BRICS bàn các vấn đề cấp bách
Tổng thống Putin cho biết có khoảng 34 quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm gia nhập khối BRICS
- 23-10-2024Công bố kế hoạch thành lập hệ thống thanh toán BRICS
- 23-10-2024Tiêm kích Nga hộ tống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thượng đỉnh BRICS
- 22-10-2024Hội nghị thượng đỉnh BRICS minh chứng Nga không đơn độc
Ngoài các vấn đề cấp bách toàn cầu và khu vực, BRICS tập trung vào 3 trụ cột hợp tác chính gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, quan hệ văn hóa và nhân đạo.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 của khối BRICS khai mạc tối 22-10 tại TP Kazan - Nga và kéo dài đến ngày 24-10. Dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hội nghị lần này đặt mục tiêu thúc đẩy chương trình nghị sự của Nga nhằm tạo ra một "trật tự thế giới mới".
Với chủ đề "tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng", hội nghị thu hút đại diện từ 32 quốc gia, bao gồm 24 nhà lãnh đạo - theo Điện Kremlin. Điện Kremlin tuyên bố các nhà lãnh đạo thuộc khối BRICS sẽ trao đổi về các vấn đề cấp bách toàn cầu và khu vực, cũng như 3 trụ cột hợp tác chính gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, quan hệ văn hóa và nhân đạo.
Sau khi được mở rộng, BRICS hiện gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Điện Kremlin thông báo khả năng mở rộng khối BRICS - thông qua việc thành lập một danh sách mới gọi là "các quốc gia đối tác" - cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị.
Theo đài CNBC, Nga đã nỗ lực thu hút "Nam bán cầu", tức các quốc gia đang phát triển về kinh tế ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, đối lập với "Bắc bán cầu" của các quốc gia công nghiệp hóa theo truyền thống vốn do Mỹ dẫn đầu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với tờ Izvestia rằng cuộc xung đột ở Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự, thay vào đó các cuộc thảo luận của BRICS+ (khối BRICS mở rộng) sẽ đặc biệt tập trung vào tình hình leo thang ở Trung Đông, mối quan hệ giữa các nước thành viên BRICS và Nam bán cầu vì lợi ích của phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo CNBC, các đối tác từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và thế giới Ả Rập có khả năng thúc giục Tổng thống Putin tìm giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin dự kiến có cuộc họp với hàng loạt nhà lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres...
Hãng thông tấn TASS dẫn lời trợ lý chính sách đối ngoại của tổng thống Nga, ông Yury Ushakov, cho hay các cuộc đối thoại này sẽ bắt đầu từ ngày 22-10, mở đầu là cuộc họp với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới Dilma Rousseff.
Nội dung các cuộc họp này dự kiến bao gồm tài chính, công nghệ, thương mại thực phẩm và mở rộng thành viên của khối.
Trong cuộc họp báo cuối tuần qua, Tổng thống Putin cho biết có khoảng 34 quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ sự quan tâm gia nhập khối BRICS, khối hiện chiếm 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu.
Ông Putin khẳng định BRICS không đặt mình vào thế đối lập với bất kỳ tổ chức nào, đồng thời nhấn mạnh đây là một hiệp hội các quốc gia cùng nhau làm việc dựa trên các giá trị chung, tầm nhìn chung về phát triển và quan trọng nhất là nguyên tắc tính đến lợi ích của nhau.
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS dự kiến chiếm 37% GDP toàn cầu vào cuối thập kỷ này trong khi tỉ lệ này ở Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ giảm từ mức 30% xuống khoảng 28% trong năm nay.
Việt Nam ủng hộ hợp tác đa phương
Hôm nay, 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết với chủ đề "BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", đây là hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển, có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời cùng một số tổ chức quốc tế.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, chuyến công tác của Thủ tướng là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị cũng chuyển tải thông điệp của Việt Nam về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và phù hợp luật pháp quốc tế, đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có kế hoạch hội kiến, tiếp xúc nhiều lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực cùng quan tâm.
Chuyến công tác diễn ra khi Nga đang giữ cương vị chủ tịch luân phiên của BRICS thể hiện Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Nga. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp và hội đàm với lãnh đạo cấp cao Nga, gặp các tổ chức kinh tế của Nga để trao đổi các phương hướng lớn và vấn đề cụ thể để tăng cường hợp tác giữa 2 nước, nhất là giải quyết những vướng mắc trong thương mại, năng lượng, giáo dục, khoa học công nghệ; từ đó làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga vào đầu năm 2025.
Dương Ngọc
Người Lao động