MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh thị trường di động Việt Nam nửa đầu 2021

23-06-2021 - 09:43 AM | Thị trường

Tiếp tục trải qua nửa năm nhiều biến động, thị trường di động Việt Nam ghi nhận một số điểm sáng nhưng cũng có nhiều sự tiếc nuối.

Điện thoại 5G ngày một phổ biến

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 làm chậm đi đáng kể tiến độ phủ sóng mạng 5G trên quốc tế cũng như Việt Nam. Ở thị trường trong nước, mặc dù mức độ phủ sóng 5G vẫn còn khá hạn chế tại một số thành phố lớn nhưng các hãng di động đã nhanh chân trong việc đón đầu xu hướng này.

Apple, Samsung, Oppo, Xiaomi hay Vivo đều liên tục tung các mẫu di động 5G thế hệ mới tại Việt Nam. Điểm qua trên các kệ hàng, hiện có khoảng 30 mẫu di động hỗ trợ 5G đã được bán ra, giá bán trải rộng từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn khác nhau. 

Bức tranh thị trường di động Việt Nam nửa đầu 2021 - Ảnh 1.

Nhiều lựa chọn di động 5G ở các tầm giá khác nhau tại thị trường Việt Nam.

Sự xuất hiện của những model như iPhone 12, Samsung Galaxy S21, Oppo Find X3 Pro hay Vivo X60 Pro hỗ trợ 5G không khiến nhiều người ngạc nhiên bởi đây đều là các smartphone đầu bảng, sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, việc các di động tầm trung, thậm chí trung bình thấp (xét theo giá bán) liên tục xuất hiện như Oppo A74 (7,5 triệu), OnePlus Nord N10 5G (6 triệu) hay Xiaomi Redmi Note 10 5G (5 triệu) cho thấy các nhà sản xuất đang rất "chiều" người tiêu dùng.

Đáp lại sự yêu chiều đó, nhu cầu mua sắm điện thoại 5G cũng tăng nhanh tại Việt Nam. Theo các nhà bán lẻ, điện thoại 5G có thời điểm chiếm đến 30% doanh số toàn hệ thống. Các nhà bán lẻ cho biết người dùng thực sự quan tâm đến công nghệ kết nối mới và 5G đang dần trở thành một trong các tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn smartphone của người dùng.

VinSmart rời thị trường

Tháng 5/2021, VinSmart bất ngờ đưa thông báo dừng sản xuất smartphone, TV để tập trung phát triển cho VinFast. Động thái này gây tiếc nuối nhưng được đánh giá là hợp lý với hãng smartphone thương hiệu Việt trong bối cảnh thị trường di động bão hoà, lợi nhuận thấp trong khi cạnh tranh gay gắt và khả năng tạo bứt phá không cao.

Đại diện VinSmart cho biết các model còn tồn kho vẫn kinh doanh bình thường, trong khi hoạt động khuyến mại, hậu mãi cho sản phẩm vẫn được duy trì. Bằng chứng là mới đây VinSmart vẫn tung bản cập nhật VOS 4.0 cho hàng loạt mẫu di động thế hệ 2020.

Bức tranh thị trường di động Việt Nam nửa đầu 2021 - Ảnh 2.

Trước khi rời bỏ thị trường, VinSmart đã xây chắc vị trí thứ 3 trong top các nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam năm 2020, đứng sau Samsung và Oppo. Một số model của hãng gây ấn tượng mạnh với người dùng như Vsmart Joy 3, Live 4, trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc phổ thông. VinSmart cũng gây chú ý khi công bố điện thoại đầu tiên có camera ẩn dưới màn hình Aris Pro.

Với việc VinSmart công bố rời bỏ thị trường, Việt Nam đã không còn thương hiệu di động nào đủ mạnh để cạnh tranh với các ông lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc. BKAV cũng là hãng di động duy nhất còn kinh doanh tại Việt Nam nhưng doanh số chưa từng được công bố. Trong khi đó, thị phần di động Việt Nam hiện gần như nằm trọn trong tay 6 ông lớn gồm Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo, Realme và Apple.

Điệp khúc giảm giá sản phẩm

Giảm giá là tình trạng diễn ra thường xuyên trên thị trường di động trong bối cảnh cạnh tranh lớn, model mới ra mắt liên tục. Tuy nhiên, điệp khúc đó càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong nửa đầu năm nay, khi dịch bệnh bùng phát diện rộng khiến nhu cầu chi tiêu của người dùng giảm xuống, việc ra ngoài mua sắm trở nên khó khăn hơn.

Từ di động cao cấp cho tới phổ thông, hầu hết các mẫu di động bán tại Việt Nam đều có những màn giảm giá mạnh. Chẳng hạn, Galaxy S21 Series của Samsung giảm khoảng 3-4 triệu (có thời điểm lên đến 5-7 triệu) kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 1 đến nay. iPhone 12 Series của Apple cũng có mức giảm tương tự. Apple cũng chuẩn bị cho một đợt giảm giá tiếp theo cho các sản phẩm như iPhone 11, iPhone 12 và 12 mini.

Nhiều mẫu di động cận cao cấp, tầm trung cũng được giảm giá cả triệu đồng. Những màn giảm giá này thường không cố định mà gắn liền với khuyến mại của nhà bán lẻ, chẳng hạn nhân các dịp lễ, hoặc giảm giá cuối tuần, giảm giá khi mua hàng online vv…

Rơi vào "ma trận" giảm giá sản phẩm nên người dùng gặp đôi chút khó khăn cho việc định giá cũng như chọn thời điểm mua máy. Dự kiến, tình trạng này chưa sớm chấm dứt khi mà hoạt động kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ bị gián đoạn, khiến doanh số đi xuống.

Nhà bán lẻ lao đao vì Covid

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều nhà bán lẻ đã thực sự "thấm đòn" giãn cách khi mà hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa và chỉ bán hàng online. Các nhà bán lẻ cho biết doanh số bán hàng giảm 50-70% doanh số, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Nhiều người kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực cho biết họ chưa bao giờ đối diện tình trạng doanh số giảm đến thể. Đối mặt khó khăn, các đại lý đang cố gắng tìm cách tối ưu chi phí như cho xin đối tác hỗ trợ chi phí mặt bằng, cho nhân viên làm việc luân phiên và đẩy mạnh việc bán hàng online.

Bức tranh thị trường di động Việt Nam nửa đầu 2021 - Ảnh 3.

Nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa, chỉ bán hàng online trong giai đoạn này.

Hầu hết cửa hàng cho biết doanh số bán hàng online đã tăng 15-30% nhưng vẫn không bù được doanh số offline bị giảm.

Tuy nhiên, vẫn có những niềm hy vọng ở phía trước bởi theo dự báo, thị trường di động Việt Nam có thể vẫn giữ đà tăng trưởng trong năm nay. Điều này có nghĩa ngay cả khi sức bán ở giai đoạn này bị giảm mạnh, việc mua sắm có thể sẽ bùng lên trở lại vào giai đoạn cuối năm, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Việc cần làm của các nhà bán lẻ là duy trì hoạt động, chờ đợi đến giai đoạn đó.

Thành Duy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên