Bức tranh tương phản tại Thế Giới Di Động hậu giãn cách: Rau thịt cá "ế" khách, điện thoại cháy hàng
Sau khi có thêm 320 cửa hàng trong vòng 1 năm qua, doanh thu Bách Hóa Xanh tháng 10/2021 gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, doanh thu điện thoại điện máy vừa lên cao thứ 2 trong lịch sử, góp phần giúp Thế Giới Di Động báo lãi kỷ lục.
- 18-11-2021Thế Giới Di Động bứt tốc cuối năm bù đắp thời gian dịch bệnh
- 15-11-2021Thế giới Di động (MWG) sẽ bán thêm quần áo thời trang, đồ thể thao trong năm 2021
- 14-11-2021Chủ tịch Thế giới Di động nói về lùm xùm thuê mặt bằng: "Ai thích hay không thích, tôi không quan tâm nhiều nhưng miễn họ đừng nói sai sự thật, nói sai là có chuyện"
Theo số liệu do Thế Giới Di Động vừa công bố, trong tháng 10 vừa qua, doanh thu của công ty đạt 12.186 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao thứ 2 và lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Thế Giới Di Động cho biết, thành quả này đến từ sự "tỏa sáng" của mảng điện thoại. Doanh thu điện thoại tăng trưởng tới 68% nhờ chương trình chào bán sản phẩm iPhone 13 series. Riêng doanh thu các sản phẩm điện thoại đã chiếm tới hơn 45% tổng doanh số của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Nhờ đó, tổng doanh thu Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong tháng 10 vừa qua lên tới gần 10.200 tỷ đồng. Con số này cao hơn cả doanh thu tháng 8 và tháng 9 cộng lại, cao thứ 2 trong lịch sử kinh doanh của công ty và cao gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy mảng điện thoại điện máy của Thế Giới đã gần như hồi phục hoàn toàn sau khi mở cửa trở lại.
Nhìn sang Bách Hóa Xanh, số liệu lại cho thấy bức tranh tương phản. Doanh thu Bách Hóa Xanh lập đỉnh vào tháng 7 vừa qua, đạt gần 4.200 tỷ đồng và tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 8, đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 tháng vừa qua, doanh thu Bách Hóa Xanh chỉ đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tương đương với thời điểm cách đây 1 năm. Bình quân, mỗi cửa hàng chỉ đem về 1 tỷ đồng/tháng và chưa quay về mức bình quân thời điểm trước dịch.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Bách Hóa Xanh có 1.976 cửa hàng. Cùng kỳ năm trước, chuỗi có 1.656 cửa hàng. Như vậy, sau khi mở thêm tới 320 cửa hàng trong 1 năm qua, tổng doanh thu Bách Hóa Xanh gần như không tăng và doanh thu bình quân mỗi cửa hàng giảm xuống.
Lý giải điều này, ban lãnh đạo công ty cho biết, Bách Hóa Xanh tập trung vào các địa bàn trọng yếu là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, các địa bàn này chiếm gần 50% doanh thu của chuỗi. Mặc dù đã hết giãn cách xã hội, nhưng đây vẫn là những khu vực có số ca nhiễm cao nhất cả nước. Do đó, sinh hoạt của người dân chưa quay về bình thường như trước và một bộ phận người lao động đã rời khỏi các "thủ phủ công nghiệp" này để về quê.
Bên cạnh đó, theo khảo sát thị trường, nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi sống của các hộ gia đình đang có xu hướng giảm sau khi nhà hàng, quán ăn được dỡ bỏ các hạn chế hoạt động. Trong khi đó việc chợ truyền thống mở cửa trở lại, cùng với sự xuất hiện của nhiều cá nhân, cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng tươi sống sau mùa dịch cũng tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Như vậy, dường như Bách Hóa Xanh đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Trong quý 3 vừa qua, Bách Hóa Xanh đã có cơ hội rất tốt để đánh chiếm thị trường, khi các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ phải dừng hoạt động để đảm bảo giãn cách xã hội. Người tiêu dùng khi đó chỉ có thể lựa chọn các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Bách Hóa Xanh để mua thực phẩm và nhờ đó chuỗi này được phục vụ tới hơn 27 triệu lượt khách chỉ trong tháng 7, tương đương 900.000 lượt khách mỗi ngày, gấp 1,4 lần trung bình trước dịch.
Thế nhưng, lượng khách hàng quá lớn cũng đã khiến Bách Hóa Xanh gặp tình trạng "quá tải", nhân viên phục vụ khách hàng không chuẩn mực như trước.
Đồng thời, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh gặp tình trạng không kịp thay đổi bảng giá niêm yết cho sản phẩm, hoặc niêm yết giá sai và đã bị cơ quan quản lý thị trường xử phạt hành chính vì các lỗi này.
Đáng chú ý nhất là việc giá một số sản phẩm tại Bách Hóa Xanh tăng cao giữa giai đoạn rất nhạy cảm khi người dân mất việc làm, mất thu nhập. Bách Hóa Xanh cũng đã nhanh chóng đưa ra lời giải thích, rằng việc tăng giá hoàn toàn không phải để kiếm lời, mà để bù đắp cho các loại chi phí phát sinh do giãn cách, như chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí vận chuyển, chi phí tăng ca... Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, chuỗi hoàn toàn có thể không tăng giá, nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc không có hàng để bán cho người tiêu dùng.
Được biết, trong những tháng cuối năm, Bách Hóa Xanh sẽ hướng đến tối ưu hóa sắp xếp nhân sự và tiếp tục cải thiện năng suất nhân viên, gia tăng tỷ trọng đóng góp các sản phẩm nhãn hàng riêng và phân phối độc quyền, song song với kiểm soát tỷ lệ hủy hàng để duy trì biên lợi nhuận gộp.
Doanh nghiệp và tiếp thị