MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BS Trương Hữu Khanh: 4 cách hữu hiệu làm suy yếu virus nCov, giúp phòng bệnh viêm phổi cấp

24-01-2020 - 11:35 AM | Xã hội

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng Tp. Hồ Chí Minh, mỗi người cần phải có trách nhiệm với cộng đồng để dịch bệnh viêm phổi không lây lan.

Khả năng độc tính của virus sẽ không cao

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng Tp. Hồ Chí Minh, virus corona được phát hiện vào năm 1960. Virus này có 2 dòng: một dòng gây ra bệnh ở người và một dòng gây bệnh ở súc vật.

Bình thường dòng virus corona gây bệnh ở súc vật không thể lây bệnh cho người một cách tự nhiên. Bệnh chỉ lây cho người trong điều kiện có tiếp xúc với súc vật bị bệnh quá gần. Khi lây sang người virus sẽ biến đổi để thích nghi với cơ thể người (quen dần với cơ thể người) và sẽ lây bệnh từ người sang người.

 BS Trương Hữu Khanh: 4 cách hữu hiệu làm suy yếu virus nCov, giúp phòng bệnh viêm phổi cấp - Ảnh 1.

Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí virus phát triển mạnh

"Chủng virus corona được gọi là mới với con người nhưng với thiên nhiên thì không mới. Virus này đã có từ lâu, nhưng trước đây không gây bệnh cho người", Bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, đặc tính của virus corona ở nhiệt độ cao, ánh nắng, thông thoáng thì giảm khả năng lây bệnh, virus cũng sẽ yếu đi. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí (tù một chỗ), lạnh thì khả năng phát tán và lây bệnh của virus sẽ cao vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.

Đối với người dân, cách phòng bệnh đơn giản nên đeo khẩu trang 3 lớp để ngăn các chất tiết có chứa virus. Bản thân mỗi người phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây bệnh.

"Mọi người cần phải bình tĩnh. Nếu như virus lây với tốc độ như hiện nay thì khả năng sẽ không quá ác tính (độc lực mạnh). Đối với những người có cơ địa đặc biệt, bệnh lý nền, nguy cơ nguy hiểm sẽ cao hơn. Xét về đặc tính của corona không lây mạnh như cúm", bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh mỗi người cần phải có trách nhiệm với cộng đồng để dịch bệnh không lây lan. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao, ví dụ như mới đi từ vùng dịch về thì cần phải khai báo và theo dõi. Nếu người đó càng giấu giếm thông tin thì càng không thể ngăn ngừa được dịch bệnh.

Ngoài ra, chuyên gia truyền nhiễm cũng lưu ý rửa tay thường xuyên với xà phòng là việc đơn giản nhưng rất quan trọng. Vì bàn tay là nơi phát tán virus rất "kinh khủng".

Bác sĩ Khanh cho biết: "Tay không chỉ là nguồn lây bệnh cho bản thân mà còn là nguồn phát tán virus cho nhiều người. Vì vậy, thường xuyên rửa tay dưới vòi nước với xà phòng giúp đẩy các chất bám virus đi".

Bác sĩ Khanh lưu ý 4 điều sau đây để suy yếu virus và tránh mắc bệnh:

- Mở cửa nhà để giúp không khi trong nhà thông thoáng và để cho ánh nắng vào nhà

- Đeo khẩu trang 3 lớp khi đi ra ngoài

- Người ở trong miền Nam không nên nằm điều hòa quá lạnh, nhiệt độ phòng nên để trên 25 độ. Đối với miền Bắc khi có điều kiện cần phải mở cửa để thoáng nhà.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước.

Cách phòng ngừa virus nCoV

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.

Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam)

Theo Ngọc Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên