Brexit: Một lối đi, hai ngả đường
Một sự lựa chọn của người Anh về tương lai, nhưng tính không chắc chắn của Brexit lại mang đến hai ngả đường...
- 18-06-2016Anh được và mất gì nếu Brexit xảy ra?
- 18-06-2016Cuộc tranh cãi nảy lửa tại đấu trường Brexit
- 17-06-2016Các giám đốc hàng đầu thế giới nói gì về Brexit
Vào ngày 23/6 tới, người dân Vương quốc Anh, thông qua trưng cầu dân ý, sẽ quyết định xem nước này sẽ ở lại hay rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Thuật ngữ Brexit, ghép từ hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi), được dùng để chỉ việc Anh rời khỏi EU.
Là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên châu Âu, EU được thành lập dựa trên nguyện vọng ngăn ngừa chiến tranh tàn phá tái diễn và đã phát triển thành một thị trường chung cho phép sự lưu thông tự do của lao động và hàng hóa.
Đây không phải là lần đầu người dân Anh bỏ phiếu về Brexit. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1975, người dân Anh đã quyết định ở lại EU. Tuy nhiên, từ đó đến nay, EU đã có nhiều thay đổi và nhiều người Anh cho rằng họ bị áp đặt quá nhiều luật và phải trả phí thành viên lớn. Họ muốn nước Anh có toàn quyền kiểm soát biên giới và hạn chế người châu Âu đến Anh làm việc.
Khi vận động tranh cử năm 2015, Thủ tướng đương nhiệm David Cameron đã đưa ra lời hứa về cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU.
Nếu người dân Anh quyết định rời khỏi EU, điều 50 trong hiệp ước của EU sẽ được áp dụng và quy trình đàm phán sẽ bắt đầu. Quy trình này chưa từng có tiền lệ và sẽ kéo dài trong vòng hai năm. Trong thời gian này, nước Anh sẽ tiếp tục phải tuân theo các luật của EU cũng như thương lượng các điều khoản mới trong quan hệ với khối gồm 27 nước còn lại.
Quá trình thương lượng sẽ phức tạp, bởi liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nước Anh và các thành viên EU ở nhiều khía cạnh từ việc tham gia thị trường chung, quỹ cấu trúc cho các khu vực nghèo hơn, đến các hoạt động chính trị. Không ai có thể dự đoán được kết quả của quy trình đàm phán này.
Thêm vào đó chính là sự phức tạp hậu Brexit liên quan đến quan hệ giữa Anh và các quốc gia ngoài EU, vì trước đến nay dựa vào các điều khoản chung của EU với các quốc gia này. Lựa chọn rời khỏi EU, Anh cần phải thiết lập ‘luật chơi’ mới với các quốc gia ngoài EU.
Chính sự không chắc chắn này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đầu tư, giá trị của đồng bảng nói riêng và nền kinh tế và thị trường việc làm nói chung. Do vậy, theo đánh giá của nhiều tổ chức, gồm cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Anh rời khỏi EU sẽ có nhiều hệ quả tiêu cực, bao gồm suy giảm tăng trưởng, khả năng rơi vào suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp tăng, đồng bảng giảm giá, lạm phát tăng cao.
Gia tăng sự bất định
Ảnh hưởng của Brexit tới tăng trưởng kinh tế là một chủ đề “nóng” hiện nay. Theo nhà kinh tế Oliver Blanchard: “Sự bất định là nguyên nhân chính của suy giảm tổng cầu. Khi mà đối mặt với yếu tố không chắc chắn, tại sao lại đi xây nhà máy mới hoặc giới thiệu sản phẩm mới? Tốt nhất là nên chờ cho tới khi đám khói ấy tan đi”.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF cũng nhấn mạnh rằng sự không chắc chắn là nguyên nhân chính của sự hồi phục chậm sau khủng khoảng kinh tế gần đây.
