MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Boris Johnson - từ trẻ điếc đến Ngoại trưởng Anh

26-01-2017 - 20:02 PM | Tài chính quốc tế

Sau khi lên nắm quyền Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã có động thái đầy bất ngờ khi bổ nhiệm ông Boris Johnson, cựu Thị trưởng London và là chính khách trung dung nổi tiếng ở Anh, vào chức vụ Ngoại trưởng Anh.

Ngoại trưởng Anh Ngoại trưởng Anh Boris Johnson
Ngoại trưởng Anh Ngoại trưởng Anh Boris Johnson

Việc bà Theresa May bổ nhiệm Boris Johnson vào vị trí Ngoại trưởng Anh là động thái hết sức bất ngờ vì giữa hai người vốn tồn tại mối quan hệ khá phức tạp. Dù lên tiếng ví Boris Johnson như là “tinh thần của đảng” nhưng bà May cũng không ít lần khẳng định không phải lúc nào cũng tin tưởng Boris Johnson. Bất ngờ hơn nữa là việc bổ nhiệm Boris Johnson lại là quyết định đầu tiên về mặt nhân sự của bà May.

Chính trị gia Boris Johnson trước đó đã nhắm đến chức vụ Chủ tịch đảng Bảo thủ của Anh và vị trí này đồng nghĩa với việc ông Johnson sẽ nắm giữ chức vụ Thủ tướng Anh thay cho ông David Cameron. Johnson là người đi đầu trong phong trào đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit) nhưng sau khi kết quả được công bố, Johnson dường như lại không cảm thấy thỏa mãn.

Sau trưng cầu dân ý, Johnson đã viết cho tờ Daily Telegraph bài báo kêu gọi người dân Anh bình tĩnh, nên tự hào về đất nước mình và sẵn sàng đối diện với các khó khăn để đón chào các khả năng mới.

Tuy nhiên, những dự định của Johnson (trở thành Thủ tướng Anh) đã nhanh chóng bị chính người đồng hành cùng mình trong phong trào thúc đẩy Brexit là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove dập tắt. Ông Michael Gove đã tự đề cử mình vào chức vụ thủ lĩnh đảng Bảo thủ, qua đó lấy mất cơ hội của ông Johnson. Tưởng như sự nghiệp của Johnson đã đi vào ngõ cụt sau sự vụ này nhưng việc được bổ nhiệm vào chức vụ Ngoại trưởng Anh cho thấy sự nghiệp của Boris Johnson dường như lại có sự khởi đầu mới.

Cậu nhóc không may mắn trong gia đình hạnh phúc

Boris Johnson là con trai của cựu nghị sỹ Nghị viện châu Âu, nhà văn Stanley Johnson. Boris Johnson được sinh ra ở Mỹ nên đã có quốc tịch Mỹ. Trong bài báo gửi Daily Telegraph, Johnson đã không ít lần thừa nhận tình yêu đối với nước Mỹ cho dù vẫn lên án Mỹ đang cố gắng áp đặt quan điểm của mình và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Boris Johnson là con út trong gia đình có ba người con. Tuổi thơ của Johnson gắn liền với quá trình “di cư” của gia đình, từ New York đến Canada rồi sang London, sau đó lại quay trở lại Washington sau khi Stanley Johnson nhận việc ở Ngân hàng Thế giới. Sau đó, gia đình Johnson lại chuyển đến bang Connecticut. Khi Boris Johnson tròn 5 tuổi, gia đình Johnson lại chuyển đến Anh, sau đó đến Brussels, Bỉ. Tuổi thơ của các anh em nhà Johnson không hề êm ả: mẹ của Boris Johnson phải điều trị vì chứng trầm cảm do cha Johnson liên tục ngoại tình. Bản thân Johnson bị điếc và đã phải trải qua không ít lần phẫu thuật.

Mặc dù vậy, Boris Johnson được thừa hưởng sự giáo dục tuyệt vời khi được học hành tại các ngôi trường tốt nhất cho trẻ em các gia đình giàu có. Boris Johnson được học tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Latinh ở bậc tiểu học, qua trường Cao đẳng Iton và sau đó là đại học tổng hợp Oxford. Ngoài các trường học danh tiếng này, Boris Johnson còn được học ở Trường châu Âu tại Brussels.

Đam mê chính trị của Boris Johnson được hình thành trong những năm tháng học đại học, nơi ông trở thành Chủ tịch Hiệp hội tranh luận trường đại học tổng hợp Oxford và là một trong những sinh viên được mến mộ nhất tại đây.. Bản thân Johnson đã mất ngủ trong thời gian dài vì không giành được điểm cao nhất trong một kỳ thi.

