MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng tối bao phủ các ngân hàng Italy

12-12-2016 - 10:04 AM | Tài chính quốc tế

Cuối tuần trước Cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã từ chức sau khi các cử tri nước này bỏ phiếu từ chối đề xuất cải cách của ông. Sự kiện này không chỉ tác động đến chính trường Italy mà còn đến sức khỏe của cả hệ thống ngân hàng Italy, thậm chí là tương lai của đồng tiền chung châu Âu.

Trước tiên, sự kiện Thủ tướng từ chức tạo ra một thời kỳ bất ổn khi mà đất nước hình chiếc ủng cố gắng thành lập một Chính phủ mới. Và điều này có ý nghĩa quan trọng bởi một vài ngân hàng Italy đang bên bờ phá sản. Monte dei Paschi di Seina, một trong những ngân hàng lớn nhất Italy, đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng cường sức khỏe tài chính.

Italy và EU bất đồng về việc ai phải trả chi phí sửa chữa các ngân hàng Italy

Các ngân hàng Italy đang đối mặt với một vấn đề khá giống với rắc rối của các ngân hàng Mỹ năm 2008. Họ giải ngân nhiều khoản vay (có tổng giá trị khoảng 400 tỷ USD) cho những người không có khả năng hoàn trả. Tình hình càng tồi tệ hơn sau nhiều năm kinh tế Italy tăng trưởng yếu ớt.

Ông Renzi đã lo lắng rằng điều này sẽ dẫn đến kịch bản vài ngân hàng lớn của Italy sụp đổ, kéo theo sẽ là một cuộc khủng hoảng tài chính có quy mô rộng hơn. Bởi vậy ông cố gắng xoay xở đến tổ chức một gói giải cứu. Theo đó sẽ bơm 45 tỷ USD vào các ngân hàng, tạo thành tấm đệm chống đỡ trước làn sóng vỡ nợ.

Đây cũng là loại cứu trợ mà Mỹ và nhiều nước khác đã viện đến khi đối mặt với khủng hoảng, nhưng ông Renzi không dễ gì làm được điều này. Sau khủng hoảng nợ công, Liên minh châu Âu đã đưa ra luật cấm các Chính phủ triển khai các gói cứu trợ không có điều kiện ràng buộc. Tức là các chủ nợ của ngân hàng (những nhà đầu tư đã mua trái phiếu của ngân hàng) phải chịu lỗ trước khi Chính phủ dùng đến tiền của người nộp thuế để cứu lấy ngân hàng.

Đó chính xác là điều mà những người đã phản đối gói cứu trợ của nước Mỹ năm 2008. Họ cho rằng sẽ là không công bằng khi buộc người nộp thuế phải trả hàng tỷ USD để giải cứu ngân hàng trong khi những người đã cho các ngân hàng tồi tệ vay tiền lại không mất xu nào.

Ngoài ra nếu buộc các chủ nợ phải chịu trách nhiệm, ngân hàng sẽ cẩn thận hơn khi quyết định có cho vay hay không. Ngân hàng cũng không dám đầu tư bừa bãi, thiếu trách nhiệm. Cuối cùng thì ngân hàng buộc phải thận trọng hơn và làm giảm khả năng xảy ra khủng hoảng.

Lập luận này giả định rằng các chủ nợ của ngân hàng là những định chế tài chính giàu có và tinh vi, thừa sức hiểu về những rủi ro mình có thể sẽ phải đối mặt.

Tuy nhiên, ở Italy thì không như vậy. theo Bloomberg, 45% khoản nợ của Italy được nắm giữ bởi những người dân thường. Điều đó có nghĩa là nếu tuân theo quy định của EU thì nhiều người dân sẽ mất đi số tiền đã tích cóp cả đời.

Cách đây 1 năm, ông Renzi cũng “nếm mùi” sự phẫn nộ của dân chúng, khi mà Chính phủ Italy giải cứu 4 ngân hàng theo quy định của EU. Một người đàn ông đã tự sát vì mất trắng 110.000 USD vào số trái phiếu phát hành bởi một trong những ngân hàng được giải cứu, để lại một bức thư buộc tội ngân hàng.

Vì thế, khá dễ hiểu khi Renzi lưỡng lự không muốn áp dụng gói cứu trợ trên diện rộng. Đầu năm nay, ông đã dành nhiều thời gian vận động các nhà lãnh đạo EU cho phép bơm tiền mặt trực tiếp vào các ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã không bị thuyết phục. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng nếu chấp thuận thì sẽ tạo tiền lệ rất xấu.

Bởi vậy, các ngân hàng Italy gần đây đang cố gắng cải thiện bảng cân đối kế toán mà không có nhiều sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Banca Monte dei Paschi di Siena lên kế hoạch phát hành 5,3 tỷ USD cổ phiếu mới để đối phó với khoản nợ xấu lên tới 30 tỷ USD.

Tuy nhiên kết quả trưng cầu khiến các nhà đầu tư lo ngại bất ổn và ngân hàng sẽ khó có thể huy động được số vốn nó cần. Bất ổn chính trị còn đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, và một nền kinh tế suy yếu cũng đồng nghĩa các khoản vay không được trả.

Sự thất bại của các ngân hàng Italy có thể gây rắc rối cho toàn bộ nền kinh tế

Nếu đây chỉ là một cuộc tranh luận về một vài ngân hàng nhỏ lẻ, chúng ta cũng chẳng cần quan tâm. Nhưng vấn đề là một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Italy và sau đó là toàn châu Âu. Và, tất nhiên khủng hoảng tài chính ở châu Âu có thể lan ra toàn thế giới.

Trong các nền kinh tế hiện đại, hệ thống ngân hàng đóng vai trò trung tâm, giúp dòng tiền lưu chuyển thông suốt trong nền kinh tế. Nếu như mạng lưới này bị ngắt quãng bởi làn sóng phá sản của các ngân hàng Italy, hậu quả sẽ khá nặng nề.

Và trong khi mục tiêu ngăn chặn các ngân hàng thực hiện quá nhiều khoản đầu tư rủi ro là hợp lý, phải luôn nhớ rằng một cuộc khủng hoảng tài chính có thể biến những quyết định đầu tư khôn ngoan thành thua lỗ.

Trong khủng hoảng, các định chế tài chính sẽ bán tài sản để tăng lượng dự trữ tiền mặt. Tuy nhiên, điều này có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn nếu như giá trị tài sản giảm xuống. Nếu giới chức quá nóng vội từ chối giải cứu các ngân hàng vô trách nhiệm, những ngân hàng vẫn đang hoạt động tốt có thể bị ảnh hưởng.

Đó cũng chính là lý do khiến ông Renzi muốn giải cứu các ngân hàng từ đầu năm nay, tức là trước khi nỗi hoảng sợ lây lan. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo châu Âu đã từ chối.

Do đó kết quả trưng cầu có thể sẽ là “quân domino đầu tiên” gục ngã và có thể thổi bùng lên khủng hoảng tài chính.

Thu Hương

The Vox

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên