Bức ảnh nam sinh xách hành lý lủi thủi trên đường khiến các bậc phụ huynh tranh cãi
Hành động của nam sinh đã gây ra 2 luồng ý kiến trái chiều.
- 21-07-2023Nam sinh nhà nghèo biết chữ từ năm 1 tuổi, 15 tuổi thi ĐH, đạt điểm cao kỷ lục vẫn không hài lòng
- 19-07-2023"Đề văn năm nay dễ hơn năm ngoái gấp 100 lần": Nam sinh nộp bài sớm với phát ngôn tự tin này đã thi được bao nhiêu điểm?
- 18-07-20234 lần thi đại học, 3 lần đỗ trường top đầu cả nước nhưng nam sinh này đều bị đuổi học vì 1 lý do, ai nghe xong cũng lắc đầu ngao ngán
Đối với những đứa trẻ không chịu học hành, cha mẹ thường dọa: "Không học thì sau này chẳng làm nên trò trống gì". Trong tiềm thức của mọi người, đối với những đứa trẻ trong những gia đình bình thường, chỉ có đọc sách mới là lối thoát tốt nhất, và chỉ có tri thức mới có thể thay đổi vận mệnh của chúng.
Nhưng nếu trường hợp con không đủ khả năng để vào được trường tốt, đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ thì sao? Là phụ huynh, cách duy nhất là chấp nhận sự tầm thường của con cái, đồng thời khuyến khích con phát huy sở trường, năng khiếu của mình.
Mới đây, một bà mẹ ở Giang Tây (Trung Quốc) đã chia sẻ video con trai thu dọn hành lý để học sửa xe sau khi thi trượt cấp 3 thu hút sự chú ý. Trong video, nam sinh năm nay mới 16 tuổi tuy cao nhưng gầy và khuôn mặt non nớt. Nhìn từ xa, cậu trông như một đứa trẻ. Cậu con trai xách chiếc túi đơn sơ, liên tục vẫy tay chào mẹ, khi quay lưng ra đi, mẹ cậu đã lau nước mắt.
Người mẹ cho biết, con trai tuy còn nhỏ, học lực không tốt nhưng rất có ý thức và hiểu chuyện. Thông thường khi đi học về luôn chủ động phụ giúp việc nhà. Cậu cũng đã cố gắng hết sức trong học tập, nhưng điểm số vẫn không tốt, có lẽ thực sự không phù hợp với việc học. Cả 2 vợ chồng chị đều không muốn ép con học. Người bố cho rằng chỉ là con học không tốt, chứ không phải tính cách con có vấn đề. Ngược lại, con rất có trách nhiệm ở độ tuổi trẻ như vậy, điều đó thật đáng mừng.
"Bây giờ con không học nữa, con có chủ kiến riêng. Không muốn lãng phí thời gian, con muốn học thật nhanh để kiếm tiền phụ giúp gia đình, điều đó không có gì sai cả", ông bố nói.
Người mẹ chia sẻ, bản thân cũng tự trách mình không được như những bậc cha mẹ giỏi giang khác, dù học lực con không tốt nhưng vẫn có thể cho con học thêm, học kèm. Điều kiện gia đình không quá tốt, các con của chị chỉ có thể dựa vào chính mình.
"Những năm tháng tiếp theo, trong khi các bạn cùng trang lứa vẫn ngồi trong những lớp học khang trang, sáng sủa chuẩn bị cho kỳ thi đại học và phấn đấu để thay đổi số phận thì đứa trẻ này chỉ biết chui ra chui vào gầm xe, sống cuộc đời sửa xe nhàm chán. Tôi muốn con tôi ngồi trong một văn phòng rộng rãi, sáng sủa với máy điều hòa thổi và có một công việc tử tế. Nhưng giờ tôi không thể mong đợi điều đó nữa", bà mẹ tâm sự.
Nhìn cậu thiếu niên còn nhỏ như vậy đã phải xa nhà đi bươn chải, sớm chịu sự va đập của xã hội, không còn được sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều cư dân mạng không cầm được nước mắt. Nhiều người vì thế chỉ trách gia đình này, cho rằng nếu con trượt cấp 3 có thể vào học một trường tư để vào đại học. Rõ ràng ở đây cha mẹ đã cư xử vô trách nhiệm, chỉ muốn con nhanh làm ra tiền mà không nghĩ tới cảm nhận của con.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng nhận định cậu bé này rất biết điều, chủ động gánh vác cuộc sống gia đình khi còn nhỏ. Dù không có cơ hội học cấp 3 hay đại học nhưng chỉ cần làm việc chăm chỉ chắc chắn sẽ làm nên chuyện trong tương lai.
Họ cho rằng, đã là cha mẹ thì đôi khi nên chấp nhận sự tầm thường của con cái. Thực ra, xã hội cũng là trường đại học đào tạo con người, thậm chí còn thiết thực hơn những gì được học ở trường. Nhiều người không có học vấn cao, nhưng nhân viên của họ đều là những người có học thức.
Điểm cao ở môn học chỉ có thể chứng tỏ một người có năng lực học tập tốt, không có nghĩa là người đó xuất sắc ở mọi mặt. Và ngược lại, khi bạn không học giỏi, không có nghĩa là bạn thiếu nhạy bén ở các lĩnh vực khác. Là cha mẹ, hãy hướng dẫn và định hướng cho con, nhưng cũng nên học cách tôn trọng ý kiến và cho chúng quyền tự do lựa chọn cuộc sống. Chấp nhận sự bình thường của trẻ, cũng như trẻ chấp nhận sự bình thường của cha mẹ mình.
Phụ nữ Việt Nam