MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới

27-08-2023 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới

Trật tự toàn cầu mà các nước phương Tây đang chi phối liệu có bị thách thức trước sự lớn mạnh của BRICS?

Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã kết thúc ngày 24/8 tại Nam Phi, ghi dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của tổ chức này.

BRICS đã mở rộng, kết nạp thêm 6 thành viên mới, đều là các nước đang phát triển từ 3 châu lục khác nhau. BRICS, vốn định vị mình là tiếng nói của các nước đang phát triển phương Nam, đang muốn thúc đẩy một trật tự thế giới mới.

BRICS mở rộng, kết nạp thêm thành viên mới

Ngay khi hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi chưa bắt đầu, giới quan sát đã biết rằng, việc mở rộng BRICS là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự.

Nước chủ nhà Nam Phi cho biết, có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập và hơn 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn. Kết quả của hoạt động mở rộng đã rõ vào ngày kết thúc hội nghị.

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới - Ảnh 2.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (Ảnh: AP)

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố: "Chúng tôi đã quyết định mời Argentina, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trở thành thành viên chính thức của BRICS. Tư cách thành viên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024".

Tại hội nghị này, ý tưởng manh nha về đồng tiền chung của BRICS được đưa ra, cũng như thúc đẩy giao dịch bằng đồng nội tệ của các thành viên nhằm giảm phụ thuộc đồng USD.

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới - Ảnh 3.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva (Ảnh: AP)

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva cho biết: "Tôi đã bảo vệ ý tưởng áp dụng một loại tiền tệ giao dịch chung cho thương mại và sẽ không thay thế tiền tệ quốc gia của chúng ta".


BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới - Ảnh 4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: "Tăng cường vai trò của các nước chúng ta trên hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng, mở rộng sử dụng đồng nội tệ, tăng cường hợp tác trong các hoạt động thuế, hải quan và chống độc quyền".

Điểm nhấn quan trọng cũng được thể hiện ngay trong chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần này là "BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và chủ nghĩa đa phương bao trùm", cho thấy mục tiêu mở rộng ảnh hưởng và vai trò của BRICS đối với khu vực châu Phi.

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới - Ảnh 5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng sự hội nhập vững chắc và hiện đại hóa châu Phi sẽ thúc đẩy động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, sẽ đóng góp năng lượng tích cực cho công bằng và công lý quốc tế. Đây sẽ là một ví dụ về quan hệ đối tác toàn cầu bình đẳng, cởi mở và hợp tác".

Hội nghị cũng thảo luận về thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong một loạt lĩnh vực, từ năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng đến kinh tế số, kinh tế xanh, tạo việc làm...

Việc BRICS mở rộng ảnh hưởng như thế nào?

Khối BRICS lớn mạnh qua từng năm và trong 2 thập kỷ qua, BRICS có ảnh hưởng kinh tế tăng lên mạnh mẽ phần lớn nhờ vào nhiều năm tăng trưởng vượt bậc ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự trỗi dậy của Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

Về thành viên, với việc kết nạp thêm 6 thành viên mới, số thành viên của nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ tăng lên 11 thành viên, bắt đầu từ năm 2024. Số lượng thành viên của nhóm có thể tiếp tục mở rộng khi có tới hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức này.

Về quy mô kinh tế, theo số liệu thống kê năm 2022, GDP của nhóm BRICS mới lên tới 30,8 nghìn tỷ USD, chiếm 29%, GDP của toàn cầu, theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong khi đó, tỷ trọng sản xuất dầu tăng lên đáng kể, từ 20,4% lên 43,1%. Thị phần xuất khẩu toàn cầu BRICS sẽ tăng từ 20,2% lên 25,1%.

Về dân số, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ - những quốc gia có dân số trên 1 tỷ người, nhóm BRICS mới có sự góp mặt của 2 quốc gia đông dân là Ethiopia (126,5 triệu) và Ai Cập (112,7 triệu), khiến tỷ lệ dân số của nhóm chiếm tới 46% dân số toàn cầu.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử BRICS được mở rộng. Lần trước vào năm 2010, các nhà lãnh đạo BRICS đã quyết định bổ sung thêm Nam Phi.

