Bphone gặp thách thức gì khi tuyên bố tỷ lệ nội địa hóa trước cơn bão iPhone, Samsung, Oppo?
Khi được hỏi về những chiếc điện thoại Việt Nam, nhân viên cửa hàng Thế giới di động đã tận tình chỉ tới góc nhà, khuất sau những giá treo phụ kiện. Bphone thế hệ kế tiếp ra đời sẽ có vị trí nào trong chuỗi cửa hàng bán smartphone lớn nhất Việt Nam là câu hỏi không dễ trả lời với nhà sản xuất.
- 16-04-2017Công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu
- 18-12-2016Ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở đâu?
- 30-11-2016Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Còn loay hoay
- 28-09-2016Công nghiệp hỗ trợ chập chững đến bao giờ?
- 07-05-2016Quan niệm sai về công nghiệp hỗ trợ?
Thị trường Việt, cho hãng ngoại
Một dãy điện thoại cơ bản mang thương hiệu Mobiistar trong tủ kính. Nhân viên cửa hàng cho biết, một số dòng điện thoại thông minh khác dù không được trưng bày nhưng khách hàng vẫn có thể đặt mua vì công ty có nhập về. Tuy nhiên, Mobiistar là thương hiệu Việt duy nhất có sản phẩm tại hệ thống Thế giới di động.
Trong quá khứ, Thế giới di động đã từng phân phối nhiều sản phẩm của Q-Mobile. Hãng điện thoại Việt Nam khi đó đã chiếm được tới tới 12% thị phần (năm 2010) với dòng sản phẩm “2 sim 2 sóng”.
Cơn sóng mà iPhone, Samsung và nhiều tên tuổi khác trên thị trường thế giới tạo ra đã đổ bộ thị trường Việt Nam khiến mọi thứ thay đổi. Việc chuyển đổi từ điện thoại cơ bản sang điện thoại thông minh đã trở thành xu hướng. Không chỉ người khá giả mua được điện thoại thông minh có giá trị lớn, mà người thu nhập trung bình cũng có thể tiếp cận với máy trung cấp hoặc hàng cũ, xách tay.
Nhưng thị trường chỉ thực sự khốc liệt khi các hãng điện thoại từ Trung Quốc trực tiếp xâm nhập thị trường Việt Nam. Lenovo, Asus, Acer,... đã tham gia cuộc cạnh tranh với thương hiệu đã được khẳng định ở sản phẩm máy tính. Không chỉ ở các thành phố lớn, những miền quê hẻo lánh cũng là nơi tụ hội của các cái tên như: Oppo, Xiaomi, Huawei, Philips, Vivo, Meizu, Wiko.
Giới trẻ dường như nhớ nhiều hơn về Oppo với các quảng cáo có sự xuất hiện của những ngôi sao giải trí đang có đông lượng người mến mộ như: Sơn Tùng MTP, Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà. Không những vậy, Oppo cũng tỏ ra am hiểu tâm lý người sử dụng với điện thoại có thiết kế đẹp và khả năng selfie (tự chụp ảnh chân dung) tốt.
Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, Oppo, Apple và Samsung là 3 hãng điện thoại chiếm thị phần lớn nhất, tính đến đầu năm 2017. Đây cũng là những hãng có bàn trải nghiệm riêng trong cửa hàng Thế giới di động. Ở FPT Shop hay Viettel Store, điện thoại Việt Nam chỉ được xếp trong tủ kính và nơi ít bóng người qua.
Thiếu công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử
Samsung Việt Nam đã quyết định tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 57% ngay trong năm 2017. Bằng chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng phụ kiện, Samsung đặt mục tiêu nâng số doanh nghiệp được tư vấn lên con số 26, từ mức 14 doanh nghiệp Việt Nam trước đó.
Điều này cho thấy một thực tế, chính các sản phẩm Galaxy S8 cao cấp nhất cũng không có tỷ lệ nội địa hóa cao, dù đều mang dòng chữ “made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam). Việc thiếu vắng các doanh nghiệp sản xuất linh kiện đáp ứng được yêu cầu của hãng điện tử Hàn Quốc đã khiến Samsung phải lập ra chương trình tư vấn nói trên.
Tại hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam, GS. Sung Keuk-je, từ trường Đại học Kyunghee (Hàn Quốc) cho biết Hàn Quốc cũng bắt đầu từ nhập khẩu linh kiện điện tử và lắp ráp thành phẩm vào những năm 1960. Khi ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm hơn trong những năm 1980, Hàn Quốc mới xuất khẩu lượng lớn linh kiện và vật liệu.
Nhắc tới Samsung và Hàn Quốc, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav cho rằng Samsung đang mang tới lợi ích cho những công ty muốn sản xuất điện thoại. “Nhà máy khổng lồ của Samsung tại Việt Nam là một lợi thế cho các công ty bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh nội địa. Khi họ đến, các công ty cung cấp linh kiện cũng đến theo. Và điều đó giúp Bkav tiếp cận được nguồn linh kiện tương đương như các công ty hàng đầu trong lĩnh vực” – ông Vũ Thanh Thắng trả lời kênh truyền hình Al Jazeera.
Khi Bkav giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên của hãng vào giữa năm 2015, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về tỷ lệ nội địa hóa 70% của Bphone. Theo Bkav, cách tính tỷ lệ nội địa hóa dựa vào giá trị linh kiện cấu tạo nên sản phẩm Bphone. Trong đó, chip Qualcomm hay bộ nhớ Ram SK hynix là số ít linh kiện doanh nghiệp phải nhập khẩu. Bkav tuyên bố đã làm chủ được khâu thiết kế, sản xuất cơ khí,...
Trong khi thế hệ Bphone tiếp theo dự kiến sẽ ra mắt vào tháng tới, 12 doanh nghiệp Việt Nam khác đang đứng trước cơ hội vào chuỗi cung ứng của Samsung. Lĩnh vực được Samsung thông báo là công nghiệp kỹ thuật cao như điện/điện tử (bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện...)
Lãnh đạo Thế giới di động đã khẳng định sẽ phân phối Bphone trong hệ thống cửa hàng của họ, ngay khi chiếc điện thoại này ra mắt. Còn thời điểm này, một khách hàng nữ vừa tới cửa hàng Thế giới di động và hỏi về chiếc iPhone 7 Plus màu đỏ được bày trên bàn.