Bức tranh sáng xuất khẩu lao động
Năm 2017, Việt Nam dự kiến đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc mở rộng thị trường, đẩy mạnh hợp tác lao động với các nước đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam.
- 18-01-2017Mức lương trên 70 triệu đồng/tháng là thu nhập trước thuế của người đi xuất khẩu lao động tại Đức
- 30-12-2016Cơ hội xuất khẩu lao động miễn phí tại Nhật Bản cho người Việt
- 28-12-2016Đổi đời nhờ con đường xuất khẩu lao động đúng hướng
- 05-12-2016Phí cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động cao nhất 5 triệu đồng/lần
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), khẳng định xuất khẩu lao động (LĐ) đang thực sự hồi phục, mở ra nhiều cơ hội mới cho người LĐ.
Thị trường trọng điểm: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc
Báo cáo của Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Dolab) cho biết trong năm 2016, cả nước đã đưa 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài (vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so năm 2015). Trong đó, Đài Loan dẫn đầu với 68.244 LĐ, kế đến Nhật Bản 39.938 LĐ và Hàn Quốc 8.482 LĐ.
Ông Phạm Viết Hương, Cục phó Cục Dolab, khẳng định đây là năm thứ 3 liên tiếp, xuất khẩu LĐ của Việt Nam vượt mức cung ứng 100.000 LĐ/năm và chỉ tiêu đưa 105.000 LĐ ra nước ngoài trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được.
Theo ông Hương, để đạt chỉ tiêu đề ra, kế hoạch của Dolab là ưu tiên đầu tư mạnh cho các thị trường trọng điểm, nhất là 3 thị trường chủ lực: Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Song song đó, tập trung triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác LĐ đã ký với các nước trong năm 2016, như thỏa thuận về triển khai chương trình LĐ kết hợp kỳ nghỉ tại Úc; Hiệp định hợp tác LĐ Việt - Lào; thỏa thuận phái cử và tiếp nhận LĐ giữa Việt Nam và Thái Lan; thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS…
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu LĐ Việt Nam, cho rằng trong số 29 thị trường tiếp nhận LĐ Việt Nam trong năm 2016, chỉ có 6 thị trường tiếp nhận từ 1.000 LĐ trở lên (gồm: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả Rập Saudi và Algieria). Trong đó, 3 thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chiếm tới 90% tổng số LĐ đưa đi. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH cần hướng doanh nghiệp (DN) đầu tư mạnh vào các thị trường lớn này.
Trên thực tế, phần đông trong 271 DN hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang tập trung khai thác các thị trường trọng điểm nói trên. Theo thẩm định của Dolab, chỉ riêng thị trường Đài Loan, số lượng hợp đồng đăng ký của DN được cho phép tuyển dụng trong quý I/2017 là 2.566 hợp đồng với nhu cầu khoảng 15.000 LĐ. Con số này ở thị trường Nhật Bản là 278 hợp đồng, trên 10.000 LĐ. Dự kiến, trong quý I/2017 có khoảng 30.000 LĐ ra nước ngoài.
Thúc đẩy việc làm bền vững
Theo Bộ LĐ-TB-XH, LĐ Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng đều trong 10 năm qua, từ 80.000 - 90.000 LĐ/năm trong giai đoạn 2006-2013 lên hơn 100.000 LĐ/năm trong 3 năm qua. Với lưu lượng 500.000 LĐ đang làm việc ở nước ngoài, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu LĐ đạt trên 1,5 tỉ USD/năm (tính theo thu nhập tích lũy do người LĐ gửi về gia đình).
“Đây là con số rất lớn, góp phần lớn cho tăng trưởng GDP , cải thiện đời sống nhiều gia đình, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn” - ông Dung khẳng định.
Theo ông Dung, chủ trương của Đảng và nhà nước là đẩy mạnh xuất khẩu LĐ, không chỉ coi đây là kênh giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo mà còn là chiến lược thúc đẩy việc làm bền vững, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế. Do đó, tới đây Bộ LĐ-TB-XH sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ xuất khẩu LĐ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu LĐ của DN; nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho người LĐ trước khi cung ứng ra nước ngoài.
“Chúng tôi cũng đã giao Dolab lập đề án “Đưa LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Dung nhấn mạnh.
Vấn đề mà nhiều năm qua ngành xuất khẩu LĐ chưa giải quyết được, đó là tình trạng lừa đảo xuất khẩu LĐ vẫn còn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng DN lợi dụng thu phí cao, “đem con bỏ chợ” thường xuyên xảy ra. Những rủi ro khi ra nước ngoài làm việc cộng với mục đích kinh tế khiến tỉ lệ LĐ bỏ trốn, phạm pháp xảy ra ở hầu hết các thị trường.
Trong 3 năm qua, Bộ LĐ-TB-XH và Dolab đã xử phạt vi phạm hành chính trên 100 lượt DN vi phạm, chủ yếu với các hành vi trên. Ông Hương cho rằng đây là vấn đề lớn mà trong việc cải tổ xuất khẩu LĐ, Bộ LĐ-TB-XH và Dolab tập trung giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Chú trọng bảo vệ người lao động
Tại văn bản hướng dẫn đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài vừa ban hành, Dolab yêu cầu các DN xuất khẩu LĐ phải phối hợp với các đối tác nước ngoài trong việc quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người LĐ.
Theo đó, DN phải cử cán bộ đại diện tại nước tiếp nhận để quản lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người LĐ. Nếu có cán bộ đại diện ở nước ngoài, việc xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến người LĐ phải nhanh chóng giải quyết, không để kéo dài, gây ra những hệ lụy về sau.
Người lao động