Bức tranh công nghệ số Việt Nam
Khi công nghệ thay đổi nhanh như vũ bão, quốc gia nào nắm bắt và làm chủ được công nghệ sẽ tăng tốc vươn lên.
- 09-02-2024Cảnh báo 4 chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp Tết, người dân cảnh giác!
- 09-02-2024Sa thải nhân sự giữa lúc đang chạy đua AI, kỹ sư Google chỉ trích lãnh đạo công ty thiếu tầm nhìn, không biết làm gì để phát triển AI
- 09-02-2024Nóng: Grab sắp sáp nhập với công ty mẹ Gojek, tạo ra siêu ứng dụng lớn nhất Đông Nam Á?
Tiếp nhận chuyển giao công nghệ số
Các ứng dụng và các nền tảng (platform) về thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt cho mô hình B2B, B2C sử dụng tốt tại Việt Nam và được cọ xát, cải tiến mạnh mẽ trong dịch COVID-19. Các nền tảng số hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng phát triển nhanh chóng. Các lớp sản phẩm này có thể áp dụng tốt cho các quốc gia mới phát triển với giá thành hợp lý. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng kinh doanh quốc tế. Sự hạn chế này nhìn theo hướng tích cực lại là cơ hội cho sự hợp tác của các đối tác quốc tế với các doanh nghiệp công nghệ trong nước với những thị trường không quá kén chọn như châu Phi, châu Á, thậm chí là cho thị trường ngách tại các nước phát triển.
Về cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) với các công ty khởi nghiệp (start-up) Việt Nam, tôi cho rằng tiềm năng của các start-up công nghệ Việt Nam trong các lĩnh vực ứng dụng Blockchain, Learning Machine (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo) đã và đang được Chính phủ khuyến khích và sẽ có các cơ hội tìm kiếm các nguồn đầu tư quốc tế. Thách thức lớn là các start-up thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về tiếp cận thị trường cho sản phẩm nghiên cứu của mình nên còn cần phấn đấu nhiều mới có kết quả.
Việt Nam đang triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ, các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm có tốc độ phát triển mạnh. Các ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đang dần phát triển thay thế cho năng lượng hóa thạch. Các giải pháp số hóa, tự động hóa nhà máy. Các bài toán số hóa cho công nghiệp nuôi trồng, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp. Các bài toán tối ưu hóa vận hành năng lượng, logistics. Chúng ta vẫn sẽ cần tiếp tục kết nối thương mại triển khai các ứng dụng trên nền tảng số hóa. Đây vẫn là nhu cầu lớn để các doanh nghiệp công nghệ và công nghệ số của Việt Nam đầu tư, phối hợp với đối tác áp dụng, triển khai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi nhớ khi ngành phần mềm đưa ra chỉ tiêu đạt được doanh số 500 triệu USD xuất khẩu phần mềm, rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta… viển vông. Cần cù, len lỏi chịu khó, các công ty phần mềm trong nước đã bước chân vào gia công cho thị trường Nhật Bản, Mỹ, Canada và cán mốc 500 triệu USD lúc nào không hay. Hôm nay, về gia công xuất khẩu phần mềm, chỉ riêng FPT Software (đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của Tập đoàn FPT) đã cán mốc 1 tỉ USD/năm. Đó còn là các gương mặt luôn vững vàng như TMA, KMS, Harvey Nash… giúp Việt Nam vẫn là điểm đến của thị trường gia công phần mềm (Outsource) với hàm lượng giá trị dịch vụ gia tăng cao.
Tự tin ra biển lớn
Nếu như ghi dấu điểm mốc đáng chú ý của các công ty công nghệ thông tin vừa và nhỏ của Việt Nam trong năm 2023 trên đấu trường quốc tế, tôi sẽ dùng từ tự tin bước chân ra biển lớn với sản phẩm của chính mình. Đó là Công ty HQSoft với giải pháp phân phối và bán lẻ đã được các tập đoàn lớn như Johnson & Johnson, Philips chọn để triển khai hệ thống quản lý của họ tại Philippines, Indonesia, Malaysia từ những năm trước và luôn được mở rộng. HQSoft với những va chạm, thử thách trên thị trường Việt Nam đã tự tin mở văn phòng tại Thái Lan và một số nước khu vực để bắt đầu ra thị trường thế giới (go-global). Đó là iLotusLand - một start-up trẻ với giải pháp ứng dụng giám sát, quản lý môi trường trên nền tảng internet vạn vật (IoT) đang được các tỉnh, thành tin tưởng ứng dụng. Không chỉ khách hàng Việt Nam, khách hàng tại Mông Cổ và Brazil lựa chọn công ty vì độ chính xác, dễ vận hành và giá thành hợp lý.
