BS kể chuyện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng: 8 người thay nhau ép tim, rã rời tay!
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những "trận tuyến" quan trọng điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng.
- 18-05-2020Cảnh báo đáng sợ: Sau khi hết Covid-19, rừng Amazon sẽ là nguồn lây nhiễm virus corona kế tiếp và lỗi hoàn toàn nằm ở con người
- 18-05-2020Sa thải 25% nhân viên toàn cầu vì Covid-19, CEO Airbnb để lại bài học lãnh đạo thấm thía: Muốn kiếm tiền lâu dài, trước tiên phải làm người tử tế
- 18-05-2020Thiếu miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc lo ngay ngáy dịch Covid-19 lần 2
8 người thay nhau ép tim cho bệnh nhân, rã rời tay
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã khiến cho hơn 4,6 triệu người trên thế giới mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 300 nghìn người. Bệnh Covid-19 đã trở thành nỗi ám ảnh với nhân loại toàn cầu về sự lây lan nhanh chóng, bệnh có thể mắc ở bất cứ ai.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp mắc Covid-19 rất nặng. Nhưng tới nay, vẫn chưa ghi nhận ca bệnh tử vong do căn bệnh này. Để cứu sống được những bệnh nhân nặng, các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã ngày đêm theo sát bệnh nhân. Chỉ khi bệnh nhân hồi phục tốt họ mới dám nở nụ cười hạnh phúc.
Ths. BS Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, trong các bệnh nhân điều trị tại khoa thì bệnh nhân số 19 (bác ruột của bệnh nhân số 17) là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất. Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của bệnh nặng như: tuổi cao, huyết áp, rối loạn tiền đình.
Bệnh nhân 19 đã hồi phục sau 2 lần phải can thiệp ECMO.
Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương phổi rất nặng cho bệnh nhân, biến chứng tràn khí màng phổi.
Sau 3 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân có diễn biến xấu nhanh, tràn khí oxy máu tụt nhanh. Để cứu sống bệnh nhân, cách duy nhất chỉ còn can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Theo bác sĩ Khiêm bệnh nhân 19 sau khi được can thiệp ECMO các chỉ số sinh tồn đã ổn định trở lại. ECMO là kỹ thuật hiện đại giúp cho phổi được nghỉ, giảm tràn khí. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn còn lo lắng bệnh nhân tràn khí màng phổ tăng lên.
Bệnh nhân 19 mỗi ngày một tốt lên và đã được cai ECMO. Bệnh nhân đã đi được 70% chặng đường. Nhưng virus SARS-CoV-2 lại tấn công gây tổn thương cơ tim, loạn nhịp (trên thế giới đã có nhiều bệnh nhân đột tử do ngừng tim).
"Sau khi rút ECMO 4 ngày, bệnh nhân 19 có những diễn biến ngừng tuần hoàn trong vòng 40 phút. Để cứu sống bệnh nhân ekip đã phải sốc điện 3 lần và 8 người thay nhau ép tim liên tục.
Cấp cứu ngưng tuần hoàn trong vòng hơn 40 phút như vậy rất "khủng khiếp". Người ép tim khỏe mấy thì tay cũng rã rời. Ép tim cho bệnh nhân được 30 phút chúng tôi nhận định nguy cơ phải buông bỏ. Rất mừng tới phút thứ 40 tim của bệnh nhân đã đập trở lại", bác sĩ Khiêm nói.
Khi tim bệnh nhân đã đập lại thì các bác sĩ lại phải đối mặt với vẫn đề các cơ quan của bệnh nhân bị tổn thương. Tình trạng suy đa tạng, nhiễm trùng của bệnh nhân tăng lên. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định can thiệp ECMO lần thứ 2.
Mọi thành quả cố gắng của các y bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng khi mà bệnh nhân 19 mỗi ngày một khá lên. Bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại và sắp tới có thể được ra viện là điều tuyệt vời. Nhìn thấy bệnh nhân tiến triển tốt lên từng ngày bác sĩ Khiêm và các đồng nghiệp trong khoa đã cởi bỏ được nỗi lo.
Bác sĩ Khiêm chia sẻ: "Bây giờ, bệnh nhân ổn hơn chúng tôi mới dám vui".
Chăm sóc cho người nước ngoài không hề dễ dàng
Theo bác sĩ Khiêm chăm sóc cho những bệnh nhân nước ngoài không hề dễ dàng, khó khăn đầu tiên là thể trạng.
Bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức tích cực.
Việc chăm sóc cho những bệnh nhân này phải toàn diện từ khâu vệ sinh, lau rửa, nghiêng trở hàng ngày, nâng bệnh nhân để thay đổi vị trí. Có những bệnh nhân nặng tới 90 kg, khi muốn thay đổi tư thế không hề đơn giản.
Ngoài ra, khi điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài còn gặp vấn đề về rào cản ngôn ngữ.
"Giai đoạn rút ống cho bệnh nhân phải có sự hợp tác, trao đổi. Nếu như đối với người Việt gặp vấn đề khó chịu có thể trao đổi được ngay. Nhưng người nước ngoài mắc bệnh ở nước xa lạ, tinh thần của họ bị stress nên không dễ dàng để chia sẻ", bác sĩ Khiêm nói.
Hàng ngày các bác sĩ Khiêm và đồng nghiệp vẫn cập nhật ca bệnh trong cộng đồng. Số ca trong cộng đồng giảm áp lực của bác sĩ cũng giảm bớt.
"Chúng tôi luôn xác định tinh thần là đơn vị điều trị bệnh nhân dương tính. Do đó trong đầu nghĩ tạm thời nghỉ ngời được lúc nào hay lúc đó. Bất kể khi nào nhận lệnh lại vào vị trí", bác sĩ Khiêm tâm sự.
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nặng các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã dốc hết sức để có thể cứu sống được bệnh nhân. Mỗi một bệnh nhân nặng được xuất viện trở về nhà đó là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với những thầy thuốc nơi đây.
Trí thức trẻ