Hai nhà kinh tế Marco Buti (Ủy ban Châu Âu) và Pier Carlo Padoan (OECD) cũng cho rằng: “Sự bất định cao gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế vì nó khuyếch đại ảnh hưởng của sự giới hạn tín dụng và sự suy yếu của bảng cân đối, buộc các ngân hàng kiểm soát tín dụng chặt hơn và khiến các công ty trì hoãn việc đầu tư”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng còn yếu, những lo lắng liên quan đến Brexit góp phần gia tăng sự bất định không chỉ đối với nền kinh tế nước Anh, mà cả khối EU, cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số tính bất định của chính sách kinh tế (Economic Policy Uncertainty Index) của nước Anh vào quý 1 năm nay, trước thềm trưng cầu ý dân về Brexit, tăng tới mức cao nhất trong suốt 19 năm qua, cao hơn cả khi xảy ra sự sụp đổ của Northern Rock, khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng khu vực châu Âu và trưng cầu độc lập của Scotland.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, trong bài trình bày trước Ủy ban các vấn đề kinh tế của Nghị Viên vào tháng 4/2016, cũng đề cập rằng: “Chỉ số tính bất định của ngân hàng đã tăng 1,5 lần độ lệch chuẩn, điều này thường sẽ đi đôi với sự giảm mạnh của tăng trưởng GDP. Giao dịch bất động sản thương mại đã giảm khoảng 40% trong quý một ở quy mô cả nước và 60% ở London”.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Nicholas Bloom của Đại học Stanford, cuộc trưng cầu này đẩy yếu tố không chắc chắn tới một mức cao bất thường và cho rằng điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế của nước Anh. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp sẽ dừng các khoản đầu tư và việc thuê lao động mới cho đến khi tương lai của nước Anh trở nên rõ ràng.
Dựa trên những lập luận này, nếu người dân Anh lựa chọn rời EU, sự không chắc chắn của nền kinh tế sẽ gia tăng, cho đến khi những mối quan hệ mới với các nước trong và ngoài liên minh EU được hình thành.
Hơn một nửa thương mại của nước Anh là với EU, trong khi đó thương mại với các nước còn lại căn cứ vào những hiệp định của khối. Tác động đầu tiên với khả năng cao sẽ là những bất ổn từ thị trường tài chính khi rủi ro gia tăng, cùng với đấy là sự suy giảm đầu tư, và tiêu dùng.
Quá trình đàm phán càng dài, yếu tố không chắc chắn càng cao, gây ra những hệ lụy càng lớn cho nền kinh tế có thể là suy thoái hoặc ít nhất là tăng trưởng chậm lại.
Ngược lại, nếu quá trình đàm phán diễn ra nhanh chóng, yếu tố không chắc chắn được kiểm soát, qua đó có thể mở ra những cơ hội mới cho nước Anh như được quả quyết bởi những người ủng hộ Brexit. Đây cũng là những kịch bản về Brexit được tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa ra.
Mặc dù vậy, kinh tế học không thể giúp chúng ta đưa ra kết luận rõ ràng về chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Anh rời EU. Trong khi phần lớn chúng ta đều quan niệm rằng sự bất định có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, các kết cả nghiên cứu định lượng về mối quan hệ này cũng không đồng nhất, dao động từ không tác động đến tác động mạnh.
Quả thật, đây cũng lại là một sự không chắc chắc nữa!
Brexit và tác động đến Việt Nam
Tác động của Brexit đến Việt Nam gồm có tác động trực tiếp, qua kênh thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Anh, và tác động gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.
Về tác động trực tiếp, hình 2 thể hiện tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Anh dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó nhập khẩu từ Anh nhỏ hơn 1%.
Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế của Anh có suy giảm như một hệ quả của Brexit, ảnh hưởng trực tiếp qua kênh thương mại ít có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, sẽ có một số ảnh hưởng cục bộ theo ngành, đặc biệt là những ngành xuất khẩu các mặt hàng sang nước Anh, trong đó có giày dép và dệt may, khi mà cầu hàng hóa nhập khẩu có thể suy giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và do sự mất giá của đồng Bảng Anh.