Đó là doanh nghiệp trẻ của Trường ĐH Bách khoa TP HCM phối hợp với phòng Lab 5G của Viettel sản xuất thiết bị ngoại vi và ứng dụng điều hành đội xe vận chuyển nội bộ của một sân bay Mỹ với công nghệ chống va chạm gần. Đó là những doanh nghiệp lớn lên từ vườn ươm doanh nghiệp thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM. Kinh doanh thành công ở thị trường quốc tế, sau 5 đến 6 năm, họ trở về, thành nhà đầu tư tại khu công nghệ cao để sản xuất và phát triển các ứng dụng công nghệ cao cho máy bay không người lái như drone, UAV... Còn nhiều doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ khác lựa chọn con đường go-global bằng sản phẩm của mình, góp phần gia tăng giá trị cùng với gia công xuất khẩu phần mềm.
Sẽ thật là khiếm khuyết khi không nói đến các ứng dụng của Việt Nam được "xuất khẩu" ngược cho các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sử dụng. Doanh nghiệp của chúng ta từng tốn hàng triệu USD trang bị các giải pháp ERP quốc tế cho mỗi doanh nghiệp của mình. Sự lựa chọn các giải pháp quản trị tiên tiến đều xoay quanh các giải pháp của SAP, Oracle, Microsoft. Tuy nhiên, trong những năm 2022-2023, khi kinh tế trầm lắng, các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tận dụng cơ hội nâng cấp hệ thống quản lý của mình. Các công ty giải pháp của Việt Nam làm chủ được công nghệ quản trị doanh nghiệp, kết hợp với công nghệ phát triển phần mềm mới hơn, linh hoạt hơn đã giành được đơn hàng và có chỗ đứng vững chắc. Công ty Gia Minh (GMC) với giải pháp ExpertERP toàn diện trên nền tảng mobile đã được tập đoàn Starprint (Thái Lan), S&K Vina (Hàn Quốc), Unilever Việt Nam cũng như các lớp khách hàng sản xuất trong lĩnh vực bao bì, gỗ, in ấn sử dụng thay cho các sản phẩm quốc tế. Trong năm 2024, công ty đã có những cam kết triển khai cho các khách hàng tại nước ngoài.
Điểm sáng nữa về bức tranh làm chủ công nghệ không thể không nhắc tới là vai trò của các doanh nghiệp trong mảng logistics. Chi phí cho logistics của các nước tiên tiến chiếm khoảng 12%-14% GDP. Ở Việt Nam, theo các báo cáo của hiệp hội logistics Việt Nam, tỉ lệ này chiếm gần 22% GDP. Áp dụng công nghệ vào bài toán logistics sẽ mang lại kết quả lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý và điều phối tốt giải phóng hàng hóa tại cảng biển, hệ thống điều độ cổng, bến bãi tối ưu, liên kết kết nối được với hệ thống logistics quốc tế trong khi vẫn phải bảo đảm cải tiến thông quan hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.
Tất cả các cảng biển trước đây đều phải mua các giải pháp nước ngoài với giá thành 3-5 triệu USD cho một cảng. Công ty CEH đã làm chủ công nghệ với giải pháp quản lý điều hành cảng VTOS và hệ sinh thái VSL, chiến thắng được đối thủ quốc tế để trang bị cho hệ thống cảng của Gemadept, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn… tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhiều triệu USD. Song song đó, công ty bắt đầu hình thành hệ sinh thái với các công ty trong nước từng bước giải quyết bài toán tối ưu hệ thống kho bãi. Giải pháp quản lý kho của Công ty TKE hiện được gần 300 doanh nghiệp kho bãi trong và ngoài nước tin dùng. Nền tảng quản lý cảng của công ty CEH cũng đã được các khách hàng cảng biển trong khu vực tới tìm hiểu áp dụng. Với những kết quả xuất sắc đó, CEH được chọn là doanh nghiệp chuyển đổi số tiêu biểu trình bày trong hội nghị tổng kết chương trình chuyển đổi số quốc gia 2023.
Năm 2024 đã đến cùng cơ hội và thách thức. Ngoài những kết quả năm qua cần duy trì, chúng ta đang "hứng" cơ hội là một quốc gia sản xuất chip với những hợp tác đầu tiên với Hà Lan - quốc gia chế tạo máy cái sản xuất chip, các chuyến viếng thăm hợp tác của Nvidia, khả năng mở rộng của Intel trong khi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này gần bằng số 0. Nhưng như ông bà nói: Cứ kiên gan bền chí, dám đi thì sẽ đến!
Người lao động