Cựu Thủ tướng Anh
Cựu Thủ tướng Anh

Phóng viên Brussels và được Marget Thatcher yêu mến

Boris Johnson lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp đại học, sau đó ông được nhận vào làm việc trong một công ty chuyên về tư vấn. Ông chỉ làm việc cho công ty này 1 tuần, sau đó bỏ việc vì quá nhàm chán. Nhờ các mối quan hệ của gia đình, Johnson vào làm việc tại tạp chí Times. Tuy nhiên, sau đó Johnson bị Times sa thải vì vụ scandal đưa thông tin không chính xác trong một bài phỏng vấn về vấn đề khảo cổ học.

Sự nghiệp báo chí của Boris Johnson sau đó được tờ Daily Telegraph cứu rỗi vì Tổng Biên tập tạp chí này biết rõ về Johnson từ khi là sinh viên đại học tổng hợp Oxford.

Năm 1989, Boris Johnson được bổ nhiệm làm phóng viên của Daily Telegraph tại Brussels với nhiệm vụ chính là phản ánh các hoạt động của Ủy ban châu Âu. Johnson nhanh chóng biến mình trở thành người có quan điểm nghi hoặc đối với châu Âu. Rất nhiều đồng nghiệp đã chỉ trích Johnson vì tội thường xuyên viết bài không đúng sự thật với mục đích bôi xấu Ủy ban châu Âu và Chủ tịch ủy ban này.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Anh lúc đó là bà Marget Thatcher lại coi Boris Johnson là nhà báo yêu thích của mình. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ khi đó cáo buộc Johnson lan truyền tư tưởng thù địch trong một loạt đảng phái, chia rẽ các đảng này thành phái nghi ngờ và tin tưởng châu Âu.

Năm 1994, Boris Johnson cưới vợ lần thứ hai, quay trở lại Anh và trở thành nhà phân tích chính trị nhiều kinh nghiệm. Những bài viết của Johnson trên tờ Daily Telegraph đã mang đến cho Johnson uy tín và nhiều giải thưởng nhưng cũng không ít lần khiến Johnson bị chỉ trích. Boris Johnson từng bị cáo buộc vào tội có thái độ không đúng với hiện tượng đồng tính và phân biệt chủng tộc.

Ngoài làm việc cho Daily Telegraph và Spectator, Johnson còn có công việc trong lĩnh vực xe hơi. Tuy nhiên, quan hệ với đồng nghiệp của Johnson không phải là mối quan hệ tốt nhất: Johnson thường xuyên khiến công ty này chịu các khoản phạt khác nhau sau khi lái thử, còn các bài báo chính trị thường xuyên bị giữ lại.

Trong khoảng thời gian này, Boris Johnson đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Sau khi từ chối kế hoạch của người cha để trở thành nghị sỹ Nghị viện châu Âu, Johnson quyết định tập trung phát triển sự nghiệp tại nước Anh, sau đó trở thành nghị sỹ nghị viện thành phố Henley thuộc khu Oxfordshire. Dù trở thành nghị sỹ nhưng Johnson vẫn theo đuổi nghiệp báo chí khi hay viết các bài báo, viết sách về chính trị và phát biểu trên truyền hình.

Tuy nhiên, sau khi các thông tin về quan hệ ngoài luồng của Boris Johnson với nữ đồng nghiệp bị phát hiện, sự nghiệp chính trị của Johnson có đôi chút bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Johnson vẫn đứng vững và được tái bầu vào nghị viện thành phố năm 2007. Cũng trong năm này, Boris Johnson tuyên bố sẽ tham gia tranh cử chức vụ Thị trưởng London.

Thị trưởng London

Gần đến thời điểm bầu cử, Boris Johnson được coi là chính trị gia gây nhiều tranh cãi nhất. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Johnson đã nói về cảm giác bay bổng có được nhờ ma túy liều nhẹ. Johnson cũng không ngần ngại công khai tuyên bố về những rắc rối trong quá trình vận động tranh cử của mình. Rất nhiều các nhà hoạt động xã hội Anh khi đó đã gọi Johnson là “gã hề”.

