ đồng. Đáng lưu ý, trước khi trở thành hai cổ đông lớn nắm quyền chi phối doanh nghiệp này, cả bà Duyên và ông Hải đều không sở hữu cổ phiếu HHC nào.
Trong một bất ngờ khác, tại doanh nghiệp bánh kẹo có tiếng là Cty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã CK: QNS), cách đây vài ngày, bất ngờ lộ diện ông Trần Ngọc Bàng với tổng số cổ phiếu do nhóm của ông nắm giữ lên tới hơn 9 triệu. Cụ thể, tại công bố báo cáo thường niên của QNS, cá nhân ông Trần Ngọc Bàng sở hữu 5.676.101 cổ phiếu , còn lại là tên vợ, hai con trai và em ruột ông Bàng. Nhẩm tính nhóm ông Trần Ngọc Bàng nắm giữ có trị giá gần 1.150 tỷ đồng.
Chịu phạt để thâu tóm
Trước đó, tháng 6/2016, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Thống Nhất xuất hiện một nhà đầu tư đặt mua toàn bộ lượng cổ phần đấu giá với mức giá đưa ra là 10.300 đồng/cp. Kết thúc phiên đấu, tuy không mua được hết 6 triệu cổ phần như mong muốn nhưng nhà đầu tư này cũng bỏ túi 2,8 triệu cổ phần với số tiền bỏ ra cỡ 300 tỷ đồng.
Trước hiện tượng nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm và bỏ tiền tỷ mua cổ phần, làm sao để kiểm soát IPO cho minh bạch? Theo ông Đỗ Tuấn, Trưởng phòng đấu giá HNX, hiện quy trình đấu giá rất chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với thông tin tóm tắt, sau đó là áp quy chế đấu giá với từng doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia thực hiện theo đúng quy chế đó. “Hiện đấu giá IPO làm rất công khai”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến “thương vụ” bất ngờ lộ diện nhà đầu tư Nguyễn Thị Duyên bỏ hơn 400 tỷ ra mua gần 51% cổ phần của bánh kẹo Hải Hà, liệu giao dịch này có tiến hành đúng quy định pháp luật hay không? Ngày 11/4, một đại diện phụ trách niêm yết của HNX cho hay: Chúng tôi có nghe báo chí phản ánh và đang cho kiểm tra xem có thực hiện đúng quy định chào mua công khai hay không. Ông này cũng thừa nhận: Do quy trình phức tạp và mức xử phạt không cao nên rất nhiều nhà đầu tư đã “cố tình vi phạm” không chào mua công khai và chấp nhận chịu phạt.
Theo quy định của pháp luật, với cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư mua từ 25% cổ phần DN trở lên phải chào mua công khai với thủ tục chào mua lên tới 30 ngày và chờ thêm tới 60 ngày. Với những trường hợp không thực hiện đúng quy định, nhà đầu tư sẽ bị xử phạt. Hiện mức phạt cao nhất lên tới 2 tỷ đồng. Còn trường hợp chứng minh giao dịch có vấn đề, công an sẽ vào điều tra.
Trước những phiên rót tiền tỷ mua bán cổ phần “dễ như đi chợ” kể trên, một đại gia trên thị trường chứng khoán cho hay: thời gian gần đây xuất hiện xu hướng những nhóm nhà đầu tư cá nhân chung vốn “gom” cổ phần để sau đó khi đạt một mức lợi nhuận tối đa như kỳ vọng, họ sẽ bán lại.
Tiền phong