BRG Group sắp hoàn tất thâu tóm Intimex Việt Nam?
Thung lũng Vua - một công ty thành viên của BRG Group - sẽ mua lại 34,3% cổ phần của Intimex Việt Nam từ SCIC. Bà Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga cũng đồng thời là chủ tịch của Intimex và Seabank.
Thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán 49% cổ phần của CTCP Intimex Việt Nam được đón nhận tương đối hờ hững.
Công ty đang có khoản lỗ lũy kế hơn 80 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh không có nhiều điểm sáng nhưng mức giá khởi điểm đấu giá lên đến 11.200 đồng/cp, cao hơn hẳn so với giá trị sổ sách hiện tại.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư nhận thấy, điểm đặc biệt trong thương vụ thoái vốn lần này là SCIC dành đến 70% cổ phần cần bán, để trao tay cho Công ty TNHH Thung lũng Vua. Theo đó, SCIC sẽ nhượng lại gần 8,6 triệu cổ phần Intimex (34,3% vốn điều lệ Intimex) cho Thung Lũng Vua.
Thung Lũng Vua là một trong những thành viên của BRG Group, hiện đang quản lý sân golf King’s Island tại Đồng Mô – Sơn Tây – Hà Nội. Giữa tháng 7 vừa qua, Thung lũng Vua cũng chính là nhà đầu tư chiến lược sở hữu 27% cổ phần Thăng Long GTC - doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần lớn tại nhiều khách sạn, siêu thị tên tuổi như InterContinental Westlake, Hilton, BigC…
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch của BRG Group hiện cũng chính là chủ tịch của Intimex và ngân hàng Seabank. BRG Group hiện đang trực tiếp nắm giữ 11,6% cổ phần của Intimex Việt Nam.
BRG Group đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính - Ngân hàng và sân golf với các công ty thành viên và các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế, mà tiêu biểu là Sân golf Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân golf Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân golf Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Vậy lý do gì khiến một công ty chuyên về đầu tư bất động sản và sân golf lại để mắt đến Intimex – một doanh nghiệp kinh doanh siêu thị?
Tình hình tài chính không sáng sủa
Bốn năm trở lại đây, chỉ có năm 2014 Intimex lãi ròng với con số ít ỏi 129 triệu đồng trên 250 tỷ đồng vốn điều lệ. Không chỉ khiêm tốn về lợi nhuận, doanh thu thuần trong 4 năm gần nhất của Intimex liên tục sụt giảm, là kết quả của việc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng trở nên khốc liệt.
Kết quả kinh doanh Intimex 4 năm gần nhất (Đơn vị: Tỷ đồng)
Tính đến cuối năm 2014, Intimex có khoản lỗ lũy kế lên đến 87 tỷ đồng, giá trị sổ sách một cổ phiếu của Intimex chỉ còn 7.240 đồng – thấp hơn 27,4% so với mệnh giá.
Với tình hình tài chính nói trên, việc đưa ra mức giá 11.200 đồng/cổ phiếu có thể khiến cổ phiếu Intimex bị “ế” như nhiều phiên đấu giá khác. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Intimex chắc hẳn không nằm ở hoạt động kinh doanh của công ty này.
Quỹ đất khổng lồ
Intimex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Nội thương và Hợp tác xã, trực thuộc Bộ Công thương, chịu trách nhiệm kinh doanh xuất nhập khẩu dưới hình thức trao đổi hàng hóa nội thương và hợp tác xã với các nước XHCN và một số nước khác. Năm 2009, công ty được cổ phần hóa và bắt đầu hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần vốn Nhà nước với hoạt động chính là kinh doanh siêu thị, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và kinh doanh bất động sản.
Intimex có quỹ đất khổng lồ với tổng diện tích sử dụng lên tới 2,57 triệu m2 – là con số ít có doanh nghiệp nào sánh nổi. Trong đó, hơn 6 nghìn m2 đất đã nộp tền sử dụng đất 1 lần, còn lại được thuê trả tiền hàng năm.
Quỹ đất của Intimex (đơn vị tính: m2)
Dành quyền kiểm soát tại Intimex do vậy đồng nghĩa với việc có tiếng nói quyết định tới khối tài sản khổng lồ của công ty này.
Hiện BRG Group đang trực tiếp nắm giữ gần 3 triệu cổ phần Intimex – tương đương 11,59% vốn điều lệ công ty. Trong trường hợp Thung lũng Vua nhận về thêm 8,6 triệu cổ phần từ SCIC, BRG Group sẽ chính thức nắm giữ 45,9% cổ phần Intimex.
Và nếu tham gia mua cả lượng cổ phần đem đấu giá, phía BRG Group hoàn toàn có thể nắm được quyền kiểm soát đối với Intimex, đồng nghĩa với việc có quyền quyết định đối với quỹ đất khổng lồ của doanh nghiệp này.
Trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm của Intimex, ngoại trừ ông Nguyễn Hồng Hiển là đại diện của SCIC thì có ít nhất 3 thành viên có liên quan đến BRG gồm bà Nguyễn Thị Nga, ông Trần Ngọc Minh và bà Vũ Thị Kim Thanh. Bên cạnh đó, 2 trong số 3 thành viên ban kiểm soát cũng là đại diện của BRG.
Trí Thức Trẻ