Tầm quan trọng của BRICS

Trật tự thế giới nhiều năm qua vốn đã luôn tồn tại bất đồng giữa các nước phương Tây và phương Đông nhưng hiện nay, thế giới còn chia rẽ mạnh hơn do cuộc xung đột Nga - Ukraine và các đòn cấm vận mà phương Tây phát động nhằm vào Nga. Thực tế phân mảnh và chia rẽ của tình hình địa chính trị thế giới đã đẩy nhu cầu tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển tăng cao, với mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế mới, nơi tiếng nói của các nước đang phát triển trở nên mạnh mẽ và được tôn trọng. Đó là lý do dẫn đến sự sôi động của diễn đàn BRICS năm nay.

Năm 2001, nhà kinh tế Jim O'Neill tại ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs đã đưa ra từ BRIC, viết tắt từ 4 chữ cái đầu của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc- 4 nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất vào thời điểm đó. Ngay từ khi đó, các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, các nước BRIC có thể phối hợp để hình thành một lực lượng kinh tế đáng nể trên toàn cầu.

Các lãnh đạo BRIC đã tổ chức cuộc họp thường niên đầu tiên vào năm 2009 tại Yekaterinburg của Nga. Một năm sau, BRIC mời Nam Phi tham gia câu lạc bộ chính trị và chữ "S" được thêm vào từ viết tắt BRIC.

BRICS với khát vọng thúc đẩy một trật tự thế giới mới - Ảnh 6.

BRICS thành lập năm 2009 và được mở rộng lần đầu năm 2010 (Ảnh: Reuters)

Ông Li Xinfeng - Chủ tịch điều hành Viện Trung Quốc - châu Phi - cho biết: "Khi BRICS được thành lập, mục đích ban đầu đoàn kết các quốc gia Nam bán cầu, phấn đấu vì một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Theo nghĩa này, các nước BRICS đại diện cho định hướng của một trật tự chính trị và kinh tế thế giới mới, trong đó các nước tôn trọng lẫn nhau, phát triển độc lập và cùng nhau hợp tác vì một nền kinh tế công bằng, bình đẳng, hài hòa hơn".

Đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và chiếm gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 18% thương mại toàn cầu, BRICS được coi là đối trọng với các diễn đàn và thể chế kinh tế và chính trị phương Tây như G7 và Ngân hàng Thế giới (WB). BRICS được đánh giá có thể sử dụng ảnh hưởng chính trị và sức mạnh kinh tế để thúc đẩy những cải cách rất cần thiết hướng tới một thế giới đa cực hơn.

Ông Julio Chavez - Nghị sĩ Quốc hội Venezuela - cho rằng: "Cơ chế hợp tác BRICS nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, ủng hộ hợp tác quốc tế theo hướng hỗ trợ lẫn nhau và mang lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia cơ chế. Cơ chế này đưa ra quan điểm rất quan trọng trong việc xây dựng hòa bình toàn cầu và hiểu biết về những thay đổi đang diễn ra trên thế giới".

BRICS đã nỗ lực nhằm đưa ra giải pháp thay thế cho các hệ thống tài chính và chính trị truyền thống do phương Tây lãnh đạo.

Trong số những thành tựu đáng chú ý là việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) năm 2015, một ngân hàng phát triển đa phương với số vốn đăng ký 50 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và liên quan đến khí hậu ở các nước đang phát triển.

Ông Leslie Warren Maasdorp - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới - chia sẻ: "Trong 8 năm qua, Ngân hàng Phát triển mới đã tự khẳng định là một sự bổ sung mới cho thế giới. Chúng tôi đã hoàn thành, phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng mới trị giá lên tới 35 tỷ USD, đại diện cho 99 dự án khắp các nước BRICS. Trong tương lai, một trong những ưu tiên chính của ngân hàng là mở rộng dấu ấn toàn cầu để trở thành một tổ chức toàn cầu của các thị trường mới nổi".

Để so sánh, chỉ tính trong năm 2022, WB đã cam kết hơn 100 tỷ USD cho vay thì BRICS cũng đã tạo ra Thỏa thuận Dự trữ dự phòng trị giá 100 tỷ USD để các thành viên có thể sử dụng trong thời kỳ bất ổn tài chính toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển mới và Thỏa thuận Dự trữ dự phòng đã trở thành những bổ sung quan trọng cho hệ thống quản trị tài chính quốc tế, mà khách hàng chủ yếu là các nước đang phát triển Nam bán cầu. Quan trọng hơn, thông qua xóa đói giảm nghèo và những nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng, BRICS đã nổi lên đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ quyền của các nước đang phát triển trên thế giới.

Theo PV

VTV

Trở lên trên