Về đầu tư, tính đến năm 2015, Anh có 222 dự án còn hiệu lực với tổng đầu tư đăng ký 4,437 tỷ và đang xếp thứ 15 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (căn cứ vào số liệu cục đầu tư nước ngoài). Vốn đầu tư nước ngoài của Anh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản và công nghệ chế biến.
Nếu hậu Brexit, tăng trưởng kinh tế của nước Anh giảm, tiết kiệm giảm, đầu tư sẽ giảm theo như một hệ quả, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn từ Anh vào Việt Nam. Nhưng ở một khía cạnh khác, khi cơ hội đầu tư và khả năng sinh lời từ đầu tư trong nước suy giảm, các nhà đầu tư Anh sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao hơn ở nước ngoài. Do vậy, trong ngắn hạn, ít có khả năng thay đổi về dòng vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam.
Tuy nhiên, một số tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của Việt Nam có thể do sự không chắc chắn liên quan đến nhiều điều khoản về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh mà từ trước đến nay áp dụng theo điều khoản chung với EU. Bởi nếu người Anh lựa chọn rời khỏi EU, sẽ cần có thời gian để xác định các quy tắc áp dụng vào thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia, do đó gây ra những khó khăn nhất định về hoạt động kinh tế song phương giữa hai quốc gia.
Về tác động gián tiếp, Brexit không chỉ là câu chuyện nội bộ của nước Anh và EU.
Theo IMF, việc Anh rời khỏi EU có thể gây ra thiệt hại lớn đến kinh tế khu vực và thể giới, đặc biệt tại thời điểm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Sự không chắc chắn hậu Brexit khiến rủi ro gia tăng, và làm suy giảm đầu tư và tiêu dùng. Brexit làm giảm thương mại song phương cũng như phá vỡ những lợi ích từ việc hợp tác kinh tế và hội nhập. Ngay cả khi Brexit diễn ra thuận lợi, tăng trưởng kinh tế vẫn có khả năng bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá về tác động của Brexit của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đến năm 2018, Brexit khiến kinh tế Vương quốc Anh giảm gần 1,5% so với việc nước này ở lại EU. Tác động ngắn hạn của Brexit tới khu vực đồng tiền chung châu Âu, khối OECD, khối BRICS (các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhật và Mỹ lần lượt xấp xỉ là 1%, 0,6%, 0,6%, 0,5% và 0,2%.
Sau Anh, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hà Lan, Luxembourg, Na Uy và Thụy Sĩ.
Với Việt Nam, tác động gián tiếp chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư và thương mại. Khi rủi ro tăng cao và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
Về thương mại, tác động gián tiếp của Brexit đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế là các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Trong đó, EU là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời chịu tác động lớn từ Brexit. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thâm dụng lao động, nên ít phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế.
Thêm nữa, với việc chính thức kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU gần đây, tác động thương mại sẽ hạn chế.
Chờ người Anh lựa chọn
Brexit có thể coi là một lối đi - một sự lựa chọn của người Anh về tương lai, nhưng tính không chắc chắn của Brexit lại mang đến hai ngả đường - thịnh vượng hay suy giảm.
Nếu người dân Anh lựa chọn Brexit, điều quan trọng nhất mà Chính phủ Anh cần hướng đến chính là giảm thiểu yếu tố không chắc chắn về các quan hệ hợp tác giữa Anh và các nước EU cũng như các nước ngoài EU.
Do vậy, nước Anh cần phải tập trung vào hoàn thành các đàm phán với EU nhanh nhất có thể, đồng thời đưa ra những định hướng về thương mại với các quốc gia ngoài châu Âu.
Câu trả lời về Brexit sẽ được đưa ra vào ngày 23/6 này. Hãy cùng chờ đợi xem, lựa chọn của người dân Anh là gì?
VnEconomy