Bức tranh gây sốc về hòn đảo đông đúc nhất thế giới: Hơn 500 người sống trong diện tích nhỏ hơn sân bóng, chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng
Hơn 500 cư dân của đảo sống trong không gian nhỏ hơn sân bóng đá.
Xu hướng tìm về những nơi vắng vẻ, yên bình như núi rừng, biển đảo để sinh sống vẫn luôn hot trong những năm qua. Nhưng không phải lúc nào "bỏ phố về đảo" cũng là giấc mơ thi vị.
Nằm trên Hồ Victoria của Châu Phi là đảo Migingo, nơi được coi là hòn đảo đông đúc nhất thế giới. Diện tích đất của đảo rộng chưa tới 0,5 mẫu Anh, tức vỏn vẹn khoảng 2000 m2. Để dễ hình dung, nó có kích thước bằng một nửa sân bóng đá trung bình. Thế nhưng đảo Migingo là nơi sinh sống của hơn 500 người.
Vị trí của đảo Migingo ở biên giới giữa Uganda và Kenya, nghĩa là không thực sự thuộc chủ quyền của đất nước nào. Hai quốc gia đã quyết định thành lập một ủy ban chung để xác định biên giới ở đâu - nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Kể từ đó, hòn đảo này được đồng quản lý bởi Uganda và Kenya.
Như bạn có thể tưởng tượng, vì hòn đảo quá nhỏ nên mọi thứ trên đó rất gần nhau. Cư dân trên đảo sống cạnh nhau trong những căn lều kim loại. Toàn đảo có khoảng gần 100 căn nhà, chia thành 4 khu dân cư. Theo tờ Mirror, ngoài những ngôi nhà, nơi đây còn có 4 quán bar, một tiệm làm tóc tạm thời và một số nhà kho. Thế nhưng nó chỉ có đúng duy nhất một nhà vệ sinh công cộng.
Người dân hòn đảo tí hon này chủ yếu làm nghề đánh cá. Các loài như cá rô sông Nile có rất nhiều ở vùng nước sâu xung quanh Migingo và được bán với giá thành cao. Theo ngư dân Kenya Kennedy Ochieng, cá lớn chất lượng tốt có thể bán được hơn 300 USD/kg trên thị trường quốc tế.
Nói chuyện với The Guardian vào năm 2018, Isaac Buhinza, một cư dân Migingo nói rằng anh ấy đến hòn đảo này vì "những người bạn của tôi ở đây trước đây thường trở về nhà với rất nhiều món ngon" sau những chuyến đi câu cá của họ.
Dù rõ ràng là sống trên đảo, nhưng cuộc sống của người dân Migingo không quá yên bình và thư giãn vì mật độ dân số quá cao. Để có nhu yếu phẩm khác sinh sống, người dân sẽ mua đồ từ những người bán buôn ghé qua đảo bằng tàu biển. Dẫu vậy, các ngư dân trên hòn đảo đông đúc này vẫn bám trụ hàng chục năm qua.
Nguồn: Unilad
Đời sống Pháp luật