Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 qua lăng kính quốc tế
Qua lăng kính quốc tế, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng bên cạnh những gam màu trầm về tăng trưởng nóng và nợ xấu.
- 29-01-2017Kinh tế Việt Nam 2017 đối mặt thách thức gì từ thế giới?
- 24-01-2017Kinh tế Việt Nam năm 2017: Cơ hội cất cánh!
- 22-01-2017Chiếc mũ đỏ, nước mắt người Mỹ và câu chuyện của kinh tế Việt Nam
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2017, hầu hết chuyên gia, tổ chức và truyền thông quốc tế đều nhận định Việt Nam là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á trong năm nay.
Với triển vọng tươi sáng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở châu Á
Phát triển vượt bậc
Chuyên gia kinh tế cấp cao Juliana Lee của Deutsche Bank lạc quan vào sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, dựa trên các chỉ số môi trường kinh doanh trong năm 2016 cũng như sự cam kết của Chính phủ sẽ cải cách hơn nữa nền kinh tế trong năm 2017.
Theo bà Juliana Lee, việc cải tổ các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với tình hình tài chính của Việt Nam vì nó làm tăng hiệu quả của chi tiêu công và nguồn tiền thu được từ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, có thể được sử dụng để trả bớt nợ công.
Bà Juliana Lee cho rằng, với nguồn vốn nước ngoài, Việt Nam có thể đạt được những tiến bộ lớn trong việc tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Trước đó, Việt Nam đã ban hành một hướng dẫn cụ thể về sở hữu nhà nước, gợi mở về sự cải tổ nhanh chóng các DN sở hữu nhà nước trong năm nay.
Với những kế hoạch cải tổ để nâng cao tiềm lực tăng trưởng trong dài hạn, cộng với sự khôi phục bền vững của nông nghiệp và xuất khẩu, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,4% trong năm 2017, cao hơn năm 2016, chuyên gia của Deutsche Bank đánh giá.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, trong năm 2017, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng 6,3%.
Sputniknews dẫn báo cáo của Văn phòng Thống kê Trung ương, cho hay trong năm 2016 tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm đạt 6,2%. Hãng thông tấn này cũng đăng tải dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á về nhịp độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 ở mức 6,3 %.
Tờ báo đưa ý kiến của ông Frederic Neumann, đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hongkong cho rằng: Sự tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Việt Nam sẽ tăng thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu. Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lực lượng lao động giá rẻ và trình độ cao.
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Tờ TheStar Online cho biết, khối lượng xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam tăng lên, trong bối cảnh sự suy thoái trong thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến Singapore và Trung Quốc. Việc thành lập trong nước các doanh nghiệp khổng lồ như Samsung Electronics Co, biến Việt Nam thành một trung tâm quốc tế sản xuất hàng điện tử.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế (Ảnh minh họa: KT)
Trong một bài báo khác Bloomberg viết rằng, các nhà đầu tư đang đặt cược vào Việt Nam. Lần đầu tiên trong 2 năm qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam được định giá cao hơn so với cổ phiếu của các nước láng giềng trong khu vực. Kết quả này được bảo đảm bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt của nền kinh tế Việt Nam và sự ổn định chính trị trong nước, trong khi những nước khác trong khu vực đang đối mặt những thay đổi chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Theo Bloomberg, bây giờ là thời điểm thuận lợi để các tập đoàn nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam vì chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự báo tích cực, báo chí quốc tế cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Trang tin Business Insider cho rằng, bất chấp các kết quả ấn tượng, Việt Nam đối diện với nhiều thách thức liên quan tới chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong năm 2016, tín dụng của Việt Nam tăng trưởng "nóng" lên tới 20%, do đó hiện tượng gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2011./.
VOV