Bữa tiệc tài chính cuối năm đã bắt đầu?
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cắt lãi suất lần thứ ba trong năm 2019 vào tuần qua, giảm lãi suất vốn dự trữ FED thêm 0,25%. Trong biên bản họp Hội đồng chính sách tiền tệ (FOMC), có thể thấy rõ sự lạc quan thận trọng của FED đối với thị trường việc làm khi đánh giá vẫn “vững chắc” và hoạt động kinh tế vẫn đi lên một cách tương đối.
- 31-10-2019Fed hạ lãi suất lần thứ 3 trong năm, phát tín hiệu sẽ tạm dừng nới lỏng chính sách
- 06-10-2019Điều gì xảy ra nếu Fed cắt giảm lãi suất xuống 0 hoặc âm?
Trong biên bản họp lần này, rủi ro về thương chiến không được nhấn mạnh nữa, cho thấy FED đã bớt lo ngại về thương chiến so với lần giảm lãi suất trước. Mặt khác, giới phân tích cho rằng ngôn từ của Chủ tịch Jerome Powell của FED trong họp báo sau khi giảm lãi suất, phản ánh rằng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất và chờ đợi xem sao. Một số mô hình phân tích dữ liệu hợp đồng tương lai đã đưa ra dự đoán triển vọng hạ lãi suất của FED trong tháng 12 xuống chỉ còn 20%.
Vì đâu FED lại thoải mái như vậy? Liệu họ có sai hay không? Thị trường sẽ nghĩ gì đây? Đó là những câu hỏi được đặt ra chỉ vài giờ sau khi quyết định lãi suất của FED được đưa ra. Nhưng trong khoảng 10 tiếng sau đó, thị trường Mỹ không có biến động gì đáng kể, trong khi các chuyên gia của cả hai phe ủng hộ và phản đối quyết định tạm dừng cắt lãi suất của FED thi nhau lên tiếng.
S&P 500 và những lần cắt lãi suất của FED (Nguồn: Dữ liệu S&P 500 từ Eikon Datastream và chú thích của tác giả)
Nhóm thuộc phe lạc quan đánh giá đây là một quyết định 100% đúng (điển hình là Rick Rieder, CIO toàn cầu phụ trách nhóm sản phẩm có thu nhập cố định của BlackRock), rằng tổng mức cắt lãi suất 0,75% là đã hợp lý.
Ngược lại, Ian Shepherdson, kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics cho biết, ông đã ngã ngửa (fell of out my chair) khi nghe Powell nói rằng niềm tin kinh tế sẽ được khôi phục vì triển vọng thỏa thuận thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã ít bất định hơn.
Tony Rodriguez, lãnh đạo bộ phận chiến lược sản phẩm có thu nhập cố định của Nuveen Asset Management, tán đồng quan điểm của Rick Rieder, cho rằng nhà đầu tư và Chủ tịch FED không nên đánh giá thấp độ phức tạp của các tranh chấp thương mại, mà theo ông là một phim bộ nhiều tập.
Không có gì lạ khi nhiều người tỏ ra nghi ngờ quyết định của FED, vì trước đó trong năm ngoái, người ta đã cho rằng việc FED tăng lãi suất vào cuối năm (bất chấp sức ép của Tổng thống Mỹ Trump) là một sai lầm. Nói một cách công bằng, điều hành chính sách lãi suất trong những tháng cuối năm 2018 là vô cùng khó khăn, vì ở thời điểm đó nhiều người lo sợ kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, trong khi những chỉ số dẫn đường của FED về việc làm và lạm phát không cho tín hiệu cảnh báo nào như vậy. Đến nay, thị trường việc làm của Mỹ vẫn vững mạnh khi lạm phát thấp, trong khi triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung tốt hơn mấy tháng trước, nên Hội đồng chính sách tiền tệ của Mỹ càng có lý do để chờ đợi.
Nhóm đầu cơ đánh xuống trên thị trường tiền tệ Mỹ cho rằng, FED đã sai và các số liệu kinh tế công bố sẽ sớm chứng tỏ điều đó, chẳng hạn như số liệu việc làm sẽ tệ hơn. Tuy nhiên, vào ngày thứ Sáu tuần qua, số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự đoán (dù vẫn tăng chậm), trong khi đó ở Trung Quốc chỉ số Caixin/Markit PMI tăng lên mức 51,7 trong tháng 10, thay vì giảm về mức 51 như dự đoán. Đây là những tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều tốt hơn dự đoán.
Số liệu kinh tế tốt hơn của Mỹ và Trung Quốc cùng với những phát ngôn cho thấy, thỏa thuận thương mại “đợt 1” của hai nước này đang có nhiều triển vọng đã đẩy thị trường cổ phiếu của hai nước bật tăng vào ngày đầu tháng 11-2019.
Liệu bữa tiệc cuối năm trên thị trường cổ phiếu đã bắt đầu với đợt bật tăng của hai thị trường cổ phiếu Mỹ, Trung vào ngày 1-11? Trong khi nhóm đầu cơ giá lên đang khá lạc quan, nhóm đầu cơ giá xuống đang hy vọng vào việc thương lượng thương mại Mỹ-Trung sẽ thất bại vào phút chót, và những số liệu kinh tế khác của Mỹ và Trung Quốc sẽ tệ đi.
Về cơ bản, nền sản xuất của Mỹ quả thật đang kém đi. Chỉ số ISM tháng 9 của Mỹ giảm xuống 47,8, thấp hơn mức 50, phản ánh nền sản xuất nước này đang trong trạng thái thu hẹp. Đây là mức chỉ số ISM thấp nhất từ tháng 6-2009 và thấp hơn cả dự đoán u ám của giới kinh tế. Nói một cách khác, kinh tế Mỹ đang được chống chịu bởi khu vực dịch vụ, vốn tính bao gồm cả những công ty như Apple và Google. Các nhà kinh tế cho rằng, khi khu vực sản xuất đình đốn, sớm muộn gì thì các khu vực khác của kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng và số việc làm không thể tốt như hiện tại nữa.
Những điều đó cũng có thể sẽ xảy ra. Nhưng ở vào thời điểm mà người viết đang viết những dòng này, dòng tiền bắt đầu rời khỏi khu vực trú ẩn an toàn như đồng USD. Chỉ cần những tin tức xấu đến trễ một vài tuần, thì đã đủ cho một đợt tăng hứng khởi từ các thị trường châu Á để nhà đầu tư có một mùa Giáng sinh an lành.