Nội dung chính trong đường lối vận động tranh cử của Boris Johnson là ý tưởng tái cấu trúc hệ thống giao thông của London. Sự thay đổi được tập trung vào hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đấu tranh chống nạ trộm cắp vặt trên các phương tiện giao thông công cộng. Với các chủ đề này, Johnson có thể nói hàng tiếng đồng hồ và thường xuyên đề cập đến trong các buổi họp báo.

Nhờ các quan điểm “cánh tả” của mình, Boris Johnson đã vượt qua Thị trưởng London khi đó là Kena Livingston để trở thành Thị trưởng mới của London. Chiến thắng của Johnson khi đó thực sự gây sốc trên chính trường Anh.

Nhưng chính sách nổi tiếng nhất của Johnson trên cương vị Thị trưởng London là quyết định cấm sử dụng đồ uống có cồn trên các phương tiện giao thông công cộng, sự xuất hiện của các xe buýt hai tầng màu đỏ mới trên các đường phố London và nổi tiếng nhất là sự xuất hiện của hệ thống cho thuê xe đạp ở London. Các điểm cho thuê xe đạp từ đó được gắn cái tên không chính thức là “xe đạp Boris”.

Ngoài ra, Boris Johnson còn bỏ không ít công sức vào việc hỗ trợ mảng tài chính cho London, đảm bảo cho các bến Metro hoạt động cả ngày đêm và dấu ấn lớn nhất là tổ chức thành công Thế vận hội tại London vào năm 2012.

Những thành công này giúp Boris Johnson có 2 nhiệm kỳ Thị trưởng London.

Thủ tướng Anh Theresa May.
Thủ tướng Anh Theresa May.

Trang sử mới

Ngay sau khi Boris Johnson tuyên bố sẽ đứng đầu phong trào vận động thực hiện Brexit, nhiều người đã vội coi đó là hành động phản bội của Johnson với ông David Cameron- người bạn đồng hành từ thời đại học tổng hợp Oxford. Tuy nhiên, nếu xét đến những bài báo Johnson viết khi tác nghiệp ở Brussels thì việc Johnson ủng hộ Brexit là điều dễ hiểu.

Kết quả trưng cầu dân ý với 51,9% ủng hộ phương án Brexit là khá bất ngờ và dẫn đến nhiều tiến trình chính trị mới. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbin bị các thành viên trong đảng bỏ phiếu bất tín nhiệm, đồng Bảng Anh mất giá, giới lãnh đạo châu Âu tức giận và lên tiếng kêu gọi Anh thực hiện các thủ tục rút khỏi EU trong thời gian sớm nhất.

Với tư cách là người đứng đầu phong trào Brexit, Boris Johnson nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Thủ tướng Anh. Khi đó, dù bất kỳ ai nắm quyền Thủ tướng Anh cũng sẽ phải thực hiện tiến trình đàm phán với các nhà lãnh đạo EU về các điều kiện rút khỏi EU. Cho dù là người có kinh nghiệm tiến hành các cuộc đàm phán kiểu này nhưng ông David Cameron vẫn rút lui để khỏi phải “tích lũy thêm kinh nghiệm”.

Những vấn đề về thực hiện Brexit đã được Boris Johnson đề cập đến trong bài viết trên Daily Telegraph. Theo Boris Johnson, thay đổi duy nhất của Brexit đối với người Anh là việc người Anh có thể tránh khỏi các phán quyết của Tòa án châu Âu. Người Anh sẽ có thể tự mình thông qua các quyết định, luật lệ của mình, cũng như kiểm soát được chính sách nhập cư. Tất cả các vấn đề khác như thị trường chung, tự do di chuyển, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa và khoa học… với châu Âu sẽ vẫn được thực hiện.

Sau khi bài báo được công bố, những người phản đối Brexits đã đặt ra câu hỏi: Liệu các vấn đề trên có được thực hiện khi Anh rút khỏi EU?

Boris Johnson trên cương vị Ngoại trưởng Anh sẽ phải đưa ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhiệm vụ hàng đầu đối với tân Ngoại trưởng Anh là thúc đẩy quan hệ của Anh với EU trong các điều kiện mới. Bà Theresa May đã trao cho ông Boris Johnson cơ hội để trở thành một “bộ trưởng vĩ đại” và nhiều khả năng là Thủ tướng sau năm 2020.

Liệu Boris Johnson sẽ trở thành Winston Leonard Churchill (một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử Anh) thứ hai hay sẽ mãi đi vào lịch sử với tư cách là “kẻ phá hoại một đất nước phồn vinh”? Câu trả lời sẽ có được sau một vài năm tới.

Theo Đào Cảnh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên